'Tứ đại danh trà' hấp dẫn hơn mây

Dân bản Bẹ thu hoạch chè Shan tuyết. Ảnh: Quyết - Long
Dân bản Bẹ thu hoạch chè Shan tuyết. Ảnh: Quyết - Long
TP - “Lên Tà Xùa săn mây” mấy năm gần đây đã trở thành một hành trình “phải đi” đối với dân xê dịch. Thế nhưng, lần này chúng tôi lên Tà Xùa, Sơn La không với mục đích săn mây, mà vì vùng chè Shan tuyết trên núi cao 1.800m so với mực nước biển.

"Tứ đại danh trà” từng bị coi như củi đốt

Trà Tà Xùa (Sơn La) cùng với Suối Giàng (Yên Bái), Tây Côn Lĩnh (Hà Giang) và Tân Cương (Thái Nguyên) hợp thành “tứ đại danh trà” lâu nay là một thang giá trị được định giá rất cao với những người sành trà.

Xã Tà Xùa có khoảng gần 500 hộ, chủ yếu là người dân tộc Mông, họ sinh sống trên núi cao, nơi mở cửa ra là thấy sương mù bao phủ. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây đặc biệt phù hợp với cây chè.

Từ trung tâm Tà Xùa đi tiếp khoảng 8 cây số nữa sẽ đến bản Bẹ, nơi này nổi tiếng với những đồi chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời từ 200-400 năm. Từ bản Bẹ, đến Mống Vàng chiếu rộng ra khoảng 170 cây số vuông là vùng chè Shan tuyết mọc rải rác.

'Tứ đại danh trà' hấp dẫn hơn mây ảnh 1 Mùa Thị Tồng hướng dẫn khách hái chè

Chè Tà Xùa chủ yếu mọc tự nhiên trên núi. Muốn thu hoạch người dân phải trèo lên cây để hái. Cách đây vài năm, số phận của những cây chè bạc triệu này vẫn chỉ là “thêm hương thêm hoa” chứ không giúp người Mông no bụng. Năm đôi lần, họ hái búp chè về sao trên chảo gang để thỉnh thoảng đem mời khách. Thảng hoặc có lái buôn đến mua búp giá 10 ngàn đồng một cân nhưng số lượng rất ít. Vào vụ giáp hạt, người dân ở đây vẫn chặt cây chè đi để trồng thêm khoai. Gần tới mùa đông thì chặt cây phơi khô để nhóm lửa sưởi ấm cho cả nhà. Hiện nay, theo như trưởng bản kể lại, số lượng những cây chè cổ còn lại chỉ còn già nửa.

Giá trị của cây chè Shan tuyết Tà Xùa chỉ mới “thăng hạng” khoảng bốn năm trở lại đây, khi vợ chồng anh Khánh – chị Thắm (chủ của thương hiệu chè Shannam) lên đây cắm bản và phát triển thương hiệu trà bánh của Việt Nam. Lãnh đạo địa phương cũng nhận ra đây là một vùng nguyên liệu quý, mang lại sinh kế lâu dài. Từ đó, mới có dự án “Phục tráng và phát triển vùng chè shan tuyết Tà Xùa” do Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (Tafood, đơn vị sở hữu thương hiệu chè Shannam) cùng phối hợp với người dân để phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Tà Xùa.

Trưởng bản Mùa A Vàng cho biết: “trước khi công ty thu mua chè tập trung cho bà con, người Mông chỉ hái chè để tự sao uống, có thương lái thu mua nhỏ lẻ giá cũng chỉ 10 nghìn đồng một cân. Giờ công ty mua nhiều, giá 60-80 nghìn đồng một cân, bà con phấn khởi lắm. Trước đây người dân để mặc cây chè phát triển, từ ngày biết nó “đẻ ra tiền” họ mới từng bước phát cỏ xung quanh và bảo vệ gốc cây không bị cào, xước”.

'Tứ đại danh trà' hấp dẫn hơn mây ảnh 2 Cắm biển cây di sản cho chè Shan tuyết Tà Xùa

Cây thoát nghèo

Khi chúng tôi vào bản Bẹ, có một số người dân chạy ra mời mua chè khô với giá khoảng một triệu rưỡi một cân. Một người sành trà nói với tôi, giá này là thường vì trà Shan tuyết cổ thụ từ xa xưa đã được xem là vua của các loại trà.

