Từ tâm ký giả

Trần Đăng Tuấn trong một chuyến lên vùng cao. Ảnh Chương trình CCT
Trần Đăng Tuấn trong một chuyến lên vùng cao. Ảnh Chương trình CCT
TP - Chắc giờ vẫn chưa nguội lẫn nguôi sự kiện nhà báo TS Trần Đăng Tuấn, xin nghỉ chức Phó Tổng GĐ Đài Truyền hình T.Ư. Chợt nghe tiến sĩ từ quan cộm mặt bằng công luận một thời bởi trước đó chưa hề có tiền lệ. 

Vậy ông TS đi đâu sau nghỉ viết đơn xin được thôi chức ấy? Nghe nói ông về hẳn chỗ AVG đầu quân cho Truyền hình An Viên? Thì chắc lại cũng những mảng miếng thủ thuật nghề chế phát hình được luyện tinh khéo hơn của một tay nghề cộm cán Trần Đăng Tuấn? Nhưng nghe vậy mà không phải vậy! Hình như cũng có ngồi với nhau đấy nhưng cả ngạch lẫn nghề truyền hình An Viên chẳng dung, không chọn được cỡ Trần Đăng Tuấn thì phải? Rồi đường ai nấy đi.

Đó là một ngày thu năm 2011. Hai nhà báo kiêm đạo diễn Phạm Ngọc Tiến và Thùy Linh vốn chỗ quen biết cùng lò truyền hình rủ Trần Đăng Tuấn đi chơi Suối Giàng. Phút cuối Phạm Ngọc Tiến bận việc đột xuất chỉ có Tuấn và Thùy Linh lên. Ấn tượng của chuyến đi là chứng kiến những bữa cơm của các cháu một trường tiểu học nội trú người Mông. Chỉ nhõn mỗi muối trắng với cơm. Canh là nước suối hòa muối. Bữa khác thì thức ăn cũng chỉ rau rừng. Hỏi chuyện các cô giáo thì được biết chỉ khoảng 18 triệu một tháng chi dùng cho lớp nội trú thì các cháu sẽ có chút thịt. Nhưng khi ấy không có chế độ phụ cấp cho các cháu lớp 3, lớp 4 này! Bao nhiêu cảm hứng du ký của một chuyến đi mạn ngược thui chột chung chiêng… Tuấn, Linh về bộc bạch với Tiến. Ngậm ngùi, cả nhóm viết câu chuyện ấy đăng trên Blog của Tiến. Khi ấy Trần Đăng Tuấn chưa mở Blog.

Một thứ như cổ tích đã xuất hiện. Chỉ một đêm, vâng chỉ qua một đêm, cỡ ngàn like của bạn dọc từ khắp nơi tới tấp ập về. Trong đó có không ít những người hảo tâm tự nguyện góp chút tiền với các cháu học sinh nội trú Suối Giàng. Tính vội số tiền ấy đã hơn 200 triệu!

Một cuộc ngồi vội trước tình thế ấy. Nhà văn đạo diễn Phạm Ngọc Tiến với chất giọng vốn có thống thiết rằng cả đời viết kịch bản làm đạo diễn của mình làm sao mà nghĩ mà sáng tác ra được một trạng huống ấy? Chất giọng điềm tĩnh cố hữu của Trần Đăng Tuấn rủ rỉ rằng, hóa ra cái dư địa thiên lương của người Việt mình hẵng đang còn hoang hóa chưa khẩn hoang hết? Cứ gì báo chí phải nhăm nhăm vào những vụ việc động trời này khác thì mới thu hút bạn đọc? Phụ nữ bao giờ cũng nhạy cảm hơn. Đạo diễn Thùy Linh chao chát liệt kê ngay ra những nhiêu khê của việc phủ sóng chuyện tử tế này. Liệu phải trám thế nào cho xuể những tình huống phát sinh? Sẽ phải tiêu tốn bao thời gian cho những việc không tên vv… Nhưng chất giọng người đẹp thoắt trở lại nhuần nhị như khi viết lời thoại rằng có hàng trăm ký giả chúng ta đã thấy đã viết về thực trạng các cháu vùng xa vùng cao trong sinh hoạt học tập. Đã kêu, đã phải đề nghị thế này thế khác. Thay vì góp một tiếng kêu thì ta hãy làm một cái gì đi. Thà thắp lên một que diêm nhỏ nhoi lên hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối!

