Kỷ niệm 116 năm ngày sinh Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2006)

Từ bức thư Bác Hồ gửi đồng chí Trần Đăng Ninh: Bài học lớn từ câu chuyện nhỏ

Từ bức thư Bác Hồ gửi đồng chí Trần Đăng Ninh: Bài học lớn từ câu chuyện nhỏ
TP - Cứ đến dịp sinh nhật Bác, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê - Nguyên Phó tư lệnh Quân khu 1, nguyên Phái viên kiểm tra Trung ương Đảng, kiêm thư ký của đồng chí Trần Đăng Ninh trong chiến dịch Biên giới lại lấy lá thư mà Bác Hồ gửi cho Thủ trưởng Ninh ra đọc để răn dạy con cháu.

Tướng Lê kể: 

Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy.

Ngày 28/7/1950, Trung ương Đảng cử đồng chí Trần Đăng Ninh - Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp - trực tiếp phụ trách hậu cần chiến dịch. Tôi được phân công làm thư ký cho đồng chí Trần Đăng Ninh.

Đầu tháng 9/1950, Bác lên đường ra mặt trận, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch và động viên bộ đội chiến đấu. Gần trưa ngày 9/9/1950,  Bác Hồ đến  sở chỉ huy chiến dịch ở Tả Phầy Tử (huyện Quảng Uyên, Cao Bằng). Tới mặt trận, Người “chống gậy lên non xem trận địa”, kiểm tra tường tận kế hoạch tác chiến, xem xét chu đáo công việc chuẩn bị hậu cần, thăm các đơn vị bộ đội và dân công.

Thời điểm đó, những trận mưa lớn cuối tháng 10 đã phá hỏng nhiều đoạn đường giao thông, xe ô tô quân ta thu được của địch cả đống nhưng không thể đi được vì lở đất. Bác quyết định đi bộ theo đường 3b từ Cao Bằng- Tài Hồ Sìn- Bằng Khẩu- Ngân Sơn- Nà Phạc- Nà Cù- Bắc Cạn- Thái Nguyên.

Trao bức thư cho Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam

Từ bức thư Bác Hồ gửi đồng chí Trần Đăng Ninh: Bài học lớn từ câu chuyện nhỏ ảnh 1

Mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Lê đã trao bức thư này cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Ông xúc động nói:

“Mỗi lần đọc lại bức thư này, tôi rất nhớ anh Trần Đăng Ninh, người thủ trưởng quý mến, hết lòng tận tụy với công việc, thương yêu nhưng rất nghiêm khắc với khuyết điểm của đồng đội.

Năm 1955, anh Ninh qua đời do bị bệnh hiểm nghèo. Tôi và đồng đội thương tiếc anh vô hạn. Kỷ vật này thật quý giá đối với tôi”.

Trước khi Bác về xuôi, đồng chí Trần Đăng Ninh thấy trời vẫn mưa, đường trơn, lầy lội bèn chỉ thị cho thư ký của mình là Nguyễn Hữu Lê ra Trạm vận tải Cao Bằng lấy cho Bác con ngựa tốt để Bác đi cho đỡ mệt.

“Nghe tin được chọn ngựa cho Bác, anh em ở trạm vận tải vui lắm. Mọi người chọn được một con ngựa béo, rất hiền, chân đóng móng sắt giao cho tôi. Họ còn nói đây là con ngựa của Trung Quốc vừa mới viện trợ”- Ông Lê nhớ lại.

Chuẩn bị ngựa cho Bác xong, ai cũng vui mừng, vì yên tâm Bác có ngựa đi đường xa, chắc đỡ mệt. Nào ngờ, ngựa mới chở Bác đi được một chặng đường thì bị long mất một móng sắt. Con ngựa to khoẻ bỗng chốc đi khập khiễng vì 3 chân cao, một chân thấp.

Đồng chí Định là thư ký, đồng chí Nhất là bảo vệ cho Bác loay hoay tìm móng ngựa nhưng không được. Ngựa mất một móng, dần dần bị đau chân, càng đi càng khập khiễng trở thành ngựa què, không cưỡi được, cũng không thồ hàng được, trong khi mọi người lại mất công tìm thức ăn cho ngựa.

