Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình:

Tư duy nhiệm kỳ có thể vì lợi ích nhóm

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trả lời chất vấn chiều 15/6. Ảnh Như Ý.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trả lời chất vấn chiều 15/6. Ảnh Như Ý.
TP - “Người cán bộ phải hết lòng, hết sức phục vụ, chịu trách nhiệm trước nhân dân, hành động theo lương tâm. Ai có tư duy nhiệm kỳ thì người đó không xứng đáng với vị trí của mình”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trả lời chất vấn chiều 15/6.

Có thể vẫn còn dự án thua lỗ tương tự

Báo cáo giải trình trước khi bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn cuối cùng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ sẽ rà soát, xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Đồng thời kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường. Trong đó tập trung xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác. Đề cập đến thực trạng này, ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi, ngoài 12 dự án thua lỗ, nằm “đắp chiếu” mà Chính phủ đã nêu, còn bao nhiêu dự án có tình trạng tương tự? Chính phủ có giải pháp gì đối với các dự án tương tự nếu có? Trách nhiệm để xảy ra thua lỗ thuộc về ai?

Giải đáp vấn đề này, Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ đã công khai, minh bạch, rõ ràng và truyền thông đã đưa thông tin cơ bản về 12 dự án thua lỗ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc khẳng định quan điểm không dùng ngân sách trả nợ cho dự án thua lỗ và sẽ xử lý theo cơ chế thị trường; làm rõ trách nhiệm để xảy ra thua lỗ. Ngoài 12 dự án này, Phó Thủ tướng cho biết có thể vẫn còn những dự án tương tự, tuy nhiên cũng cần phải rà soát mới biết được. “Nếu phát hiện thêm dự án nào có vấn đề tương tự, Chính phủ cũng sẽ giải quyết như đối với 12 dự án đắp chiếu”, Phó Thủ tướng nói.

Bổ nhiệm, “giọt máu đào hơn ao nước lã”?

ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt vấn đề: “Công tác bổ nhiệm cán bộ, lợi ích nhóm ngày càng có xu hướng tương đồng về đặc tính, dù đảm bảo đúng quy trình, nhưng yếu tố người nhà, “giọt máu đào hơn ao nước lã” vẫn là yếu tố quyết định. Pháp luật nghiêm minh, chính sách công khai, quy trình minh bạch nhưng con đường đi đến công lý còn một khoảng cách khá xa và chông chênh”.

“Ngoài những văn bản chỉ đạo hỏa tốc, Chính phủ cần những giải pháp căn cơ để làm chìa khóa mở những từ khóa như “đúng quy trình, bổ nhiệm thần tốc, giải cứu”. Chính phủ và các thành viên Chính phủ có cam kết gì trước cử tri cả nước về những lộ trình thực hiện giải pháp đề ra sau chất vấn?”, ĐB Hiền đặt câu hỏi.

Trả lời ĐB Phạm Thị Minh Hiền, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Nội vụ thanh kiểm tra. Bộ Nội vụ đã rà soát 11 địa phương, phát hiện một số sai phạm trong tuyển dụng bổ nhiệm. Thủ tướng yêu cầu thu hồi quyết định bổ nhiệm sai, miễn nhiệm chức vụ, chấm dứt hợp đồng đối với những người tuyển sai, và kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý cá nhân sai phạm.

“Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là yêu cầu các bộ ngành thanh tra công tác cán bộ, thực hiện đúng quy định về tuyển dụng, thăng hạng, công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, bổ nhiệm lãnh đạo... Phải thanh tra, kiểm tra tối thiểu 30% các đơn vị trực thuộc trong năm 2017”, ông Bình cho hay.

Cũng liên quan đến vấn đề cán bộ, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, tư duy nhiệm kỳ đang tồn tại ở nhiều ngành, nhiều cấp dẫn tới cắt khúc trong quản lý, phân tán nguồn lực đầu tư. Bà chất vấn, làm sao để hạn chế, tiến tới bỏ tư duy nhiệm kỳ trong các ngành, cấp? Về việc này, ông Bình lý giải, nguyên tắc của Chính phủ là phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, một việc chỉ giao cho một cơ quan để tránh chồng chéo.

“Người cán bộ phải hết lòng, hết sức phục vụ, chịu trách nhiệm trước nhân dân, hành động theo lương tâm. Ai có tư duy nhiệm kỳ thì người đó không xứng đáng với vị trí của mình”, Phó thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời nói thêm rằng, tư duy nhiệm kỳ rất tinh vi, có thể vì vấn đề lợi ích nhóm, cũng có thể cán bộ thấy hết nhiệm kỳ rồi thì không quyết tâm, nỗ lực trong công việc.

Tư duy nhiệm kỳ có thể vì lợi ích nhóm ảnh 1 ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang).

Bỏ biên chế giáo viên mới chỉ là đề xuất

Sau khi nhận được nhiều cuộc điện thoại từ cử tri, đặc biệt các nhà giáo, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) chất vấn Phó thủ tướng về quan điểm của Chính phủ trước việc chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng ra sao? Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Bộ GD&ĐT đưa ra đề xuất này nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây là vấn đề liên quan đến Luật Công chức, viên chức và chính sách đối với viên chức, người lao động.

Ông Bình khẳng định, đây là vấn đề cần có sự nghiên cứu kỹ và đây mới chỉ là đề xuất, chưa có ý nghĩa quyết định. Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính xây dựng đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập để trình Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10/2017. Hội nghị Trung ương 6 sẽ xem xét lại việc xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, nghiên cứu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo tờ trình của Chính phủ.

ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng):

Chất lượng chất vấn nâng lên

Là ĐB nhiều năm tham gia nghị trường, tôi thấy chất lượng chất vấn của QH ngày càng nâng cao. Một vấn đề được ĐBQH chất vấn cả bộ trưởng lẫn các lãnh đạo Chính phủ là vấn đề nông nghiệp, trong đó có việc giải cứu đàn lợn. Cũng là một vấn đề, các ĐB luôn có sự quan tâm ở góc khác nhau, yêu cầu Chính phủ phải có cái nhìn từ các góc độ khác nhau. Mỗi góc độ, mỗi bộ trưởng và thường trực Chính phủ đều trả lời với tầm nhìn khác nhau, giúp chúng ta có cái nhìn hoàn chỉnh về bức tranh kinh tế xã hội đất nước.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau):

Thẳng thắn, trách nhiệm

Các vấn đề mà ĐBQH chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ yếu là các vấn đề đã được nêu ra cho 4 bộ trưởng và các thành viên Chính phủ tại các phiên chất vấn trước đó. Tuy nhiên, các ĐB nêu chất vấn với mong muốn được làm rõ hơn ở tầm chính sách vĩ mô.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã cơ bản trả lời thỏa mãn các ĐBQH. Chẳng hạn với vấn đề mà ĐB nêu về tình trạng đầu tư công dàn trải, nhất là 12 dự án nghìn tỷ đồng đắp chiếu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trả lời rất thẳng thắn rằng ngoài 12 dự án này, có thể có thêm những dự án khác tương tự.

                Thành Nam (ghi)

MỚI - NÓNG