Truyền thuyết cố Tám và ngôi miếu thiêng thờ nghĩa sĩ Cần Giuộc

Lễ tái lập miếu cố Tám, ngày 10/6/2018 tại Đa Phước, Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Hạnh Ngọc.
Lễ tái lập miếu cố Tám, ngày 10/6/2018 tại Đa Phước, Bình Chánh, TPHCM. Ảnh: Hạnh Ngọc.
TP - Trong số hơn 20 nghĩa sĩ đã hy sinh khi đánh đồn Pháp tại Cần Giuộc, nay hầu hết vô danh, nhưng riêng ông Mai Văn Phận được tôn thờ là một vị thần và nhờ vậy còn lưu danh đến ngày nay.

Ngày 10/6/2018, nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng mời chúng tôi về xã Đa Phước (Bình Chánh, TPHCM) để dự tái lập ngôi miếu thờ một vị nghĩa sĩ Cần Giuộc đã hy sinh trong trận đánh đồn Tây vốn được thi sĩ Nguyễn Đình Chiểu viết bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Trong số hơn 20 nghĩa sĩ đã hy sinh khi đánh đồn Pháp tại Cần Giuộc, nay hầu hết vô danh, nhưng riêng ông Mai Văn Phận được tôn thờ là một vị thần và nhờ vậy còn lưu danh đến ngày nay.

Tại xã Đa Phước, Bình Chánh, TPHCM bên con sông giáp ranh với tỉnh Long An có cái miếu cũ vừa mới được tôn tạo khang trang. Trong những tán dừa nước và bên dòng sông xanh biếc, ngôi miếu soi mình xuống dòng sông như một chứng tích lịch sử không phai mờ. Câu chuyện về người nghĩa sĩ Cần Giuộc đã hy sinh cả trăm năm nhưng vẫn sống mãi trong lòng người dân ở đây.

Bác Nguyễn Văn Cọt, người thủ từ mỗi ngày thắp hương trong miếu 2 lần, đứng trước ngôi miếu khá khang trang được dựng trên nền đất cũ, chỉ tay xuống mép sông, kể: “Sau khi bị thương trong trận đánh đồn, ông được đưa đến khúc sông này, tiếc là dân chúng trong vùng không có ai làm nghề thuốc, vết thương quá nặng, ông đã qua đời”.

Nghĩa sĩ Mai Văn Phận hy sinh tháng 12/1861, trong những ngày quân ta đánh giặc Pháp tại Cần Giuộc. Bác Cọt nói: “Ngay khi ông mất, nghĩa binh đưa ông trở lại quê nhà ở Tân Kim, Long An (nơi có chùa Tôn Thạnh diễn ra lễ tế các nghĩa sĩ Cần Giuộc những ngày sau đó). Người dân Đa Phước mến mộ và khâm phục người anh hùng nên đã lập miếu thờ tại vị trí ông mất bên con sông nhỏ. Ngôi miếu cũ cả trăm năm tuổi nên hư hại nhiều, vừa được người dân tu bổ, hôm nay làm lễ tái lập miếu với nhiều người tham dự.

Anh Nhân, một người dân sống cạnh miếu nói: “Làng chúng tôi dựng lên vài trăm năm thì cái miếu này cũng có hơn trăm năm rồi. Xưa kia, vào mùa xuân, làm lễ hội ở miếu rất lớn. Dựng rạp, chuẩn bị một ngày, rình rang, sáng hôm sau vào lễ chính, người dân quanh vùng tới đông đúc. Mọi người phấn khởi: “Miếu cổ được tái lập sẽ khơi dậy lòng yêu nước, quy tụ được nhiều người tới thăm viếng”.

Niềm tự hào của dòng họ

Dòng họ Mai từ Bình Định vào Cần Giuộc, Long An lập nghiệp từ thời xưa và được thờ làm thành hoàng làng Tân Kim, Long An. Ông Phận sinh trưởng trong dòng họ có truyền thống ấy.  Ông Mai Văn Phận tử trận, chỉ có một người con là Mai Văn Chức, rồi ông Chức sinh ra ông Công,  ông Công sinh ông Diệp. Anh Mai Văn Đực là con trai ông Diệp, tính ra là cháu bốn đời của ông Mai Văn Phận.

