Ủy ban TVQH cho ý kiến về Luật Công chứng

Tư nhân được phép hành nghề công chứng ?

Tư nhân được phép hành nghề công chứng ?
TP - Nội dung gây tranh cãi nhiều nhất trong dự án Luật Công chứng được ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến trong phiên họp hôm qua (3/4) là việc xã hội hóa hoạt động công chứng. 

Theo ông Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, công chứng viên do nhà nước đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm và giao cho họ trọng trách nhân danh Nhà nước mà xác định tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch nhằm góp phần đảm bảo sự an toàn pháp lý cho các bên giao dịch.

Vì thế, Ban soạn thảo đề nghị có thể cho phép công chứng viên tự thành lập lấy tổ chức hành nghề của mình mà dự thảo gọi là văn phòng công chứng.

“Dù hành nghề ở phòng công chứng của Nhà nước hay văn phòng công chứng thì tính chất, vai trò và giá trị pháp lý của văn bản công chứng đều như nhau”- Ông Lưu nói.

Chưa hài lòng với quy định này, ông Trần Thế Vượng, Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội  đặt vấn đề công chứng là lấy quyền công ra mà làm chứng, vậy giao tư nhân thực hiện quyền lực Nhà nước thì có phù hợp với quy định của Hiến pháp?

Như thế tạo ra sự cạnh tranh giữa phòng công chứng Nhà nước và văn phòng công chứng do công chứng viên thành lập, vậy chúng ta có chủ trương trong việc cạnh tranh thực hiện quyền lực Nhà nước hay không?...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đáp lại rằng ở các nước công chứng là một nghề, chuyển sang kinh tế thị trường thì chúng ta cũng phải chấp nhận như vậy. Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến còn băn khoăn về các vấn đề có thể phát sinh từ việc công chứng viên thành lập văn phòng công chứng như dấu của họ có được mang hình quốc huy không; nếu sai gây hậu quả cho các bên tham gia giao dịch thì sao?...

Ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nói rằng ở các nước khi thành lập văn phòng công chứng cần phải thế chấp bằng tài khoản với số tiền lớn để bồi thường nếu do sai sót nghiệp vụ gây ra, còn ở nước ta điều kiện thành lập lại khá lỏng lẻo.

Sau khi thảo luận, nhiều đại biểu thống nhất quan điểm không nhất thiết chỉ riêng Nhà nước thực hiện toàn bộ hoạt động công chứng nhưng cách thức xây dựng việc xã hội hoá hoạt động này thế nào cho khả thi và hiệu quả cần được tính toán lại cho nhất quán. Bộ trưởng Uông Chu Lưu đã tiếp thu những ý kiến này.

* Chiều cùng ngày, ủy ban TVQH đã cho góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết về việc đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp công dân, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.

Kể từ năm  1999, khi ủy ban TVQH khóa X ban hành nghị quyết 288 về việc này, nhìn chung công tác tiếp công dân, tiếp nhận, chuyển đơn, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của đại biểu Quốc hội còn nhiều hạn chế.

“Đại biểu cũng chỉ có quyền kiến  nghị, họ (các cơ quan chức năng- PV) không giải quyết cũng chẳng có biện pháp gì mà đốc thúc cả”- Ông Tráng A Pao, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội nói.

“Ngay cả khi đơn thư của công dân có ý kiến của ủy ban Pháp luật của Quốc hội chuyển đến yêu cầu giải quyết mà chưa bao giờ văn bản trả lời của cơ quan chức năng đạt tới 50%”- Ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội bổ sung.

Dự thảo nghị quyết này sẽ được ủy ban TVQH cho xem xét trong một phiên họp tiếp theo.

MỚI - NÓNG