Tử hình bằng tiêm thuốc độc?

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) góp ý về Dự thảo Luật Thi hành án hình sự. Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) góp ý về Dự thảo Luật Thi hành án hình sự. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Tại cuộc thảo luận hôm qua, các ĐBQH thống nhất cao với những chỉnh sửa của Dự thảo Luật Thi hành án hình sự đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp này.
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) góp ý về Dự thảo Luật Thi hành án hình sự. Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) góp ý về Dự thảo Luật Thi hành án hình sự. Ảnh: Hồng Vĩnh.


Bỏ hình thức xử bắn

Nhiều ĐB đồng tình về đề nghị quy định hình thức thi hành án tử hình là tiêm thuốc độc. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bên cạnh loại ý kiến trên, cũng có ý kiến đề nghị quy định hình thức thi hành án tử hình bằng xử bắn; hoặc cả hai hình thức tiêm thuốc độc và xử bắn.

Bà Lê Thị Thu Ba - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH cho biết, việc thi hành án bằng xử bắn đã bộc lộ nhiều hạn chế. Theo kinh nghiệm của các nước, tiêm thuốc độc ít gây đau đớn, dễ thực hiện hơn. “Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho quy định trong dự thảo Luật hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Quy trình thực hiện do Chính phủ qui định; đồng thời đề nghị Quốc hội cho quy định hiệu lực thi hành từ 1-7-2011”- Bà Thu Ba cho biết.

ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) kiến nghị vẫn nên duy trì hình thức xử bắn trên cơ sở xây dựng các trường bắn tập trung, cố định và áp dụng biện pháp bắn tự động. Tuy nhiên, nhiều ĐB nghiêng về biện pháp tiêm thuốc độc bởi nó ít gây đau đớn hơn cho người bị thi hành án, tử thi còn nguyên vẹn và giảm áp lực tâm lý cho tử tù. “Trên thế giới vẫn còn 8 hình thức tử hình, nhưng chúng ta nên qui định hình thức tiêm thuốc độc”- ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đề nghị.

Vấn đề cho nhận xác tử tù, ĐB Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) đề nghị nên hỏa táng tử tù và cho gia đình được nhận tro than ngay. Còn nếu chôn rồi để ba năm sau mới cho nhận hài cốt thì riêng việc trông mộ tử tù cũng là một vấn đề rất phức tạp về sau. Việc hỏa táng cũng đem lại ích lợi cho cả xã hội.

Tăng thời gian gặp thân nhân

ĐB Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) cho rằng không nên qui định phạm nhân phải thực hiện tốt nội quy, quy định của trại giam thì mới được gặp vợ hoặc chồng mình ở phòng gặp riêng, bởi phải coi đây là một biện pháp giúp nạn nhân cải tạo tốt từ tác động của gia đình, đặc biệt là vợ, chồng họ. “Thay vì hằng tháng như quy định, nên tăng số lần cho phạm nhân được gặp người thân, vợ chồng của họ. Đồng thời, đối với những phạm nhân cải tạo tốt, nên quy định cho họ được gọi điện về nhà nhiều hơn nữa”- ĐB Hòa kiến nghị.

Liên quan chế độ hưởng Bảo hiểm xã hội của người bị kết án tù trước khi bị phạt tù, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) nói, rất nhiều người có hàng chục năm công tác và đóng bảo hiểm xã hội nhưng sau khi mãn hạn tù hầu như không được hưởng bảo hiểm. Đề nghị quy định những người đã nộp bảo hiểm xã hội trước khi đi tù thì sẽ được hưởng chế độ sau khi mãn hạn tù.

ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) gợi ý, gia đình cũng nên có trách nhiệm đối với vấn đề bảo hiểm y tế cho phạm nhân, để đỡ gánh nặng cho nhà nước. Ngoài ra, nên quy định mở hơn trong việc hiến mô, xác của tử tù cho nghiên cứu y học.

Chiều cùng ngày, QH thảo luận về Luật trọng tài thương mại. Luật trọng tài thương mại thay thế những quy định không còn phù hợp của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, tạo điều kiện giải quyết các tranh chấp thương mại một cách nhanh chóng, đơn giản và đảm bảo bí mật kinh doanh, góp phần tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.  

MỚI - NÓNG