Từ tay trắng lập đội tàu

Anh Trần Công Tăng bên máy dò ngang lắp đặt trên tàu cá
Anh Trần Công Tăng bên máy dò ngang lắp đặt trên tàu cá
TP - Có ngư dân miết mải 5 năm trường xuôi vào Nam tìm đường học nghệ, về lại quê hương mua tàu ra biển lớn rồi… trắng tay. Anh lại vào tận Kiên Giang, Bạc Liêu tiếp tục rong ruổi giữa muôn trùng sóng khơi cho đến ngày hưng thịnh nghiệp biển.

Đó là Trần Công Tăng. Anh đã thành lập được đội tàu 3 chiếc ra khơi mỗi năm đem về hàng tỷ đồng cho gia đình và là chỗ dựa cho hàng chục lao động theo nghề biển của địa phương.

Hành phương Nam

Trần Công Tăng còn rất trẻ. Anh sinh năm 1975, ở làng biển Hòa Bình của xã Tam Hòa (Núi Thành, Quảng Nam). Vóc dáng chắc, khỏe. Giọng nói nồm nồm như gió biển vít qua. Đôi mắt vòi vọi lúc nào cũng như đang… dò tìm “ray” biển an toàn nhất cho tàu cá. Chỉ thoảng qua thôi là đã đoán chắc cuộc đời gắn anh với biển.

“Hỏi anh hả? Ai giới thiệu vậy? Mà hỏi anh có việc chi không?”, anh đã “gắt gỏng” với tôi như vậy khi đang lò dò bước qua đụn cát dài để ra bến sông - nơi tổ hợp tàu của anh đang neo đậu. Tôi lấy làm lạ là tại sao qua bao nhiêu năm ăn ở miền Nam mà cái chất Quảng của anh vẫn sền sệt như vậy.

Anh bảo: “Thì ai cũng biết, bao đời nay, nghề biển của Tam Hòa chỉ ngày đêm quẩn quanh ven bờ, có ra biển lớn được đâu. Vậy thì muốn thay đổi cuộc sống chỉ có cách là học nghề mới, tích lũy vốn rồi tậu tàu vươn khơi xa. Đó phải chăng là con đường đi đang đợi mình phía trước”.   

Năm 1993, Trần Công Tăng cầm 650 nghìn đồng vào Cà Ná (Ninh Thuận) để thực hiện khát khao bám biển. Những ngày đầu của anh nơi đất khách quê người thật gian truân. “Rồi cũng quen thôi, trước lạ sau quen mà. Mới vô, mình lang thang khắp các bến bãi xem thử nghề biển ở đây độc đáo thế nào.

Thời gian đầu người ta cũng dè chừng nhưng gặp riết, thấy dễ gần, dễ mến nên nhận đi “bạn”. Vậy là có công ăn việc làm hẳn hoi. Điều cần thiết là phải biết thích nghi thế nào để thực hiện ước vọng”, anh Tăng vừa kể vừa hề hà. 

Năm 1998, Trần Công Tăng về quê mang theo nghề lưới rê mới học được và… cô vợ vừa mới cưới. Ngay sau khi ra mắt gia đình, anh Tăng bắt tay thực hiện dự định đã ấp ủ tự bấy lâu.

“Sau 5 năm tích lũy, với đồng vốn có được không nhiều nhặn gì tôi vay mượn của bà con khắp xóm, mua ngay chiếc tàu 90CV của người anh họ đã nằm bờ bấy lâu. Thế chấp con tàu, tôi vay vốn đầu tư mua lưới, máy tời kéo lưới để ra khơi với nghề lưới rê học được”, anh Tăng nhỏ nhẹ.

Chuyến biển đầu tiên, ra đến đảo Cù Lao Chàm, anh cho tàu xa thêm chừng 30 hải lý. Chong đèn sáng rực, anh cùng 5 người “bạn” thả đều những sải lưới dài, sâu đến 100m. Anh Tăng lái tàu chạy vòng tròn vây cá. Sau cả tiếng đồng hồ, công việc bủa lưới xong.

“Chuyến đó bội thu, ắp đầy cá thiều, cá ngừ, cá nục. Chủ tàu được hơn 50 triệu, người đi “bạn” cũng được 10 triệu. Ai cũng hân hoan. Vậy mà… ham đi biển quá mà chiếc tàu lại mỏng, công suất nhỏ nên đã mãi nằm lại đáy biển khi cơn lốc kéo qua. May mà chúng tôi thoát chết nhờ các tàu gần đó kịp đến giải nguy”, anh Tăng kể.