Tiếp đó bàn những việc cụ thể. Cả nhóm nhất trí phải nhân rộng cái chuyện bất ngờ này lên.

Còn nhân như thế nào thì chưa nghĩ ra. Thì đi hỏi, mời cố vấn. Chóng vánh như đặt cái tít cho bài báo nào đó, tên gọi chương trình cơm có thịt (CCT) được nảy ra. Nhưng lộ trình thực hiện để được chuẩn chỉnh như bây giờ là cả một sự vất vả, đôn đáo. Xin biên ra chút trích đoạn.

Từ tâm ký giả ảnh 1 Một bữa ăn ở trường nội trú Tủa Chùa

Hãy cùng chúng tôi chọn người - chọn nơi để thương, để yêu, để sẻ chia. Và đó là những em nhỏ vùng cao ngoan hiền, đang sống ở những nơi nghèo khó, giúp các em bớt chật vật hơn khi tới trường. Hãy cùng cảm nhận niềm vui, hạnh phúc với các em bằng những đóng góp nho nhỏ - ít thôi nhưng đều đặn. Yêu thương bao giờ cũng có đủ cho tất cả mọi người. Sự yêu thương mà chúng ta cho đi là sự yêu thương mà chúng ta giữ mãi được cho mình.

Đối tượng là HS nghèo có hoàn cảnh khó khăn chủ yếu là vùng cao. Các trường hợp HS gặp khó khăn đặc biệt. HSGV nhân dân vùng thiên tai vùng gặp khó khăn đột xuất. Mục đích là cải thiện điều kiện vật chất, tinh thần để học sinh vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn đi học thường xuyên, kết quả học tập tốt hơn. Kết nối cộng đồng trong hoạt động thiện nguyện. Hỗ trợ tiền để bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn tại các trường vùng cao đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ việc xây dựng phòng học. Ký túc xá bếp ăn đồ dùng vật dụng học tập cần thiết cho HS các phương tiện nâng cao đời sống tinh thần của HS GV vùng cao.

Trụ sở chính tại Hà Nội và mạng lưới tình nguyện trên cả nước và nhiều quốc gia. Các hình thức ủng hộ quỹ gồm: Cộng đồng ủng hộ; Quỹ từ thiện độc lập là đối tác thường xuyên; Các cá nhân ủng hộ... Chủ tịch điều hành Hội đồng quản lý: Nhà báo Trần Đăng Tuấn; Chủ tịch danh dự: GS. Ngô Bảo Châu; Ban GĐ Quỹ điều hành công việc thường xuyên tại VP Quỹ.

Hệ thống tổ chức biên ra hoành tráng thế, nhưng tôi loáng thoáng biết chỉ chưa đến 10 người! Vậy mà họ tổ chức phân công nhau lặng lẽ gánh một khối lượng việc không nhỏ. Cuối áp Tết dương lịch năm ngoái, Trần Đăng Tuấn bận túi bụi việc đi bán lịch bàn. Đã từng đi bán lịch bán báo kiếm thêm những năm xa khốn khó nên tôi biết việc này là cả một sự đày ải. Nhưng hóa ra Tuấn biết cách, có cách. Lịch không phải bày ra sạp cụ thể nào đó mà những email những phone cùng các mối quan hệ được ráo riết huy động.

Cơm Có Thịt giới thiệu 2 bộ lịch bàn (mẫu ảnh phong cảnh và mẫu ảnh trẻ em vùng cao), và 1 bộ lịch treo tường (mẫu ảnh phong cảnh vùng cao). Giá lịch ủng hộ vẫn như mọi năm là: 50.000 đồng/cuốn. Với mức giá này, mỗi cuốn lịch doanh nghiệp/đơn vị đã dành ủng hộ cho trẻ em vùng cao 30.000 đồng. 

Tuấn cho biết thêm, trong cả một năm hoạt động của Cơm Có Thịt, dự án Lịch cuối năm là lớn nhất và được tất cả mọi thành viên trong Quỹ dồn toàn lực vào để hoàn thành. Mỗi cuốn lịch bán ra, người mua sẽ đóng góp được 5 bữa ăn cho học sinh nghèo vùng cao.