Trong miếu có tấm bia đề: “Tiền hiền khai khẩn Mai Văn Giả, ông Mai Văn Phận là cháu đời thứ năm, theo nghĩa quân Trương Định được tôn thần”. Anh Đực thắp nhang trong miếu, khấn: “Miếu cũ hư hỏng nhiều, con cháu họ Mai mới góp tiền tu sửa, được các nhà báo và lãnh đạo quan tâm tới dự, họ Mai chúng tôi rất tự hào”. Tới dự lễ khánh thành ngôi miếu mới, có nhà nghiên cứu về cụ đồ Chiểu, cô Châu Anh Phụng, nhà thơ Hạnh Ngọc và Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Long An ông Nguyễn Anh Dũng.  

Anh Mai Văn Đực bùi ngùi: “Ông bị thương trong trận đánh Tây Dương ở Trường Bình. Thuyền quân ta rút về đến đây thì ông bị thương nặng quá nên qua đời”. Anh Đực kể: “Vùng Đa Phước này và cả ở tỉnh Long An chúng tôi, mọi người đều gọi ông  là cố Tám hoặc quan Đại Thần, không ai dám gọi tên thật của ông. Trăm năm vẫn vậy”.

Hiện ngoài việc được thờ phụng trong miếu ở TPHCM, ông Mai Văn Phận còn được thờ tại Đình Tân Kim, Long An là di tích lịch sử văn hóa. Anh Đực tiết lộ: “Người dân xưa nay gọi ông là cố Tám, nhiều người nhầm ông là con thứ tám, nhưng thật ra danh xưng ấy do ông chỉ huy đội quân thứ 8 của Trương Định. Đội quân của ông đánh đồn Tây ở Cần Giuộc, lập chiến công hiển hách, diệt nhiều quân địch. Nhưng do vũ khí quân ta thô sơ chỉ có giáo mác tự rèn nên khó có thể tránh thương vong, thiệt hại…”.   

Trong bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc miêu tả các nghĩa sĩ: “Ngoài cật có một manh áo vải” vũ khí là “Trong tay cầm một ngọn tầm vông” nhưng tinh thần dũng mãnh phi thường: “Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có”...

Truyền thuyết cố Tám và ngôi miếu thiêng thờ nghĩa sĩ Cần Giuộc ảnh 1 Bia đặt trong miếu.

Huyền thoại

Đình Tân Kim, Cần Giuộc, Long An nơi thờ nghĩa binh Mai Văn Phận là một trong những ngôi đình cổ đẹp, hàng năm đều có tổ chức lễ hội lớn, ba năm một lần đình mời đoàn hát bội về diễn cho bà con xem, đãi hơn 200 mâm cỗ với hơn 2.000 khách trong vùng.

Ngôi miếu thờ nghĩa binh Mai Văn Phận ở TPHCM cũng giữ lễ cúng hàng năm. Một người dân sống gần miếu từ trước 1975 kể: “Thời chế độ cũ, trong vùng này có một cái đồn, quân lính trong đồn rất nể sợ oai linh của cố Tám, nên hàng năm vào dịp Tết cổ truyền, cứ ngày 26 tháng Chạp, đồn này đều tổ chức ra miếu cúng ông trước, sau mới về đồn ăn tất niên. Năm nào cũng đều như thế!”.

Câu chuyện về người nghĩa sĩ Cần Giuộc “sống khôn chết thiêng” vẫn được lưu truyền cùng những câu chuyện huyền hoặc. Trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu viết: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia. Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó”.

Anh Nhân, người dân sống cạnh miếu nói: “Truyền thuyết nói rằng cố Tám là tướng giỏi của ông Trương Định, võ nghệ rất cao cường. Ông có cái tài không ai sánh được đó là ông có thể đi qua sông mà không cần thuyền, chỉ cần đứng trên một cái nón mà đi”.  