Thế là chú ngựa chẳng những không giúp gì được cho Bác mà còn trở thành gánh nặng vì anh em đi cùng Bác lại phải thêm công việc nuôi nấng và chăm sóc ngựa...

Đột nhiên, ngày 29/10, ông Trần Đăng Ninh nhận được một bức thư của Bác. Thư Bác viết:

Chú Ninh !

- Bộ đội Định (Thư ký của Bác trong chuyến công tác - tg) chiều 29 về đến B.K (Bắc Kạn-TG), đều mạnh khoẻ, 3 hôm nữa sẽ về đến nhà.

-“Cảm ơn” người đã cho mượn con ngựa què và nên “khen” người nuôi con ngựa què ấy.

- Xe hơi có thể chở 35 người (với rất ít hành lý thôi), từ  Nà Fạc đến  B.K. = 37 cây số, và từ B.K. đến Chợ Mới = 42 cây số. (Đoạn này phải đi bộ 6 cây số vì đường xấu. Đoạn ấy cách thị xã B.K. 22 cây số).                                                    

- Tôi đã dặn Chủ tịch Fùng (đồng chí Phùng, Chủ tịch ủy ban Kháng chiến tỉnh Bắc Kạn-TG). Bao giờ anh Đặng sắp về, thì chú điện trước cho chú Fùng chuẩn bị.

-  Từ Cao Bằng đến Nà Fạc đi bộ 3 ngày rưỡi thong thả.

- Trong mười mấy tù binh chú gởi về B.K. có 1 tên quan ba. Chú gởi lầm, hay là có ý định gởi?

-   B (Bác) gởi lời hỏi thăm anh Đông, anh Đặng (ông Đặng Nhất Phàm-người Trung Quốc, cố vấn Tổng cục Chính trị-TG), Hai (Bí danh của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp-TG) và tất cả các anh em.

Khi nào anh Quốc về xuôi, chú nên tổ chức thật chu đáo.  Anh Quốc và 75 cán bộ có thể chia làm 2 toán, mỗi toán đi cách nhau 1 ngày để lợi dụng xe hơi: 79 cây số, đỡ được 2 ngày đi bộ.

- Từ Ngân Sơn đến Nà- Fạc, đường hỏng nhiều. Nhiều nơi ngựa đi ban đêm cũng phải cẩn thận. Cầu Nà Fạc bị trôi.

- Điện ngay những con số thắng lợi cho B.K. để tuyên truyền. ở đây cán bộ mới biết tin thắng lợi Cao Bằng- Thất Khê thôi!

Thân ái

(Bác ký bằng một nét ngoặc).

Ông Lê kể: “Sau khi đọc xong bức thư, cụ Trần Đăng Ninh trao lại cho tôi và nói “Cậu đọc kỹ rồi giữ làm kỷ niệm”.

Từ đó, đã 56 năm qua, Tướng Lê vẫn giữ bức thư này. Ông bảo: “Đối với tôi đây là một kỷ niệm sâu sắc, gắn với tôi suốt cuộc đời quân ngũ”.

Đắn đo mãi, ông quyết định mở tủ lấy ra một cặp giấy, trong đó có một trang giấy học sinh viết tay mực xanh đen, chữ hơi mờ. Ông vuốt ve, ngắm nghía. Kỷ niệm cũ dội về. Hơi bất ngờ, không hiểu chuyện gì, tôi cầm tờ giấy đọc. Đó là bức thư, Bác Hồ viết gửi cho đồng chí Trần Đăng Ninh. Người viết ngày 29/10 trên đường về.

“Đọc đi đọc lại đến thuộc làu, tôi càng thấm thía về lời dạy của Bác. Lời lẽ của Bác nhẹ nhàng, hóm hỉnh nhưng là bài học về tác phong công tác đối với tôi và đối với mọi người. Một việc tuy đơn giản nhưng đã trở thành một khuyết điểm lớn trong việc chăm sóc Bác.

Trong suốt cuộc đời hoạt động của tôi sau này, chuyện “con ngựa què” trong bức thư Bác viết, luôn nhắc nhở tôi dù làm việc lớn hay nhỏ đều phải hết sức cẩn thận, chu đáo, phải kiểm tra cụ thể, làm đến nơi đến chốn, đừng để ý định thì tốt nhưng kết quả lại không đạt được như mong muốn”-Tướng Lê tâm sự.

MỚI - NÓNG