75 năm ngày Độc lập - Kỳ III:

Từ ông Đội Tố đến tướng Lê Trọng Tấn

TP - Quanh tôi là không khí im mát và tĩnh lặng trong ngôi nhà tưởng niệm Đại tướng Lê Trọng Tấn. Ngôi nhà khá khang trang giữa làng Yên Nghĩa quê hương Đại tướng, là công sức của làng, của dòng họ và đơn vị chung tay xúm vào.

Gian chính giữa là nghiêm ngắn nơi thờ cúng Đại tướng với bức tượng đồng bán thân đúc khéo  toát lên vẻ uy dũng nhưng hồn hậu.

Chả biết phong thuỷ lẫn thế đất làng Yên Nghĩa huyện Hoài Đức (Hà Nội) vượng lẫn đắc địa ra sao mà bà Chúa Dương Thị Ngọc Hoan vợ Chúa Trịnh Sâm, quê mãi huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh lập hẳn cả một hành cung đồ sộ ở đây? Khi sống bà làm nhiều việc ân đức cho làng cho vùng nên khi mất làng lập đền thờ khói hương mãi đến giờ!

Một hậu duệ Chúa Trịnh Căn là cụ Trịnh Doanh, lão thành cách mạng, người lần ấy dẫn tôi thăm nhà tưởng niệm tướng Lê Trọng Tấn. Nhà cụ Doanh từng là nơi nuôi giấu che chở cơ quan Xứ ủy Bắc Kỳ và các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... trong suốt một thời gian dài. Cụ Doanh trích hẳn một tư liệu trong cuốn Họ Trịnh và Thăng Long ( NXB Văn hóa dân tộc, 2000), cho biết một bằng cớ là ba anh em ruột của đại tướng Lê Trọng Tấn là Lê Mạnh Hồ (cả) Lê Trọng Tấn (tức Tố, thứ hai) và Trịnh Quý Đông (út) có viễn tổ họ Trịnh? Cụ  Đồ Lăng thân sinh còn cẩn trọng cho ba anh em mang tên lót là những từ chỉ thứ tự thời tiết của một mùa. Mạnh là đầu mùa. Trọng là giữa và quý là cuối! Điều đặc biệt là người em thứ ba này lại mang họ Trịnh  nên chả phải là ngẫu nhiên khi  có việc phối thờ này?

Từ ông Đội Tố đến tướng Lê Trọng Tấn ảnh 1 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Lê Trọng Tấn (phải)

Vẫn chuyện cụ Doanh. Cơ quan Xứ ủy hồi ấy đóng tại nhà cụ có một người nữ cán bộ trẻ đẹp, năng nổ, xông xáo gan dạ tên là Bích Vân còn có tên nữa là Hoàng Ngân ( sau này một đội nữ du kích anh hùng của vùng đồng bằng Bắc Bộ mang tên người nữ cán bộ gan dạ ấy và đã từng lập nhiều chiến công xuất sắc). Chị Bích Vân từ lâu đã có cảm tình với đồng chí Hoàng Văn Thụ. Bài thơ mà anh Hoàng Văn Thụ tặng chị Bích Vân rồi chị Bích Vân  thuộc lòng  chính là do thân mẫu cụ Doanh kể lại vì đã trực tiếp chứng kiến tình cảm ấy cũng như nhiều lần Bích Vân nằm ổ rơm cùng cụ, chuyện trò tỉ tê như hai mẹ con!

 Hai trái tim mình đã kết tinh/ Chỉ vì nghĩa vụ phải làm thinh/ Mối thù đế quốc to em nhỉ/ Cướp cả giang san cả ái tình.

 Cũng nói thêm, thân mẫu cụ Doanh là bà Nguyễn Thị Tuỵ, người được Hoàng Văn Thụ trực tiếp kết nạp vào Đảng năm 1940. Tấm gương hy sinh tiết liệt của người cộng sản Hoàng Văn Thụ ở trường bắn Tương Mai năm 1944 đã cắt đứt mối lương duyên hồi ấy hẳn còn manh nha của đôi trai tài gái sắc này?

 Xin trở lại với anh lính khố đỏ Lê Trọng Tấn (tức Tố) thôn Nghĩa Lộ của làng Yên Nghĩa này. Thời gian tham gia lính khố đỏ, Lê Trọng Tố đã đóng đến chức đội nên dân làng Yên Nghĩa thường gọi là Đội Tố.

Nắm chắc Đội Tố là con một nhà nho thanh bần của làng vì bị bắt ép vào lính nên tổ chức Đảng đặt ra nhiệm vụ giáo dục, cảm hoá Đội Tố... Thời gian ấy, đơn vị của đội Tố đang đồn trú ở sân bay Tông ( Sơn Tây) cũng gần làng Yên Nghĩa. Chị Bích Vân tức Hoàng Ngân khi đó đang phụ trách công tác phụ vận kiêm binh vận của Xứ ủy Bắc Kỳ và một số nhân mối khác được giao nhiệm vụ cảm hóa giáo dục Đội Tố... Chắc công việc ấy phải khá vất vả công phu lẫn khéo léo nên sau này chúng ta mới được đọc những dòng sau trong lý lịch trích ngang của đại tướng Lê Trọng Tấn.

