Tự chủ ở đơn vị sự nghiệp công lập: Không thể ngồi đó mà đợi

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Phải đổi mới để nâng cao thu nhập chính đáng cho người lao động.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Phải đổi mới để nâng cao thu nhập chính đáng cho người lao động.
TP - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nói như vậy tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, sáng 10/4.

Không còn “phong bì” nhờ tự chủ

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, hiện nay chi ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập rất lớn. Thống kê cho thấy, số lượng hưởng lương từ ngân sách khoảng gần 8 triệu trường hợp, trong đó riêng khối sự nghiệp công lập có khoảng 2 triệu người, tỷ lệ tiền lương chiếm đến 38% tổng chi. “Tiền lương to như thế nên tăng lương rất khó. Bản thân khối này nếu không đổi mới cứ trông chờ vào tiền lương thì rất thấp”, ông Ninh nói.

Ông Ninh kể, mới đây có xem một chương trình truyền hình nói về cuộc sống của một bác sỹ. Người bác sỹ này cuộc sống rất khó khăn, vừa đi học, vừa làm. Sau đó dồn hết tâm huyết với công việc khám chữa bệnh, thế mà lương thấp quá, cuộc sống khó khăn. “Xem xong mà rơi nước mắt. Người ta liêm khiết, minh bạch, không nhận phong bì, nhưng tiền lương thấp quá nên cuộc sống rất khổ. Chúng ta cần đổi mới để nâng cao thu nhập chính đáng cho họ”, Phó Thủ tướng nói.

Ông Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, đối với ngành y tế nếu không đổi mới tài chính, không có tự chủ, không xã hội hóa thì khó có thể mua sắm được các trang bị thiết bị kỹ thuật cao, phục vụ người bệnh.

“Qua thời gian đầu thực hiện xã hội hóa, tự chủ ở một số đơn vị thì thấy rằng, người được thụ hưởng nhiều nhất chính là người dân và không còn có chuyện phong bì”, ông Tuấn nói và khẳng định, nếu không cho các bệnh viện tự chủ để nâng cao trình độ khám chữa bệnh thì mỗi năm chúng ta sẽ mất rất nhiều ngoại tệ, vì người dân ra nước ngoài chữa bệnh.

Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm

Theo ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lĩnh vực văn hóa có rất nhiều loại hình đặc thù, khó có thể tự chủ được. Ví như đối với lĩnh vực nghệ thuật tuồng, chèo là loại hình nghệ thuật truyền thống phải duy trì, nhưng bán vé để đủ tự thu chi khó lắm. Do đó, Bộ này đề nghị xin lùi lại thời gian chứ chưa thể xây dựng kế hoạch đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong quý 2, 3 năm 2015 được.

Đáp lại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, nếu cứ lùi thì không ổn. Chậm nhất 30/8 là phải xây dựng xong kế hoạch. Ông Tuấn cũng gợi ý đối với những loại hình văn hóa khó có thể xã hội hóa được thì có thể chuyển đổi sang theo hình thức nhà nước đặt hàng.

Khẳng định đây là một vấn đề khó, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng không thể ngồi đó chờ đợi mà không làm gì. “Các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Chứ ngồi chờ đợi có đầy đủ các thứ rồi mới làm thì khó lắm. Cuộc sống vẫn diễn ra. Cái chính chúng ta quyết liệt, quyết tâm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”, ông Ninh yêu cầu. 

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Nghị định 16 đặt ra lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, đến năm 2016 phải đảm bảo tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp (chưa tính chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định). 

Đến năm 2018, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp và chi phí quản lý (chưa tính chi phí khấu hao tài sản cố định). Đến năm 2020, tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản cố định.

 “Lộ trình đặt ra là như vậy nhưng ngay từ bây giờ anh nào làm được thì làm ngay, chứ không nhất thiết cứ phải đợi”, ông Ninh nói.

MỚI - NÓNG