Bác Nguyễn Văn Cọt hay thắp nhang trong miếu nói nhỏ: “Cố Tám linh thiêng nhất vùng này. Nhưng ông chỉ cho những ai xin cây cối nhiều hoa trái, con cháu học giỏi, lại cho sức khỏe nữa. Không cần xin, chỉ cần thắp nhang cũng đã có sự thay đổi rồi. Còn chuyện cờ bạc lô đề thì ông cấm. Số là có người chơi lô đề vào viết sớ xin, đến khi đốt sớ, không thấy số lô đề hiện ra mà thấy hiện hình ông đang đội mũ quan, khuôn mặt ông rất bực bội, nên người đó bèn bỏ chạy. Từ ấy không ai dám đến xin chơi lô đề nữa”.

Anh Khắc Sinh, người dân sống bên dòng sông hiền hòa tủm tỉm: “Chẳng biết hư thực chuyện cố Tám nổi giận với người chơi lô đề ra sao, nhưng người dân ở quanh đây đều truyền tụng nhau chuyện cố Tám không thích người chơi lô đề vì thế người chơi lô đề giảm hẳn”.

Truyền thuyết cố Tám và ngôi miếu thiêng thờ nghĩa sĩ Cần Giuộc ảnh 2 Bác Cọt chỉ nơi cố Tám tử trận.

Giữ gìn truyền thống

Anh Mai Văn Đực tâm sự: “Con cháu họ Mai quyết định khôi phục miếu thờ cố Tám là vì sao?”. Bác nói: “Con cháu rất nhiều người biết tri ân tổ tiên, nhưng cũng không ít người bận bịu nhiều công việc mà sao nhãng việc ôn lại truyền thống. Những kẻ lớp trước như chú đây, chẳng thể sống mãi. Bởi vậy, cất công xây dựng lại miếu thờ là để khi thế hệ các chú qua đời, con cháu kế tiếp thờ phụng cố Tám, noi theo tấm gương anh hùng, vì nước mà xả thân hi sinh, chống ngoại xâm, được người đời kính trọng”.

Bác Cọt, người hơn 40 năm thắp nhang mỗi ngày trong miếu hồ hởi vỗ vai từng người: “ Có được ngày hôm nay, các cháu về với ông, nhớ ông là mừng rồi. Đây cũng là nhớ lòng yêu nước, chống ngoại xâm”.  

Anh Nhân, năm nay chừng gần 40 tuổi, da ngăm đen, bảo: “Chúng tôi là dân nông nghiệp ở ngoại thành, cuộc sống rất vất vả. Làm nông nghiệp lỗ, trồng lúa để lấy cái ăn chứ không có lời. Lúc nông nhàn, mấy anh em đi làm thợ xây. Những khi mùa màng, chúng tôi tới miếu cố Tám để xin cố cho cây cối nhiều hoa trái, lúa được mùa. Mỗi lần xin cố thì cây cối còi cọc già cỗi cũng đều ra hoa, đơm quả rất là linh nghiệm”.  Anh Nhân lại bảo: “Vì có truyền thuyết cố Tám ghét người lô đề, nên chúng tôi không chơi lô đề, chỉ đoàn kết lại cùng nhau lao động và sống một cuộc đời trong sáng như cố Tám đã từng là một tấm gương”.

Câu chuyện rôm rả quanh ngôi miếu mới được tái lập, lại quay về với bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc với những câu Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi tấm gương hi sinh của các nghĩa quân: “Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ”.

6/2018

Theo các tài liệu, đêm rằm tháng 11 năm Tân Dậu, tức 16/12/1861, ông Bùi Quang Diệu (thường gọi là Đốc Là) chỉ huy 3 cánh quân tập kích đồn Tây Dương ở chợ Trường Bình, Cần Giuộc. Nghĩa quân chiếm được đồn địch, đốt nhà dạy đạo và đâm bị thương Đồn trưởng Dumont, chém chết một số lính Mã tà, Ma ní. Nhà nghiên cứu Châu Anh Phụng cho biết: “Ông Mai Văn Phận chỉ huy một cánh quân của đốc Là đánh vào đồn Tây Dương. Hai ngày sau, tức ngày 18/12/1861 thì giặc Pháp đem quân lên đánh chiếm lại, trận chiến diễn ra ác liệt, ông Mai Văn Phận bị thương nặng, hy sinh và được người dân lập miếu thờ tôn thần”.

MỚI - NÓNG