Tù mù chất lượng thực phẩm sạch

Nhiều điểm bán thịt tự phong “thịt sạch”, “thịt VietGap” dù không được cơ quan nào chứng nhận.
Nhiều điểm bán thịt tự phong “thịt sạch”, “thịt VietGap” dù không được cơ quan nào chứng nhận.
TP - Khó khăn trong việc xử lý tiểu thương gian lận cùng những bất cập của quy trình VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) đang khiến người tiêu dùng lúng túng khi lựa chọn thực phẩm được gắn mác sạch trên thị trường.

Trộn hàng?

Tại siêu thị Satra (góc đường Lê Thị Riêng, Cách Mạng Tháng Tám, Q.3, TPHCM), chỉ có duy nhất một quầy rau có gắn mác VietGAP. Nhưng nhiều loại rau lại “mình trần”, không bao gói, nhãn hiệu như các loại rau VietGAP thường thấy. Hỏi nhân viên thì được biết: “Tất cả đều là VietGAP hết đó. Nhưng rau có bao gói giá cao hơn chừng 2.000 đồng so với loại không bao gói” (?!).

Quầy rau VietGAP siêu thị Co.op Mart Cống Quỳnh (Q.1), Co.op Mart Hòa Bình (Q. Tân Phú) cũng có tình trạng lẫn lộn các loại rau có bao bì và không bao bì. Nhiều loại bắp cải, súp-lơ, cần tây… được quấn bọc nhựa, bên trên chỉ đề giá tiền chứ không có bất cứ thông tin gì khác. “Mình cứ tưởng tất cả rau củ nằm chung trong quầy VietGAP thì đều là VietGAP hết chứ cũng không biết rau VietGAP thật thì phải có bao bì riêng của đơn vị sản xuất” - khách hàng Hải Thanh nói.

Trong khi giá cũng cao hơn ở chợ rất nhiều. Các loại thực phẩm sau khi đã có mác sạch, VietGAP bỗng trở nên “có giá hơn”. Cụ thể, mít “sạch” giống Thái Lan giá 34.000 đồng - 36.000 đồng/kg (mít Thái ngoài thị trường chỉ 18.000 đồng-20.000 đồng/kg); rau muống VietGAP 12.000 đồng - 15.000 đồng/kg (ngoài chợ chỉ 7.000 đồng - 10.000 đồng/kg)…

Các gian hàng thịt heo VietGAP nở rộ tại các chợ gần đây cũng gây nhiều tranh cãi. Sở Công Thương TPHCM cho biết, hiện tại chỉ mới công bố hai đơn vị có sản phẩm heo VietGAP là Vissan và An Hạ. Trong đó, Vissan đang phân phối thịt tại 222 điểm gồm hệ thống siêu thị Co.op Mart, Co.op Food, Satrafood và 31 cửa hàng giới thiệu sản phẩm Vissan; An Hạ cũng có 9 điểm của riêng mình.

Bà Nguyễn Hồng Thắm - Giám đốc Cty An Hạ nói rằng, có chuyện tiểu thương mua 1/2 con heo VietGAP để mượn danh An Hạ rồi trộn 4 - 5 con heo thường bán ngoài thị trường. “Chúng tôi cũng rất đau đầu về chuyện này nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết” - bà Thắm nói.

Gap… tự phong

Hàng loạt cửa hàng thịt bò, dê… tại TPHCM trưng ra biển “cửa hàng thịt sạch”, khiến người tiêu dùng lầm tưởng đây là các điểm kinh doanh sản phẩm theo tiêu chuẩn Gap.

Trên đường Bình Long, Q. Bình Tân có hơn chục điểm bán thịt bò, thịt dê “sạch” nằm dọc hai bên đường. Những tảng thịt lớn bám đầy bụi, ruồi nhặng nhưng vẫn được người bán giới thiệu là hàng sạch, đảm bảo an toàn. Một người kinh doanh thịt tại đây giải thích, đây là bò, dê được chăn thả ở các vùng quê như Củ Chi, Hóc Môn chỉ ăn cỏ, rơm chứ không ăn cám công nghiệp hay các chất tăng trọng, khi đem đi giết mổ không bị bơm nước… Hỏi có giấy chứng nhận gì không thì người bán nói có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y nhưng “để quên ở nhà”.

Việc lạm dụng tiêu chuẩn “thịt sạch” tràn lan trên các kênh bán hàng trực tuyến, mạng xã hội. Hàng loạt website rao bán… thịt bò hay các loại thịt gia súc, gia cầm khác được cho là sạch chỉ bằng những lời giới thiệu là vật nuôi được nuôi bằng thức ăn tự nhiên (gia súc chỉ ăn cỏ và các loại ngũ cốc lấy từ nhà), chăn thả trong môi trường tự nhiên, không dùng kháng sinh, hormone và các chất kích thích tăng trưởng... nhưng lại không đưa ra được bất cứ chứng nhận “sạch” nào.

Ông Huỳnh Tấn Phát - Chi cục phó Chi cục Thú y TPHCM cho hay, các cửa hàng, điểm bán treo biển “thịt sạch” là tự phong chứ chưa có đơn vị chức năng nào cấp phép. Việc cấp phép sản phẩm thịt theo tiêu chuẩn an toàn, sạch phải được tiến hành giám sát từ con giống, vùng nuôi, nguồn thức ăn, quá trình chăm sóc, giết mổ, vận chuyển, điểm bán… “Hiện có một số đơn vị thử nghiệm chăn nuôi bò theo tiêu chuẩn VietGAP để cung cấp nguồn thịt bò an toàn nhưng chưa đưa sản ra thị trường” – ông Phát nói.

Ông P. (xin giấu tên) - cán bộ kỹ thuật của Bộ NN-PTNT đóng tại TPHCM giải thích, những sản phẩm VietGap có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm được chăn nuôi, trồng trọt theo VietGap khi được phân phối, tiêu thụ ngoài thị trường phải được bao gói, đóng dấu và ghi nhãn mác, mã vạch xuất xứ hàng hóa.

Tuy nhiên, hiện nay việc chứng nhận VietGAP chỉ mới dừng ở khâu nuôi trồng. Bắt đầu từ giai đoạn thu hoạch, giết mổ và tiêu thụ lại phụ thuộc vào cái tâm nhà phân phối. Bởi cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP có thể tự đóng dấu và chịu trách nhiệm với các cơ quan chức năng về sản phẩm mang ra thị trường tiêu thụ.

“Đây là điểm bất cập trong quy trình của VietGAP hiện nay, sắp tới cần phải điều chỉnh lại, để đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo quy trình khép kín từ nuôi trồng, thu hoạch, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm thịt”, ông P. nêu ý kiến.

MỚI - NÓNG