Từ biệt phủ rừng Hải Vân nghĩ về quyền lực nhân dân

Ảnh: Trần Tuấn.
Ảnh: Trần Tuấn.
TP - HÐND là cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân. Tuy nhiên, nhiều lúc nhiều nơi, quyền lực của nhân dân đã bị xem nhẹ. Vụ việc biệt phủ của ông Ngô Văn Quang xây trên đất rừng Hải Vân vừa xảy ra tháng 12/2015 tại Ðà Nẵng là một ví dụ.

Ðại biểu cho nhân dân cần bản lĩnh hơn

(Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội)

Việc tại rừng đặc dụng đèo Hải Vân xuất hiện 2 biệt phủ, một của sĩ quan cao cấp, một của đại gia. Việc xây dựng không phép là phải phá bỏ, không thể để không phép lại xử lý cho tồn tại. Cách đây nhiều năm có việc xây dựng không phép trên đoạn đê Yên Phụ (Hà Nội), Chính phủ đã yêu cầu phải dỡ bỏ tất cả những nhà xây dựng vi phạm chân đê, tất nhiên là có lãng phí tài sản của nhân dân nhưng vì tinh thần thượng tôn pháp luật chúng ta phải thực hiện nghiêm. 

Và gần đây là vụ 8B Lê Trực (Hà Nội) hiện nay, bản thân người chủ đề nghị giữ nguyên và hiến toàn bộ cho nhà nước để làm  công ích nhưng chúng ta kiên quyết không chấp nhận. Bởi, chấp nhận như vậy đồng nghĩa với việc pháp luật bị bẻ cong và bóp méo. Không thể nào một cảnh quan thiên nhiên như rừng Hải Vân lại có một biệt phủ ngạo nghễ như thế!

Trở lại vụ việc tại Ðà Nẵng, Nghị quyết của HÐND là Nghị quyết cao nhất của cơ quan quyền lực của địa phương. HÐND đã ra Nghị quyết, UBND buộc phải thi hành, nếu không thi hành thì đó là vi phạm pháp luật. Nếu Nghị quyết của HÐND chưa phù hợp thì UBND phải có văn bản chính thức báo cáo HÐND, nhưng ở đây không có văn bản nào hết và nghiễm nhiên coi Nghị quyết của HÐND là thứ vô hiệu lực. Ðiều đó không thể chấp nhận được.

Một vấn đề đặt ra là bản thân HÐND TP Ðà Nẵng được pháp luật giao cho quyền giám sát và buộc phải thi hành nghị quyết nhưng dường như HÐND TP Ðà Nẵng có điều gì đó yếu thế, như là cả nể hoặc là chưa làm hết trách nhiệm. 

Nếu không, HÐND phải có văn bản yêu cầu UBND thực hiện ngay hoặc nếu không thực hiện thì phải thành lập đoàn giám sát trực tiếp và có văn bản báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền. HÐND đã chưa làm được việc đó. 

Cho nên sự việc kéo dài đến mức dư luận xã hội bức xúc, cử tri vào cuộc, cơ quan chức năng có ý kiến… HÐND các cấp muốn thực hiện được quyền lực của mình ở địa phương trước hết những người tham gia HÐND phải thực sự đại diện cho nhân dân, có năng lực, quyết đoán phải rất cao để phân tích, xem xét đâu là vi phạm pháp luật.

Ðồng tiền lấn át “quyền lực nhân dân”?

(Ông Dương Trung Quốc - Ðại biểu QH tỉnh Ðồng Nai; Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

Vị tướng Công an và đại gia xây biệt phủ ở rừng Hải Vân là hai câu chuyện khiến người ta có thể so sánh phải chăng đồng tiền quan trọng hơn là quyền lực nhân dân. Vị tướng Công an chấp hành. Trong khi đó một ông đại gia nhiều tiền lắm của lại tìm mọi cách chây ì, phá vỡ thời hạn thực thi Nghị quyết HÐND. 

Ðiều này đảo lộn tất cả quy định của pháp luật. Ý chí của HÐND là cao nhất cũng giống như của Quốc hội khi đã ban hành thì cơ quan hành pháp là Chính phủ phải tuân thủ. Một quyết định của chính quyền mà yêu cầu dừng lại cả Nghị quyết của cơ quan đại diện quyền lực nhân dân là chuyện ngược đời.

Trong thực thi quyền lực nhân dân, vai trò quan trọng nữa mà chúng ta bao giờ cũng nói hết sức quan trọng đó là sự chỉ đạo của Ðảng. Vậy Ðảng, vậy Thành ủy Ðà Nẵng đã ở đâu trong trường hợp này, tại sao lại chậm lên tiếng? 

Nếu làm thế này nó thành tiền lệ rất là phức tạp cho cả đất nước. Theo tôi, việc này lẽ ra Thủ tướng nên chỉ đạo, không phải chỉ đạo giữ hay bỏ biệt phủ mà chỉ đạo chính quyền địa phương phải tuân thủ pháp luật.

Ở đây phải bàn câu chuyện của cơ quan hành pháp chứ không phải câu chuyện của tài sản đại gia. Ðây là vụ việc mà Quốc hội cũng nên giám sát, đại biểu Quốc hội địa phương phải có ý kiến. Qua việc này cần nhìn nhận trên phạm vi nhiều địa phương.

MỚI - NÓNG