Tôi hỏi Mùa Thị Tồng, cô gái người Bản Bẹ làm nhiệm vụ dẫn đường và phiên dịch tại sao có công ty bao tiêu chè búp rồi, dân bản vẫn thích làm chè khô bán ra ngoài? Tồng cho biết: “Công ty chỉ mua búp chè với số lượng nhiều, mấy cân trở lên, còn bình thường người dân rảnh rỗi lên núi chỉ hái được vài lạng, họ sẽ đem về tự sao để bán cho khách du lịch”.

Dân Bản Bẹ mặc dù đã có con đường liên thôn mới được đổ bê tông nối với trung tâm Tà Xùa nhưng rất ít người có thể nói thạo tiếng phổ thông. Họ “giao dịch” với khách bằng ngôn ngữ cơ thể và cách giơ ngón tay để biểu thị số lượng. Hiện tại, nếu nhà nào có càng nhiều cây chè thì càng cầm chắc no ấm. Khác với cây hoa màu, nếu gặp thời tiết bất lợi coi như mất trắng. Cây chè càng gặp thời tiết khắc nghiệt càng được giá bởi các yếu tố bất thường này khiến chất lượng chè ngon hơn. Theo lời kể của anh Phạm Vũ Khánh (chủ thương hiệu chè Shannam): năm 2018 đỉnh Tà Xùa có tuyết, những bánh trà làm ra đều có hương thanh nhẹ như hương hoa, vị ngọt mật không quá đậm, chỉ phớt nhẹ nhưng sâu lắng. Giới yêu trà còn tổng kết, sản phẩm từ các vùng trà Sơn La, Hà Giang… đi thi quốc tế, đoạt giải cao đều rơi vào những năm có thời tiết khắc nghiệt.

Trưởng bản Mùa A Vàng kể bố mẹ anh cũng có hơn trăm gốc chè cổ, ngày xưa không ai thèm để ý, giờ thành của để dành. Năm vừa rồi, bố mẹ chia cho các con mỗi người dăm ba chục gốc, riêng con trưởng được nhiều hơn.

Anh Mùa A Lừ, bản Mống Vàng cho biết, nhà anh có khoảng 60 gốc chè cổ thụ, mỗi năm trừ chi phí, thu lãi khoảng hơn chục triệu đồng, tạo nguồn thu nhập chính của gia đình. Thời gian tới, gia đình tiếp tục mở rộng diện tích trồng chè cũng như những cây trồng có giá trị kinh tế cao khác để tăng thêm thu nhập.

'Tứ đại danh trà' hấp dẫn hơn mây ảnh 3 Dân Tà Xùa “làm du lịch” ở khu vực Sống lưng khủng long Háng Đồng

Cuối năm ngoái, 200 cây chè Shan tuyết cổ ở Tà Xùa đã được lập hồ sơ và công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ngay từ cổng vào Bản Bẹ đã có thể thấy tấm biển Cây di sản bên cạnh cây chè 280 tuổi mang mã số 27. Dân du lịch cũng tìm vào bản nhiều hơn. Thay vì gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, khách vào bản Bẹ chụp ảnh giờ tấp nập không kém gì khu Sống lưng khủng long ở Háng Đồng. Có một cấm kỵ mà dân phượt hay mắc phải là họ cứ để nguyên giày leo núi nhảy lên thân chè chụp ảnh. Những cây chè bị “bạo hành” kiểu này sẽ nhanh chóng tróc vỏ, bị kiến, mối tấn công và có nguy cơ chết yểu. Theo thống kê của trưởng bản Bẹ, Mùa A Vàng, một số cây chè hơn trăm tuổi ở vị trí “dễ bị chụp ảnh” đã chết vào năm ngoái. Hiện tại, người dân bảo vệ cây chè cẩn thận hơn, số lượng người tự ý trèo lên cây chụp ảnh cũng giảm hẳn.

Mây và chè đều cần bảo vệ

Tà Xùa bây giờ coi như có hai đặc sản: chè và mây. Mây chỉ có mùa, khoảng đầu tháng 12 đến tháng 3 năm sau, ngoài thời gian đó, xác suất gặp mây tương đối thấp. Phóng viên ảnh Trọng Chính nói với tôi, anh lên Tà Xùa 9 lần nhưng chưa lần nào săn được mây. Đủ để thấy rằng, thứ quà đỏng đảnh của giời, cũng không phải cứ giơ tay ra là chạm được, dù bạn đang đứng trên mỏm núi cao tới gần hai nghìn mét đi chăng nữa.

