TS Nguyễn Sĩ Dũng: Đừng đổ lỗi hết cho 'đại gia', 'đại ca'

TS Nguyễn Sĩ Dũng.
TS Nguyễn Sĩ Dũng.
TP - “Các tiêu chí nhiều khi chỉ là định tính nên rất khó đo đếm. Và thực tế cho thấy cách đo đếm của chúng ta vừa rồi là rất nhiều sai sót. Nếu trước mắt vẫn chưa để người dân trực tiếp lựa chọn lãnh đạo được, thì hãy lắng nghe ý kiến của người dân nhiều hơn. Nghe dân nhiều hơn thì chắc chắn sẽ chọn được người xứng đáng hơn”, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trò chuyện với PV Tiền Phong về công tác cán bộ.

Trước nay, chúng ta đều có những chính sách thu hút nhân tài, tạo điều kiện tối đa cho cán bộ trẻ. Từ trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh và một vài trường hợp cán bộ trẻ trước đó, theo ông phải làm thế nào để vừa tạo điều kiện tối đa cho cán bộ trẻ phát triển, nhưng vẫn đảm bảo độ chín về mọi mặt, để họ có thể đảm đương được những vị trí quan trọng?

Thực ra, cùng lứa tuổi với ông Nguyễn Xuân Anh, ông Macron đã làm Tổng thống Pháp. Vấn đề là ông Macron đứng ra tranh cử để được làm Tổng thống Pháp, còn ông Xuân Anh thì được cơ cấu, được quy hoạch để làm Bí thư Thành ủy.

Yêu cầu đặt ra là cần làm gì để một chính khách đạt được “độ chín” nhanh hơn. Bởi vì rằng nếu bạn cứ mãi “xanh non”, thì chẳng có cách gì để trúng cử cả.

Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua về sai phạm của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và Chủ tịch UBND thành phố, theo ông phải chăng việc lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo trẻ của chúng ta còn có hạn chế?

Trong hệ thống của chúng ta, Bí thư Thành ủy là người đứng đầu thành phố, người sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân thành phố. Chính vì vậy, tôi cho rằng, việc lựa chọn vị trí cán bộ lãnh đạo thì cũng cần tham khảo ý kiến người dân thành phố, đặc biệt là ý kiến của các vị nhân sĩ, trí thức và các vị lão thành Đà Nẵng.

Các tiêu chí nhiều khi chỉ là định tính nên rất khó đo đếm. Và thực tế cho thấy cách đo đếm của chúng ta vừa rồi rất nhiều sai sót. Chúng ta hãy lắng nghe ý kiến của người dân nhiều hơn. Nghe dân nhiều hơn thì chắc chắn sẽ chọn được người xứng đáng hơn.

TS Nguyễn Sĩ Dũng: Đừng đổ lỗi hết cho 'đại gia', 'đại ca' ảnh 1 Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh sử dụng xe do doanh nghiệp biếu. Ảnh: P.V.

Phải chọn cán bộ qua thành tích thực tế

Nói về lòng tin và phát ngôn của chính khách, còn nhớ ông Xuân Anh từng tự đánh giá bản thân “trong sáng”, chỉ có một ngôi nhà, tuy nhiên khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, lại phát hiện có vi phạm trong việc nhận nhà, nhận xe của doanh nghiệp?

Tôi thấy sự thể thật khó ăn, khó nói cho ông Xuân Anh. Tất nhiên, nếu lời nói không đi đôi với việc làm, thì làm sao người dân có thể tin được. Những cán bộ nói ít làm nhiều, hoặc đã nói thì sống chết giữ lấy lời mới là những người có thể giúp cho chế độ, giữ được lòng tin của người dân.

Tại một phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho rằng “đại ca, đại gia làm hư hỏng cán bộ”. Còn Ủy ban Tư pháp, khi thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi thì cho rằng, nghi ngờ về tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm, sân sau” của cử tri có cơ sở. Ông suy nghĩ gì về điều này?

Tôi cho rằng, các anh chị ở Ủy ban Quốc phòng An ninh và Ủy ban Tư pháp hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, đổ lỗi hết cho “đại ca và đại gia” thì cũng không phải. Cán bộ hư hỏng trước hết do yếu tố chủ quan. Nếu cán bộ thực sự liêm chính, thực sự có phẩm chất đạo đức, thì “đại ca, đại gia” đâu có muốn làm gì cũng được.

Còn chuyện “lợi ích nhóm”, chuyện doanh nghiệp “sân sau”, thì ai mà chẳng biết. Doanh nghiệp biếu xe, biếu nhà cho các quan chức chẳng phải là doanh nghiệp sân sau thì là gì?

Ông có đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp khi cho rằng, cần phải tổng rà soát lại vấn đề bổ nhiệm cán bộ trên cả nước?

Tổng rà soát thì cũng được, nhưng vấn đề ở chỗ, ai sẽ tổng rà soát? Rà soát rồi thì xử lý ra sao? Quan trọng hơn vẫn là phải đổi mới công tác cán bộ. Cán bộ chính trị thì phải có được sự tín nhiệm của dân. Cán bộ hành chính, công vụ thì phải có chuyên môn, nghiệp vụ.

Những người này phải được tuyển dụng thông qua thi tuyển cạnh tranh và được bổ nhiệm dựa trên thành tích thực tế của việc thực thi công vụ.

Cảm ơn ông.

“Cán bộ hư hỏng trước hết do yếu tố chủ quan. Nếu cán bộ thực sự liêm chính, thực sự có phẩm chất đạo đức, thì “đại ca, đại gia” đâu có muốn làm gì cũng được. Còn chuyện “lợi ích nhóm”, chuyện doanh nghiệp “sân sau”, thì ai mà chẳng biết. Doanh nghiệp biếu xe, biếu nhà cho các quan chức chẳng phải là doanh nghiệp sân sau thì là gì?”.       

TS Nguyễn Sĩ Dũng

MỚI - NÓNG
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh
TPO - Đại diện pháp luật một số doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án bất động sản ở Hòa Bình, Quảng Ninh... bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế. Trong đó, bà L.H.L. bị tạm hoãn xuất cảnh do Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình - chủ đầu tư dự án La Saveur De Hoà Bình nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng.