Từ 1/1/2008 : Thủ tướng sẽ làm việc trực tuyến

Từ 1/1/2008 : Thủ tướng sẽ làm việc trực tuyến
Văn phòng Chính phủ sẽ nâng cấp các trang thiết bị về công nghệ thông tin để đến 1/1/2008 thực hiện chế độ làm việc trực tuyến, qua camera giữa Thủ tướng Chính phủ với các thành viên Chính phủ và các doanh nghiệp. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết.

Ngay sau khi kết thúc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2007, tối 28/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi họp báo thông báo về nội dung phiên họp này. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn; đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc, các nội dung được đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ tháng 8 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc sửa đổi, cải tiến quy trình, lề lối làm việc và nâng cao chất lượng các phiên họp Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại phiên họp này, Văn phòng Chính phủ đã trình bày trước Chính phủ đề án sửa đổi quy chế làm việc cũng như vai trò, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ nhằm hoàn thiện chức năng tham mưu đối với công tác điều hành của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ sẽ chuẩn bị cơ sở vật chất, nâng cấp các trang thiết bị về công nghệ thông tin để đến 1/1/2008 thực hiện chế độ làm việc trực tuyến, qua camera giữa Thủ tướng Chính phủ với các thành viên Chính phủ và các doanh nghiệp.

Cũng theo đề án này, Chính phủ sẽ tập trung nâng cao chất lượng xây dựng thể chế; xác định rõ nội dung, chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho các Bộ trưởng theo hướng Chính phủ chỉ làm công tác quản lý vĩ mô; đề cao vai trò của các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát kỷ luật hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, việc thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ cũng đề nghị Chính phủ giảm tối đa các hoạt động lễ nghi tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương.

Liên quan đến vụ việc thanh tra tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Hiện Thủ tướng đã có kết luận về kết quả thanh tra tại đơn vị này và Kết luận này sẽ sớm được công bố trên báo chí trong thời gian sớm nhất.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn, cũng tại phiên họp Chính phủ tháng 8/2007, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/CP ban hành năm 2002 về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Theo đó, các Bộ trưởng sẽ được trao quyền trong việc quyết định thành lập các đơn vị trực thuộc, thay vì trình Thủ tướng Chính phủ quyết định như trước đây. Dự thảo Nghị định cũng quy định việc thành lập mới các Tổng cục trực thuộc Bộ phù hợp với chức năng, vị trí, tầm quan trọng của từng bộ, ngành.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cũng cho biết: Đối với các cán bộ lãnh đạo các Bộ, ngành thuộc diện sáp nhập, hợp nhất theo Nghị quyết của Quốc hội khóa XII nếu thuộc diện còn trong độ tuổi lao động sẽ được bố trí đảm nhiệm các vị trí công tác phù hợp trong cơ cấu Chính phủ mới.  

Trong 2 ngày 27 và 28/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 thảo luận về Chương trình hành động toàn khoá của Chính phủ khoá XII; đổi mới sự chỉ đạo điều hành, cải tiến lề lối làm việc và sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ; Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII và năm 2008 của Chính phủ; Dự án Luật Năng lượng nguyên tử.

Tham dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Trương Vĩnh Trọng, Hoàng Trung Hải và Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo các thành viên Chính phủ. Đây là phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ khoá XII.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận kỹ về Quy chế làm việc của Chính phủ và Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, đặc biệt là 6 Bộ mới được sáp nhập: Công thương; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội.

Thủ tướng đã cho ý kiến cụ thể về những lĩnh vực chính mà Bộ phải chịu trách nhiệm: Bộ Y tế chịu tránh nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối tổng hợp quản lý chiến lược nguồn nước quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải chịu trách nhiệm tổng hợp về phát triển ở khu vực nông thôn...

MỚI - NÓNG