Tù chung thân thi hành án 14 năm được xét đặc xá

Tù chung thân thi hành án 14 năm được xét đặc xá
TP - Theo Luật Đặc xá, được Văn phòng Chủ tịch nước công bố ngày 14/12, người đang chấp hành hình phạt tù sẽ được đặc xá nếu đã thi hành án phạt ít nhất là 1/3 thời gian đối với án tù có thời hạn, 14 năm đối với án tù chung thân.

Ngày 14/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo thông báo Lệnh của Chủ tịch nước, công bố thêm 2 luật mới: Luật và Luật Tương trợ tư pháp vừa được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2  thông qua ngày 21/11/2007.

Luật Đặc xá (có hiệu lực từ ngày 1/3/2008) gồm 6 chương, 36 điều cụ thể hóa quy định  về quyền đặc xá của Chủ tịch nước trong Hiến pháp. Theo đó, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của dân tộc hoặc trong trường hợp đặc biệt.

Luật quy định rõ, người đang chấp hành hình phạt tù được đề nghị đặc xá khi có đủ 3 điều kiện: Thái độ cải tạo tốt trong quá trình chấp hành án, không có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự khi được đặc xá; đã chấp hành hình phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết dịnh nhưng ít nhất là 1/3 thời gian đối với án tù có thời hạn, 14 năm đối với án tù chung thân.

Riêng đối với người bị kết án tù về các tội tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc các nghĩa vụ dân sự khác. 

Tù nhân có đủ điều kiện nêu trên nhưng cũng không được đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp sau: Bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác; Trước đó đã được đặc xá; có từ hai tiền án trở lên.

Luật Tương trợ tư pháp (có hiệu lực từ 1/7/2008) gồm 7 chương, 71 điều, quy định cụ thể về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước. Theo đó, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối chung giúp Chính phủ và thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự.

Viện KSND tối cao là cơ quan đầu mối thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự. TAND tối cao có thẩm quyền  trong việc xem xét, quyết định các vụ việc về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

Bộ Công an có thẩm quyền tiếp nhận, chuyển giao, xem xét, giải quyết  các yêu cầu của nước ngoài về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, để chuyển hồ sơ cho Viện KSND, TAND thực hiện tương trợ tư pháp.

Luật cũng quy định, TAND cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét, quyết định dẫn độ (hoặc từ chối dẫn độ), chuyển giao (hoặc từ chối chuyển giao) người đang chấp hành hình phạt tù. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.