Từ 1/7, 'khai tử' các quy định 'ăn theo' hộ khẩu

Từ 1/7, 'khai tử' các quy định 'ăn theo' hộ khẩu
TP - Một trong những nội dung được coi là tiến bộ có tính đột phá của Luật Cư trú lần này là nghiêm cấm những quy định “ăn theo” hộ khẩu. Đây là một trong những quy định thể hiện quyền tự do cư trú của công dân đã được Nhà nước đảm bảo.

>> Từ 1/7: Nhập khẩu cần giấy tờ, thủ tục gì?
>> Dân có thể khởi kiện người ban hành văn bản trái luật

Mọi hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền tự do cư trú của công dân đều bị xử lý nghiêm minh.

Từ 1/7, 'khai tử' các quy định 'ăn theo' hộ khẩu ảnh 1

Nghiêm cấm quy định “ăn theo” hộ khẩu

Theo thống kê của Bộ Công an, trước thời điểm Luật Cư trú có hiệu lực, vẫn còn trên 100 văn bản của các ngành, các cấp thuộc đủ các lĩnh vực có quy định “ăn theo” hộ khẩu.

Ví dụ, người dân có nhà ở Hà Nội nhưng nếu không có hộ khẩu thường trú thì không thể lắp đặt internet, điện thoại tại nhà. Hoặc như việc ngành giáo dục ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có quy định về việc học “trái tuyến”. Đây cũng là dạng quy định “ăn theo” hộ khẩu...

Từ 1/7, 'khai tử' các quy định 'ăn theo' hộ khẩu ảnh 2

Người dân làm thủ tục nhập khẩu tại CA quận Thanh Xuân- Hà Nội. Ảnh: Phạm Yên

Những quy định “ăn theo” hộ khẩu như trên lâu nay đã hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/7, khi Luật Cư trú có hiệu lực toàn bộ những quy định “ăn theo” hộ khẩu (ngoại trừ một số vấn đề như bầu cử...) sẽ phải bãi bỏ.

Theo Điều 8 của Luật Cư trú, việc lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân sẽ bị nghiêm cấm.

Để đảm bảo việc thực hiện luật một cách có hiệu quả, Luật Cư trú (Điều 41) đã giao cho Chính phủ làm nhiệm vụ rà soát văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến quy định về hộ khẩu.

Chính phủ chỉ đạo cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về hộ khẩu để tự mình hoặc kiến nghị, chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định lạm dụng hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Để luật đi vào cuộc sống đúng thời hạn, ngày 25/6/2007, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 107, quy định cụ thể hơn về các hành vi lạm dụng quy định hộ khẩu hạn chế quyền lợi hợp pháp của công dân, bị nghiêm cấm bao gồm: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác liên quan đến quy định về hộ khẩu mà làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân;

Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác liên quan đến quy định về hộ khẩu trái với quy định của Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn Luật Cư trú;

Ban hành quy định hạn chế quyền tự do cư trú của công dân trái với thẩm quyền, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; Đưa ra các quy định về hộ khẩu làm điều kiện để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trái với quy định pháp luật;

Cố ý giải quyết hoặc từ chối giải quyết các yêu cầu về hộ khẩu của công dân trái quy định của pháp luật cư trú, làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Cùng Tiền phong phát hiện quy định “ăn theo” hộ khẩu

Để đảm bảo Luật Cư trú được thực thi một cách triệt để, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Từ 1/7, khi Luật Cư trú có hiệu lực, Tiền phong sẽ liên tục phản ánh những quy định “ăn theo” hộ khẩu trái luật.

Trong cuộc sống, nếu bạn làm một việc gì đó mà bị cơ quan, doanh nghiệp “đòi” hộ khẩu trái với quy định của luật, bạn có thể phản ánh với Tiền phong qua số điện thoại nóng: 04.9434341 hoặc 0912056787 hoặc gửi về địa chỉ hokhau@gmail.com; báo Tiền phong, 15 Hồ Xuân Hương-Hà Nội

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.