Nhân Tháng Hành động Vệ sinh An toàn Thực phẩm (15/4 - 15/5/2005)

Từ “pháo” sang “ngựa”: Hoa mắt, váng đầu vì ô nhiễm

Từ “pháo” sang “ngựa”: Hoa mắt, váng đầu vì ô nhiễm
Mỗi ngày ở Bình Đà (Thanh Minh, Thanh Oai, Hà Tây) lượng ngựa giết mổ mỗi ngày hơn trăm con. Do không có khu giết mổ tập trung, biệt lập với khu vực sinh hoạt, tình hình ô nhiễm trở nên đáng báo động.

Nghề mổ trâu bò, ngựa có ở Bình Đà (Bình Minh, Thanh Oai, Hà Tây) từ hơn chục năm nay. Từ khi cả làng còn theo nghề pháo cổ truyền, vài nhà đã mổ ngựa, trâu, bò. Nay, chủ lò cũ đều bỏ nghề. Những lò hiện có ở Bình Đà đều mới mở vài ba năm. Sự thay đổi ấy đánh dấu một bước ngoặt. Lò mổ trâu bò trước kia chủ yếu cung cấp thực phẩm cho dân làm pháo. Giờ, lò thành đầu mối thịt cho rất nhiều chủ hàng tận Hà Nội.

Chuyên môn hoá nên hoạt động của lò mổ tấp nập hơn. Một giờ sáng các lò bắt đầu “quạt lửa”. Mỗi ngày mỗi lò mổ 10 - 20 con. Hàng trăm ngựa, trâu, bò xử lý chỉ trong vài giờ. Náo loạn cả. Tiếng hí, tiếng rống của bầy gia súc trước khi chọc tiết. Tiếng búa đập đầu ngựa chan chát. Tiếng xô chậu va nhau loảng xoảng.

Làng có độ chục nhà làm nghề mổ, chủ yếu là mổ ngựa. Ngõ chúng tôi rẽ vào là xóm Chợ. Ngõ có 4 nhà thì cả bốn cùng mổ ngựa. Những xóm khác như xóm Chằm, xóm Dọc, khoảng 2 nhà. Độ 6 giờ sáng là xong xuôi. Con đường vào các lò mổ lúc bảnh mắt biến thành những dãy hàng thịt với tầm mươi phản thịt vồn vã mời chào. 8 giờ sáng, phản thịt dọn dẹp hết, lò mổ đóng cửa.

Và ô nhiễm

Ông Nguyễn Kiêm Đông - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh - kể: Sau 10 năm cấm pháo, dân Bình Đà túa khắp nơi. Các bà các cô, người nấu rượu, nuôi lợn, kẻ lao động tại các Cty may, khâu bóng. Đàn ông mở xưởng mộc, làm dịch vụ. Khấm khá nhất là thầu xây dựng và mấy lò mổ vừa kể. Chủ thầu nay đây mai đó. Chỉ các lò mổ là ổn định theo năm tháng. Thế nên Bình Đà thời mới từ “làng pháo” đổi thành “làng ngựa”.

Có lẽ cùng vì là nghề kiếm được nên nghề giết mổ ngựa cũng có nhiều cái khác. Toàn bộ hoạt động tại các lò đều do huyện quản lý, từ đăng ký kinh doanh, thu thuế đến kiểm dịch. Xã chỉ quản lý nhân khẩu. Chính vì vậy, hoạt động của các chủ lò, xã không nắm. Một dân bản địa than thở: “Có sáng họ thả ngựa đi ăn cỏ. Cả đàn trăm con chạy dọc quốc lộ. Náo loạn cả. Phân ngựa vãi la liệt”.

Mỗi ngày Bình Đà cung cấp 4 - 6 tấn thịt cho Hà Nội. Lượng ngựa giết mổ mỗi ngày hơn trăm con. Nước thải từ làm thịt ngựa tuồn ra mương. Do không có khu giết mổ tập trung, biệt lập với khu vực sinh hoạt, chuyện dân xóm thức dậy vì tiếng kim khí, tiếng ngựa hý, tiếng la hét của đồ tể, thành cơm bữa. Xã cũng không giải quyết vì “không có ai gửi ý kiến hay phản ánh bức xúc lên xã cả” - Phó Chủ tịch Đông nói.

50% dân làng nghề mắc bệnh về hô hấp, 15% dân mắc bệnh ngoài da. Một làng nghề giết mổ gia súc lâu đời như Phúc Lâm (Bắc Giang), Văn Thái (Hải Dương), các dịch bệnh thường xuất hiện sau mùa lụt là sốt xuất huyết, đau mắt hột, đau mắt đỏ, viêm đường ruột, phụ khoa, ỉa chảy, đặc biệt là viêm đường hô hấp ở trẻ em.

Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm khuyến cáo, thực phẩm nhiễm bẩn có tác hại nghiêm trọng tới người sử dụng, có thể gây nhiễm độc tiềm ẩn như gây ung thư, rối loạn chức năng, vô sinh, đến bệnh mãn tính và cấp tính như rối loạn tiêu hoá, rối loạn thần kinh và ngộ độc.

Xã Bình Minh rộng hơn 4 km2 với khoảng 2.700 hộ, gần 13.000 nhân khẩu. Từ sáng sớm, những chiếc công nông chất hàng cao 3-4 mét lừng lững giữa làng, phành phạch phun khói đen. Nhà nọ xẻ gỗ ầm ầm làm mộc. Nhà khác eng éc tiếng lợn đòi ăn. Đi dọc đường làng, phân trâu bò, ngựa, xác chuột chết vương vãi. Những mảng ao bèo lẫn với váng đục và rác. Rác chất đầy trong những ngôi nhà đổ nát. Nghề nông nay là nghề phụ. Người ta không còn ủ phân bón ruộng nữa. Mùi xú uế của rác, phân trâu bò bốc lên. Mùi hôi tanh từ lò mổ cũng góp phần làm bầu không khí thêm ngột.

Ông Đông trần tình, xã cũng bắt đầu chú ý giải quyết ô nhiễm nhưng “lương cho cán bộ xã còn nợ bốn tháng nay chưa trả, chi phí đâu cho xử lý ô nhiễm môi trường”. Với những hộ thu nhập cao như các lò mổ, cửa hàng dịch vụ, đóng góp cho xã cũng chỉ nằm trong khoản tiền lao động công ích 2000đ/tháng/hộ. Xã mới hoàn thành hệ thống dẫn nước thải. Còn những đống rác, phải chờ thật đầy xã mới thuê xe chở một lượt. Vậy là cứ dai dẳng vài ba tháng, ông đi qua bà đi lại bịt mũi nín thở.

Là một đầu mối cung cấp thịt trâu, bò, ngựa cho Hà Nội nhưng an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được. Các đợt kiểm dịch thường thưa thớt. Một cán bộ kiểm dịch thừa nhận kiểm dịch cho hàng tấn thịt hàng ngày là khó khăn vì thiếu đủ thứ. Xảy ra sự cố về vệ sinh thực phẩm, không biết ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm?  

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.