Từ Phố Bolsa đến Việt Nam

Nhà báo Vũ Hoàng Lân tác nghiệp tại thủ đô Washington dịp Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, 1/2017.
Nhà báo Vũ Hoàng Lân tác nghiệp tại thủ đô Washington dịp Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, 1/2017.
TP - Còn nhớ cách đây 6 năm, khi lần đầu tiếp xúc với đoàn nhà báo người Việt tại Mỹ được mời về Việt Nam tham dự hội nghị, hầu hết mọi người đều có chút e ngại báo chí trong nước. Riêng nhà báo Vũ Hoàng Lân, ông chủ của Phố Bolsa TV cởi mở kể mọi chuyện cho tôi nghe. Ðó cũng là một phần tư liệu cho bài viết "Làm báo Việt trên đất Mỹ" đăng trên trang nhất Tiền phong Chủ nhật hồi tháng 9/2011.

Tôi vẫn nhớ mãi câu nói hóm hỉnh, sâu sắc của nhà báo Vũ Hoàng Lân khi chia sẻ về nghề báo: "Làm báo ở Mỹ có thuận lợi là họ chấp nhận nhiều xu hướng khác nhau, coi trọng xu hướng phát triển riêng. Tuy nhiên, nghề báo ở Mỹ cũng không phải là nghề dễ kiếm tiền. Vì thế nó không thu hút lực lượng trẻ. Cánh báo chí ở Little Saigon thường nói vui rằng, ghét đứa nào thì rủ nó đi làm báo".

Ðiều đó cho thấy sự khắc nghiệt của nghề báo, nhưng càng dấn thân vào thì càng khó "thoát ra". Trường hợp đó cũng đúng với nhà báo Vũ Hoàng Lân và kênh truyền hình trên mạng Phố Bolsa TV, với duy nhất một người thực hiện. Một mình anh kiêm  người dẫn chương trình, người biên tập, ghi hình, xuất bản. Anh vẫn luôn tự trào kênh truyền hình của mình là "one man band" (ban nhạc một thành viên, ngụ ý là tòa soạn một người).

Tòa soạn một người

Vũ Hoàng Lân sinh ra tại Vũng Tàu. Trước khi sang Mỹ năm 1991, anh đã từng theo học Ðại học Mỹ thuật TPHCM, đã từng tham gia nhóm họa sỹ biếm của báo Tuổi Trẻ Cười. Sang Mỹ, đi học lại và tốt nghiệp ngành Mỹ thuật, anh cũng làm đủ nghề để kiếm sống như thiết kế đồ họa, quảng cáo cho một số công ty Mỹ. Cuối cùng, đam mê làm báo vẫn cuộn chảy trong anh, dù anh trở lại với nghề báo hơi muộn, khi đã ngoài 40 tuổi.

Năm 2010, chỉ với 10.000 USD ban đầu, anh đã  mua máy quay, máy dựng, microphone chuyên dụng và thuê đường truyền Internet để gây dựng Phố BolsaTV.

Thời gian đầu, cứ có được đồng nào, anh lại đầu tư nâng cấp trang thiết bị. Anh Lân cho biết, nếu không có đam mê thì dù có bạc triệu cũng chưa chắc làm được.

Sở dĩ anh lấy tên Phố Bolsa TV vì  Bolsa Avenue là con đường huyết mạch tập trung rất đông người Việt và các cơ sở thương mại của người Việt ở Little Saigon, thuộc quận Cam, bang California. Vũ Hoàng Lân hy vọng kênh truyền hình của mình phản ánh đời sống của người Việt ở đây một cách chân thực nhất cũng như đưa những tin tức chính xác, đa chiều ở trong nước tới cộng đồng người Việt.

Với nỗ lực cá nhân, anh Lân cho biết, số lượng lượt xem và người đăng ký vào kênh Phố Bolsa TV rất đáng khích lệ so với những kênh tương tự. Hiện nay tổng số lượng lượt xem đã vượt quá 213 triệu, và số lượng đăng ký đã trên 237 ngàn người. Trong số đó, khoảng 55% là khán giả từ Việt Nam, 30% từ Mỹ, và số còn lại từ nhiều nơi khác như châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, Thái, kể cả từ các nước ở vùng Trung Ðông hoặc châu Phi.

Hồi đó, những nhà báo trong cộng đồng người Việt được mời về nước đưa tin là một sự kiện chấn động. Một số người cho rằng các nhà báo này bị Nhà nước Việt Nam "mua chuộc". Những nhà báo trở về Việt Nam bị tẩy chay. Nhưng rồi thời gian trôi qua, những chuyến đi về thường xuyên, liên tục, với những thông tin "mục sở thị", trung thực, công bằng, khiến nhiều người thay đổi dần cách nhìn nhận. Thậm chí, giờ đây có nhiều người Việt còn hóng đợi thông tin từ Việt Nam qua những chuyến trở về tác nghiệp của các nhà báo Việt tại Mỹ như anh Vũ Hoàng Lân. Ðó là những tin tức nóng hổi, cập nhật từng giờ từ ngay trong Ðại hội Ðảng CSVN, là cuộc phỏng vấn ngay tại tư gia nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, phỏng vấn trực tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, là phóng sự chân thực từ những chuyến đi thăm quần đảo Trường Sa, là cuộc trò chuyện giữa hai nhiếp ảnh gia ở hai đầu chiến tuyến Nick Út và Chu Chí Thành, đó là cuộc phỏng vấn cô bé dân ca Phương Mỹ Chi khi cuộc thi Giọng hát Việt nhí vào giai đoạn căng thẳng nhất...