So với năm năm trước, Tà Xùa đã thay đổi chóng mặt. Ở trung tâm huyện, homestay, hostel, bungalow, hotel... mọc lên san sát. Tôi không cố tình viết tiếng Anh, đây chính xác là tên của những điểm dừng chân ở Tà Xùa, bởi theo như các chủ nhà ở đây tiết lộ, họ cũng hướng tới đối tượng phục vụ chính là khách nước ngoài, “giống như Sa Pa”.

“Vào mùa mây, ở đây ồn lắm, tối nào cũng hát karaoke, đường ra Sống lưng khủng long – (một địa chỉ săn mây nổi tiếng) thì tắc dài”, Mùa Thị Tồng tâm sự.

Tôi hỏi Tồng, Tà Xùa nhộn nhịp thế có vui không, cô lắc đầu: “ồn lắm, bẩn lắm”! Sự ồn ào, nhốn nháo của Tà Xùa vào những ngày cuối tuần dường như đã khiến những cư dân lâu đời ở đây “cáu kỉnh”. Còn anh Khánh, người đã cắm chốt ở đây hơn mười năm thì ví “không khác gì chợ Đồng Xuân”. Một số hộ dân ở vùng phụ cận đã chuyển về sâu hơn trong bản (cách trung tâm khoảng 7-10 cây số). Xung quanh các tụ điểm check in, rác ngập lối. Cũng là Tồng nói với tôi, các chủ nhà nghỉ ở đây chủ yếu là người Kinh nên dù khách đông thì người Mông bản địa cũng không được lợi gì. Tà Xùa hiện chưa có nhiều dịch vụ và địa điểm vui chơi nên đa phần khách chỉ nghỉ lại một đêm là về. Dân Tà Xùa chính gốc chưa đến mức “sống được nhờ vào du lịch”.

Riêng đối với cây chè, anh Nguyễn Đình – một “dân nghiện trà” tiết lộ: Nếu tiếp tục “thả cửa” cho khách du lịch trèo lên cây chụp ảnh, sẽ còn nhiều “cụ chè” nữa ra đi. Anh Đình cho biết, ở những vùng chè cổ thụ của Trung Quốc, ngay cả dân hái chè cũng không trực tiếp trèo lên cây. Thay vào đó, họ dùng giàn giáo lắp quanh cây để thu hái. “Chè là loại cây nhạy cảm, nếu lớp vỏ của nó liên tục bị bong tróc, cũng giống như da người bị bỏng, lặp đi lặp lại sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cây”, anh nói thêm.

Để tăng thêm “sức hấp dẫn” cho Tà Xùa, nhằm kích cầu du lịch, Trần Kiên, trưởng nhóm phượt “Allez” hiến kế: Ngoài việc tận dụng ưu thế về khí hậu, cảnh quan, Tà Xùa hoàn toàn có thể thúc đẩy mảng du lịch văn hóa. Ở đây đã có sẵn mấy khu di tích được xếp hạng như Hang A Phủ và Bãi đá khắc cổ Khe Hổ, các lễ hội truyền thống... Chỉ cần kết nối là có thể tạo ra các tour tìm hiểu về âm nhạc dân gian, trang phục, kiến trúc nhà ở, nghề dệt, nghề rèn, nghề đan lát, đua ngựa, các môn thể thao và trò chơi truyền thống của các dân tộc Mông, Dao, Mường, Thái...

Những năm gần đây, huyện Bắc Yên đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân từ du lịch. Theo đó, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch được khuyến khích đầu tư vào các điểm du lịch sinh thái Tà Xùa, Sống lưng Khủng Long, Hồ Sen Hua Nhàn, vườn đào nguyên bản hay rừng sơn tra ở các xã vùng cao Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Đồi Pu Nhi, Ruộng bậc thang Xím Vàng, vùng lòng hồ sông Đà...

Huyện cũng đã lập kế hoạch nghiên cứu, khảo sát và triển khai thí điểm mô hình “Bản văn hóa du lịch” tại xã Tà Xùa gắn với văn hóa dân tộc Mông nhằm bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa (trong đó có kiến trúc nhà ở truyền thống) thành sản phẩm du lịch. Khôi phục và phát triển các nghề truyền thống, như: Nghề rèn, làm khèn bè, nấu rượu thóc truyền thống của đồng bào dân tộc Mông; nghề dệt vải, mây tre đan của đồng bào dân tộc Mường, Thái..., nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch, quà tặng phục vụ du khách.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.