Khó tưởng tượng một Trần Đăng Tuấn từng ngồi quan chức này khác mà chẳng nề hà dù việc mọn cốt sao gây thêm chút tiền cho Chương trình CCT và Quỹ học trò nghèo vùng cao. Anh cùng họa sĩ Lê Thiết Cương phối hợp việc bán đấu giá tranh theo di huấn của một họa sĩ đã quá cố. Rồi lọ mọ tổ chức các buổi hòa nhạc, ca nhạc để gây quỹ vì trẻ em vùng cao. Những việc tử tế có sức lây lan nhanh thành phong trào rộng khắp. Con số Quỹ nay đã đạt vài trăm tỷ. Mỗi năm chi dùng vài chục tỷ. Những việc âm thầm của Chương trình CCT đã tác động tới bộ phận cầm chịch chính sách như một sự nghĩ lại, kịp thời điều chỉnh những điều bất hợp lý. Như việc thay đổi chính sách chế độ đối với các cháu lớp 1 đến lớp 4 các trường nội trú chẳng hạn. Mừng là chương trình CCT cũng như Quỹ học trò nghèo vùng cao đã được Bộ Nội vụ cấp phép hoạt động nhằm mở rộng việc huy động tối đa lòng nhân ái của một tổ chức từ thiện hợp pháp. 

Chương trình CCT đã dần được phủ sóng vượt qua phạm vi biên giới lãnh thổ Việt Nam, lan tới nhiều nước khác, nơi có những người con Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc, mà trái tim luôn hướng về quê hương. 

Đến nay Cơm có thịt đã được hưởng ứng tại các quốc gia như Australia (Tháng 8 năm 2012), Phần Lan, Thụy Điển (Tháng 9 năm 2012), Mỹ (Tháng 10 năm 2012) và giờ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada, Bỉ, Hungari, Singapore…

Chợt nhớ năm ngoái bận nên tôi đành nhỡ hẹn với PV Hoàng Thiên Nga, Trưởng Ban đại diện Tây Nguyên mời vô dự chương trình CCT lần đầu được triển khai ở Tây Nguyên do báo Tiền Phong triển khai. Sự kiện 102 học sinh lớp Một của trường tiểu học Kim Đồng (xã Ia Tul, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã được dùng bữa “Cơm Có Thịt” đầu tiên. Nhờ vậy mà các cháu được nghỉ trưa tại trường để chiều học tiếp chương trình bán trú.

…Bữa mới rồi gặp Trần Đăng Tuấn tại buổi hội thảo Chuyển đổi số và cơ hội phát triển trong nền kinh tế số do Hội Truyền thông Số Việt Nam tổ chức. Vẫn một Trần Đăng Tuấn sắc sảo luôn cập nhật thời sự lẫn thời cuộc. Có vẻ chẳng có chút gì lạc lõng khi nhiều năm qua từng chia lòng chia trí vào cuộc chơi (không biết đã là cuối đời chưa?) hơi bị hoành tráng. Tôi đặt tay lên vai ông chủ tịch CCT, thử ướm một câu thẳng băng. Này đến thời điểm bây giờ trong sâu thẳm có ân hận chút gì không khi buông chức Phó mà chỉ dưới một người trên mấy ngàn người cùng bao thứ bổng lộc không tên khác?  Vẫn cái cười kín đáo, Trần Đăng Tuấn lắc đầu, hình như cái số của tôi nó phải vậy. Nhưng cái lãi của mình là được bận bịu một cách có lý. Bập vào việc, lắc lư gập ghềnh trên những cung chặng miền ngược nhưng lòng mình nó cân bằng, yên tĩnh…

Chưa gặp lại yếu nhân chương trình CCT ông Chủ tịch danh dự Ngô Bảo Châu nhưng với  đạo diễn Phạm Ngọc Tiến thì mới đụng bữa qua. Mải mốt tất tả ngược xuôi với ông chủ tịch CCT Trần Đăng Tuấn với chức cố vấn danh dự Chương trình CCT Phạm Ngọc Tiến đâu có buông nghề đạo diễn? Bằng cớ là 35 tập một serie phim về đề tài chống tham nhũng như Tiến bật mí là hot hơn cả Chuyện làng Nhô hơn cả Lão Quềnh… đã bấm máy được vài tập.

MỚI - NÓNG