Kỷ niệm 221 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa:

Từ đất võ tới Thăng Long

Từ đất võ tới Thăng Long
TP - Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa 2010 tưng bừng sáng mùng năm Tết Canh Dần, mở đầu một năm đầy sự kiện của đất nước.
Từ đất võ tới Thăng Long ảnh 1

Một hoạt cảnh trong lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ở Bình Định - Ảnh: N.T - V.H

Chiều mùng bốn Tết (17-2), nhân dân Bình Định long trọng tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 221 chiến thắng vang dội sử sách ở quê hương người anh hùng áo vải.

Bảy giờ sáng mùng 5, tiết trời Hà Nội rét đậm không ngăn nổi người đổ về công viên văn hóa Đống Đa. Đến 9 giờ, con phố Đặng Tiến Đông nêm chật người dự hội, xếp thành vòng tròn lớn quanh tượng đài Quang Trung -Nguyễn Huệ.

Mùng năm tết trận thắng to/Gió reo còn vẳng tiếng hò ba quân (Hằng Phương). Lễ hội Gò Đống Đa năm nay khai màn “năm của sự kiện”, hướng tới đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, nên dẫu không quy mô như năm ngoái, dòng người về dâng hương, tưởng nhớ công lao của Nguyễn Huệ không vì thế mà thua kém.

Giữa khí thiêng đất trời, từ lư hương dưới chân tượng đài Quang Trung, lửa thiêng bùng cháy. Hồi trống vang dồn báo hiệu thời khắc thiêng liêng. Đoàn đại biểu Trung ương, Hà Nội dẫn đầu là Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng làm lễ dâng hương trước tượng đài vua Quang Trung.

Phần sân rộng trước tượng đài chật kín, hai bên tượng đài không còn chỗ đứng. Cụ bà lưng còng, tóc bạc tuổi trên 80 nhà ở Thanh Xuân khoe, năm nào cũng đến lễ hội dâng hương,  chen mãi mới tiến được tới gần tượng đài chờ hành lễ.

Từ đất võ tới Thăng Long ảnh 2
Màn múa trước tượng Quang Trung ở Gò Đống Đa.                  Ảnh Hồng Vĩnh

Dâng hương, tế lễ được coi là phần quan trọng nhất đối với bậc cao niên. Giới trẻ có vẻ thích thú cả với chương trình nghệ thuật sân khấu bên phải tượng đài.

“Tinh thần trống trận Quang Trung” với múa cờ, múa kiếm, võ gậy hừng hực khí thế, múa rồng múa lân rộn ràng cả một góc lễ hội. Một vòng tròn bao quanh khu vực đánh cờ người.

Công chúa Ngọc Hân là tên trích đoạn chèo, song song với các tiết mục ca nhạc dân tộc. Số ghế nhựa cao được xếp lúc đầu cho quan khách, nhân dân nay được dịp trưng dụng thành chỗ đứng xem hát, xem cờ, đến nỗi người đến sau chỉ nhìn thấy sừng sững vòng tròn người ken đặc.

Bên cạnh những nét đẹp, thiêng liêng, vẫn còn điều phải nói. Hàng rong tiến sát chân tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ khi đoàn đại biểu, quan khách vừa dời chân.

Gánh hàng hương, vàng mã bó sẵn từng tệp tiện bán cho nhân dân đến hội dâng hương, chỉ cách lư hương hành lễ vài bước chân.

Lui xuống một chút, cơ man tò he, bóng bơm khí đủ hình con vật, đánh vào tâm lý trẻ con được đi chơi xuân.

Nếu đi lên Gò Đống Đa, không khó khăn gì để chứng kiến hình ảnh nhiều người thành tâm lễ, ngay sau lưng mấy chiếu mực, cá nướng. Đấy là còn chưa kể đến từng nhóm cờ thế túm năm tụm ba trong công viên. 

Phần sử thi trong lễ hội diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định) được dàn dựng hoành tráng nhất từ trước đến nay, với 5 chương lớn, tái hiện đầy đủ lịch sử, từ lúc ba anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa, đến khi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, chỉ huy các cánh quân đánh tan 29 vạn quân Thanh chỉ trong vòng 6 ngày, kể từ khi xuất binh vào đêm 30 Tết đến ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789.

Giai điệu trầm hùng, tiết tấu nhanh, chắc, khỏe của hơn 100 chiếc trống và 100 lá cờ tung bay đã đưa người xem chìm đắm trong âm hưởng hào hùng của huyền thoại Tây Sơn năm xưa.  

MỚI - NÓNG