... Đồng chí được giác ngộ cách mạng đầu năm 1944 và tham gia Việt Minh. Trong thời kỳ này đồng chí được cử về quê nhà Yên Nghĩa tham gia các hoạt động cách mạng ở địa phương. Đến tháng 8/1945, đồng chí được cử làm Ủy viên quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông. Cuối năm này đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương...

Nếu không có sự giác ngộ cảm hóa ngày ấy thì khó mà có những vị thế  của Lê Trọng Tấn sau này (Đây không phải trường hợp cá biệt. Chúng ta biết, Thượng tướng Hoàng Cầm cũng từng đi lính khố xanh và đến năm 1945 mới được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Trung tướng Nguyễn Bình vốn là người của Quốc dân đảng. Năm 1946 mới vào Đảng Cộng sản) 

Có chuyện khá hy hữu và lạ lùng! Tại nhà lưu niệm này tôi dừng lại lâu hơn trước một bức ảnh đen trắng cỡ 18x24cm có nhiều khoảng đã mờ và loang lổ... Rọi đèn ngó kỹ mới rõ hình đại tướng Lê Trọng Tấn mặc thường phục, quần xắn cao, đi dép râu.  Rìa bức ảnh là một dòng ngay ngắn Ba Long.  Phó R.

Và những dòng chữ vắn tắt  Bức ảnh này Mỹ Nguỵ chụp để nhận dạng tướng Lê Trọng Tấn thời gian hoạt động ở chiến trường miền Nam...

... Khoảng đêm 26 rạng ngày 27 tháng 3 năm 1975, đơn vị đặc công của ông Lê Văn Viêm, thuộc tiểu đoàn 403, sư đoàn 305 tập kích vào căn cứ sân bay và cảng Chu Lai. Trận đánh diễn ra mau chóng và thắng lợi. Đơn vị của Lê Văn Viêm sau khi làm chủ chiến trường trong lúc thu dọn chiến lợi phẩm, ông đã tìm thấy trên bàn làm việc của viên chỉ huy căn cứ có một cuốn Album khá dày. Tò mò Lê Văn Viêm giở coi thì trang đầu có một dòng chữ viết khá đậm: Những nhân vật cỡ bự của cộng quân. Nhớ coi kỹ để nhận người...  Nhờ có những dòng ghi bên cạnh mà Lê Văn Viêm biết được nhiều người như Trịnh Đình Thảo, Trần Độ, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thị Định... Là người cùng làng với tướng Lê Trọng Tấn (nhà Lê Văn Viêm cách nhà tướng Lê Trọng Tấn khoảng gần 100 mét. Trước khi vào bộ đội năm 1971, hồi nhỏ có mấy lần ông Viêm gặp tướng Tấn về làng có bận rẽ qua nhà ông chơi nên ông nhận ra ngay bức ảnh này. Ông lột tấm ảnh ra cất vào ba lô.

Từ ông Đội Tố đến tướng Lê Trọng Tấn ảnh 2 Đại tướng Lê Trọng Tấn

Năm 1978, một lần về quê, tướng Lê Trọng Tấn rẽ qua nhà ông Lê Văn Viêm chơi. Ông Viêm đưa tấm ảnh này ra...

Cụ Doanh dẫn chúng tôi rẽ vào một ngôi nhà ngói năm gian thâm thấp phía cuối làng. Đó là nhà cụ đồ Lăng, thân sinh Đại tướng Lê Trọng Tấn. Nhà ngày trước lợp rạ nay được lợp ngói. Nghe nói hồi một đơn vị cũ của Đại tướng xin làm con đường vào làng nhưng Đại tướng không đồng ý. Anh em đành tặng Đại tướng mái ngói này vậy!

Vâng, chú Tấn nhà tôi sinh ở ngôi nhà này đấy ạ... Chất giọng niềm nở  của bà Căn, con gái của ông Lê Mạnh Hồ, người con trai cả cụ Đồ như làm ấm thêm căn nhà cổ. Ấm áp như hương khói bốn mùa không dứt trong ngôi nhà mà vị tướng tài của nước Nam ta đã  cất tiếng khóc
chào đời!

(còn nữa)

Lê Trọng Tấn, Đại đoàn trưởng một đại đoàn chủ lực lúc 34 tuổi. Năm 1954, chỉ huy đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Năm 1958 là đại tá, hiệu trưởng trường sĩ quan lục quân. Năm 1961 là Thiếu tướng Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Năm 1964 với bí danh Ba Long là Phó Tư lệnh Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1972 là tư lệnh chiến dịch Bình Trị Thiên. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh là phó tư lệnh chiến dịch kiêm tư lệnh các cánh quân phía Đông. Năm 1980, thượng tướng và Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN. Hàm đại tướng năm 1984… 

MỚI - NÓNG