Tự chế cầu treo, mỏi mòn chờ dự án

Cầu phao tự chế ở xã Đắc Lua (Tân Phú, Đồng Nai)
Cầu phao tự chế ở xã Đắc Lua (Tân Phú, Đồng Nai)
TP - Huyện Tân Phú và huyện Định Quán của tỉnh Đồng Nai có hàng chục ki-lô-mét đường sông dọc theo sông Đồng Nai, sông La Ngà không có cầu qua sông. Những địa phương bị ngăn cách bởi con sông đã trở thành ốc đảo. Hàng chục năm chờ cầu, người dân đã tự chế ra đủ loại phương tiện để qua sông. 

Dòng suối Cọp đổ ra sông La Ngà cũng là ranh giới phân chia giữa xã Đa Kai, huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) với xã Phú Bình, huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai).

Phần lớn người dân từ xã Phú Bình sang xã Đa Kai làm nương rẫy, còn người dân từ xã Đa Kai do cách xa trung tâm huyện nên mọi chuyện từ học hành của con cái cho đến chợ búa, buôn bán đều sang xã Phú Bình. 

Có điều, hai địa phương ở giáp ranh nhau, đứng bên này nói chuyện được với bên kia, nhưng muốn qua lại, vận chuyển nông sản thì phải đi vòng cả chục ki-lô-mét. Bất tiện giao thông, từ cả chục năm nay, dân địa phương tự góp tiền, vật liệu, tự làm một chiếc cầu treo bắc qua suối Cọp.

Được vài năm khi thì cầu mục nát, lúc thì mưa lũ cuốn, cầu lại được chắp vá, sửa chữa. Để có cầu treo đi lại, họ đổ 4 trụ bê tông ở hai bờ rồi căng dây cáp, trải trên mặt cầu là đủ loại vật liệu, từ thép, gỗ cho đến lưới B40. Có lẽ chiếc cầu này không dành cho người yếu tim: cầu rung lên bần bật, lắc lư như đưa võng khi có người hoặc xe máy đi qua. 

Tuy vậy, đối với người dân thì có còn hơn không, ít ra trẻ em cũng qua lại học hành, người dân đi lại được thuận tiện hơn. Ông Nguyễn Hữu Ích, một người dân địa phương kể: “Cả chục năm trước đã thấy người ta đến khoan móng, đo vẽ nói để bắc cầu, nhưng đến giờ này chưa thấy gì. Đi trên chiếc cầu treo này, nói thật nó đứt dây sập xuống khi nào không hay, nhưng đành phó mặc”.

Ở ốc đảo xã Đắc Lua, xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) nay người dân qua lại dòng sông Đồng Nai bằng cầu phao tự chế. Cầu được kết nối bằng những thanh gỗ với thùng phuy, mặt cầu trải bằng tre nứa và gỗ.

Cầu neo bằng dây ở hai bờ, nổi dập dềnh trên mặt nước và oằn mình theo dòng chảy của sông. Người đi qua cầu phao cũng lắc lư theo độ rung của chiếc cầu. Dù biết nguy hiểm nhưng những chiếc cầu phao lại là phương tiện hữu dụng của người dân xã Đắc Lua trong việc đi lại hằng ngày. 

Chị Trần Thanh Mai ở ấp 2 xã Thanh Sơn đi xe máy qua chiếc cầu phao nói: “Qua cầu như thế này cũng sợ lắm, nhưng đi rồi quen, với lại không thì biết qua sông bằng phương tiện gì đây”. Hơn chục ki-lô-mét đường sông bao lấy xã Đắc Lua thì có vẻ “chính quy” hơn vì tại ấp 1 xã Đắc Lua còn có một bến phà với chiếc phà sắt chở được xe ô tô qua sông, nhưng theo cơ quan chức năng thì đây lại là bến phà hoạt động trái phép vì không đủ điều kiện cấp phép. 

Xuôi theo sông Đồng Nai là xã Nam Cát Tiên, ngoài chiếc “cầu phao” tự chế bắc qua một nhánh sông Đồng Nai nối xã Nam Cát Tiên với xã Đạ Kho, huyện Đạ Tẻ (Lâm Đồng), người dân còn chế ra bè mảng đưa người qua sông. Ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai, dân cũng chờ cầu từ hàng chục năm nay, việc qua sông vẫn trông vào những chiếc phà.

Dù không được phép chở ô tô, nhưng phà Thanh Sơn vẫn “xé rào”. Bởi theo lý giải của người đưa phà, “không chở ô tô thì hàng vạn tấn nông sản của dân trong vùng biết vận chuyển đi đâu”?

Cầu đang… treo!

Từ chính quyền xã đến cấp huyện, cấp tỉnh đều biết đến hoạt động của những chiếc cầu tự chế, những bến phà không giấy phép trên địa bàn.

Bởi đến hẹn lại lên các đoàn lại đến kiểm tra, lập biên bản xử phạt, đình chỉ hoạt động và… giao cho UBND xã giám sát, thực hiện. Biên bản kiểm tra ngày càng dày thêm, nhưng thực tế thì những chiếc cầu tự chế, những bến khách ngang sông không phép vẫn tồn tại. Và tất cả các cơ quan chức năng đều nhìn nhận một thực tế: dẹp cầu, đóng cửa bến phà thì không biết người dân qua sông bằng cách nào. 

Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Nam Cát Tiên nói: “Cắt cầu thì dễ, nhưng thực hiện rồi thì lấy gì cho người dân qua sông”. 

Theo ông Thủy, chính quyền địa phương đành thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ cầu (người đầu tư làm cầu ở địa phương-PV) đảm bảo an toàn cho người dân qua sông. Ông Bùi Thanh Tỉnh, Chủ tịch UBND xã Đắc Lua cũng cho rằng nếu đình chỉ hoạt động các cầu, phà theo yêu cầu của cơ quan chức năng thì không biết lấy gì cho người dân qua sông. 

Nhiều năm qua các dự án cầu Đắc Lua, Thanh Sơn, Đa Kai, Đạ Kho, dự định thay thế cầu treo tự chế, bến phà không phép vẫn nằm trên giấy.

Ông Tống Viết Hiền, Giám đốc ban quản lý dự án huyện Tân Phú cho biết, tỉnh đã đồng ý cho làm cầu Đa Kai và cầu Đạ Kho. Huyện đã trình dự án lên Sở Kế hoạch - Đầu tư. Bao lâu thì hai cây cầu trên sẽ được khởi công ? Ông Hiền trả lời “cũng chưa biết”. 

Trong khi đó dự án cầu Đắc Lua, thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông Vận tải (phương án cuối cùng về chiếc cầu Đắc Lua cũng đã được duyệt) lại được chuyển qua Sở Kế hoạch- Đầu tư, ông Lê Quang Bình, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.