Từ chiếc đồng hồ của Ahmed

TP - Ngay tại Mỹ, chứ không phải một nước đang phát triển, thiếu dân chủ nào đó, một học sinh 14 tuổi như Ahmed Mohamed vẫn bị cảnh sát còng tay dẫn giải ngay tại trường, còn nhà trường thì dọa đuổi học, khiến cậu phải chuyển sang trường khác. Chỉ vì sự “trông gà hóa cuốc” tai hại của giáo viên và nhà chức trách, khi nhầm chiếc đồng hồ tự chế cậu mang đến lớp học thành quả bom.

Sự khác biệt là từ Tổng thống tới các chính khách, doanh nhân hàng đầu nước Mỹ và thế giới, cũng như cộng đồng xã hội lập tức lên tiếng an ủi, động viên tinh thần sáng tạo cậu bé. Mặc dù tiếng nói của họ cũng không đem lại lời xin lỗi từ cảnh sát lẫn nhà trường…

Nữ sinh 29 điểm ở xóm núi Tuyên Hóa, Quảng Bình, phút chót đã được nhận vào học trường công an đúng như nguyện vọng. Cô bé kể phút giây vỡ òa và “suýt ngất”, khi đón nhận tin vui sau nhiều ngày tuyệt vọng.

Quyết định trên được coi là sự “phá lệ”, vốn là quy định khắt khe từ xưa đến nay đối với ngành công an. Nhưng xét cho cùng, không luật lệ nào bằng chính thực tiễn cuộc sống. Khi cuộc sống và con người từng ngày cho thấy muôn vàn điều cần lắng nghe, thấu hiểu để thay đổi. Với tinh thần bao dung, tôn trọng con người.

Cha của một nữ sinh lớp 9 ở thị trấn Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) họp phụ huynh đầu năm, thắc mắc vì phải nộp quá nhiều khoản, liền bị ông hiệu trưởng bêu tên giữa sân trường trong buổi chào cờ đầu tuần, với lời lẽ khá nặng.

Kỳ lạ, một trường cấp II ở nông thôn mà đầu năm mỗi học sinh phải nộp tới 3 triệu bạc. Nhưng kỳ lạ hơn là ứng xử của người làm thầy, khiến cho người sốc nhất chính là cô trò nhỏ, cảm thấy “xấu hổ” mỗi khi đến trường! 

Chiếc đồng hồ tự chế của Amed tuần qua thoắt nổi tiếng vượt mọi sự tưởng tượng. Kỳ thực, sự nổi tiếng sẽ khó đến theo chiều hướng đang diễn ra, nếu nhân vật chính không phải là một cậu bé da màu người Hồi giáo. Phân biệt chủng tộc và khủng bố của các đối tượng Hồi giáo cực đoan đang khiến không chỉ nước Mỹ lo sợ. 

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ, bà Hillary Clinton, cùng với lời ngợi khen dành cho Amed, cũng không quên kèm theo thông điệp: “Nỗi sợ hãi không làm chúng ta được an toàn, chúng chỉ kìm hãm ta mà thôi”. Nước Mỹ và thế giới đang muốn vượt lên nỗi hốt hoảng, sợ hãi nhân sự kiện chiếc đồng hồ của Ahmed. 

Dù Ahmed chỉ tận dụng linh kiện để lắp chiếc đồng hồ, nhiều người bốc cậu bé lên hàng “thiên tài” về công nghệ! Nhưng ở đây, thiên tài thực sự chính là những người, dù ở tầm cao tót vời, vẫn biết kịp nói lời xin lỗi theo một cách đặc biệt đối với cậu bé Ahmed. Bằng sự động viên, khích lệ. Bằng những lời mời chào…

Biết lắng nghe, thấu hiểu dựa trên chuyển động thực tiễn đời sống, cùng sự bao dung, tôn trọng con người chính là phẩm chất không dễ có. 

MỚI - NÓNG