Mang kỷ vật Trường Sa, Hoàng Sa về Bolsa

Là một trong số ít những nhà báo Việt kiều có ba lần may mắn được tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa. Anh nhớ nhất là chuyến đi Trường Sa năm 2014, với trưởng đoàn là ông Nguyễn Thanh Sơn, lúc đó  là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người nước ngoài. Ðây là chuyến đi thú vị khi trong số khách mời trên tàu có mặt. Một số người từng ở phía Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Anh đã trò chuyện với bà quả phụ của trung tá VNCH Ngụy Văn Thà, Hạm trưởng chiến hạm Nhật Tảo đã bị Trung Quốc bắn chìm năm 1973 khi Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Anh cũng  đã  phỏng vấn những cựu sĩ quan VNCH, những Việt kiều từ Ðông Âu, Tây Âu, Nhật Bản...

Ở mỗi đảo, anh không quên tìm nhặt vài viên đá mang về làm kỷ niệm, và làm quà tặng cho một số bạn bè, đồng nghiệp ở quận Cam. Có lần, ngồi ngắm nghía, sắp xếp các viên đá, anh sắp những viên đá thành hình bản đồ Việt Nam, chụp lại rồi chia sẻ trên trang mạng và được nhiều người tâm đắc.

Từ Phố Bolsa đến Việt Nam ảnh 1 Tại vùng biển Hoàng Sa nơi xuất hiện giàn khoan HD 981 của Trung Quốc, 6/2014.

Chuyến đi Hoàng Sa trong đợt Trung Quốc kéo giàn khoan 981 xâm phạm lãnh thổ Việt Nam cũng là những kỷ niệm không bao giờ quên với nhà báo Vũ Hoàng Lân. Anh kể: "Thời tiết lúc ấy rất nóng, và mỗi người chỉ được một không gian rất nhỏ để ngủ. Chỉ đủ để xoay người chứ không đủ để duỗi thẳng tay chân. Sóng nhồi tàu liên tục nên dễ bị chóng mặt và buồn nôn. Tôi và những người trong đoàn, đa số là nhân viên và lãnh đạo của lực lượng Kiểm ngư VN, đã thay đổi từ tàu này qua tàu khác đến 5-6 lần. May mắn là chưa phải đụng độ trực tiếp với các tàu của Trung Quốc bao quanh giàn khoan 981 lúc ấy. Nhiều lần ở khoảng cách khá gần, các tàu Trung Quốc đã phát loa yêu cầu lùi ra xa để tránh đụng độ. Một số chiếc tàu tôi đi, trước đó đã có đụng độ trực tiếp với tàu Trung Quốc, bị họ phun nước vỡ toang nhiều chỗ. Tôi nhặt một số mảnh kiếng, bóng đèn vỡ, mang về Mỹ. Nhờ vậy nhiều người đã có dịp xem tận mắt những chứng tích này, và phần nào hình dung được độ căng thẳng ở hiện trường trong thời gian đó".

Nhiều kế hoạch phát triển Phố BolsaTV sẽ được nhà báo Vũ Hoàng Lân triển khai trong thời gian tới. Nhiều mảng đề tài anh ấp ủ từ lâu nay sẽ có dịp thực hiện như việc làm cầu nối giới thiệu hàng Việt chất lượng cao ra các nước Bắc Mỹ và châu Âu. "Còn nhiều lắm những đề tài cần được truyền thông, để người Việt sống ở những nơi chốn khác nhau, ở những hoàn cảnh khác nhau, có thể hiểu nhau hơn, gần nhau hơn", Vũ Hoàng Lân nói.

Nhưng rồi thời gian trôi qua, những chuyến đi về thường xuyên, liên tục, với những thông tin "mục sở thị", trung thực, công bằng, khiến nhiều người thay đổi dần cách nhìn nhận. Thậm chí, giờ đây có nhiều người Việt còn hóng đợi thông tin từ Việt Nam qua những chuyến trở về tác nghiệp của các nhà báo Việt tại Mỹ như anh Vũ Hoàng Lân.

MỚI - NÓNG
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
Đề xuất miễn thuế để đưa cổ vật về nước
TPO - Nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng cơ chế về thuế hiện nay đang gây khó khăn trong việc hồi hương cổ vật. Theo đó, nhiều chuyên gia đề xuất miễn thuế hoàn toàn để mở rộng con đường hồi hương cổ vật. Đây là thông tin được đưa ra tọa đàm góp ý Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày 28/3.