Lập được đội tàu

Tay trắng lại hoàn trắng tay. Một lần nữa, anh Tăng lại dắt díu vợ con vào Nam sinh kế. Miệt mài kiếm sống như con còng xe cát biển Đông, mong lập nghiệp mà niềm vui ngắn ngủi chưa tày gang. Một thời gian dài, vợ chồng anh bấu víu tại Cà Ná tằn tiện qua ngày còn dôi đồng nào thì tích lũy. Nghe theo nhắn gửi của người thân quê vợ, anh vào Kiên Giang rồi miết mải Bạc Liêu như sóng cuốn.

“Lạ cái nghề biển. Lưới trông na ná vậy mà khác… một trời một vực. Ở Bạc Liêu cũng có lưới rê nhưng khác với Ninh Thuận từ mắt lưới, cách thả theo con nước cho đến ngư trường đánh lưới. Tập quán sản xuất khác nhau ở các vùng miền đã giúp mình chọn lọc, tổng hợp được cách khai thác hợp lý đem lại hiệu quả cao nhất sau này”, anh Tăng nói. 

Từ tay trắng lập đội tàu ảnh 1 Đội tàu cá của anh Trần Công Tăng tại khu neo đậu

Trần Công Tăng cho biết, từ việc vận dụng đủ kiểu đánh bắt, anh đã “chế tác” được cách khai thác mới: lưới rê hỗn hợp, gọi tên dân dã là lưới bùng nhùng. Ưu điểm của lưới này so với nghề cản, rê 3 lớp mà anh đã từng hành nghề là thời gian đi biển có thể thu hẹp còn từ 5 - 7 ngày. Số lao động cũng chỉ hạn mức từ 5 - 7 người nhờ đó mà chi phí nhiên liệu thấp, khoảng từ 10 - 15 triệu đồng/chuyến biển.

“Nghiệp biển đòi hỏi phải năng động, biết thích nghi với từng điều kiện sản xuất. Mình đã tích lũy được nghề mới và đã thử nghiệm được tính hiệu quả ban đầu thì sao không làm chủ nghề mới ấy? Vậy là lại quyết định về quê, vốn liếng dành dụm chưa được nhiều thì vay mượn thêm”, đôi mắt anh Tăng ngời lên theo giọng quả quyết.

Về lại quê hương năm 2008, ngoài vốn liếng dành dụm, anh vay mượn thêm để đóng mới chiếc tàu QNa 90208 có công suất 180CV. Với lưới bùng nhùng như cách gọi dân dã của mình, mỗi năm anh Tăng đánh bắt được 25 - 35 chuyến biển thu được hàng tỷ đồng mỗi năm.

Nghề này khai thác quanh năm, cho sản lượng lớn mà cá thu, cá ngừ lại được giá nên chỉ trong 5 năm bám biển liên tiếp, anh Tăng đã thành lập được đội tàu 3 chiếc: QNa 90208, QNa 90207 và QNa 90406 đều có công suất 180CV.

Hào sảng, nghĩa trượng

Nghe tôi hỏi: “Điều gì quyết định thành công của mỗi chuyến biển?”, người đàn ông sắp bước sang tứ tuần cười khà rồi dứt khoát: “Bạn biển”. Anh lý giải, mình sở hữu những 3 chiếc tàu, đâu thể phân thân có mặt cùng lúc trên cả 3 tàu. Máy móc thì có thể ai cũng điều khiển được chứ người đi “bạn” thì họ chỉ làm tốt nhất trong điều kiện thoải mái thôi. Vậy nên, phải đảm bảo đời sống cho “bạn” tốt nhất thì rồi hãy trông chờ hiệu suất làm việc cao của họ. 

Nghề biển hằng tiềm ẩn yếu tố thất thường. Có khi gặp được luồng cá nổi lớn thì thu được sản lượng cao chứ khi “lạc” ngư trường thì thất thu. Mỗi chuyến biển của gia đình anh Tăng có thể thua lỗ chứ người đi “bạn” thì tuyệt nhiên không.

Các chủ tàu khi bán sản phẩm xong thì khấu hao chi phí rồi sau đó mới chia chủ tàu được 6 phần, các “bạn” chia đều nhau trong 4 phần còn lại. Nhỡ chuyến biển thất thu thì cả chủ tàu và người đi “bạn” cùng chia nhau trả chi phí chuyến biển đó. Lẽ thường là vậy còn anh Tăng lại đặt ra cho mình cái quy định đến ngặt nghèo. Bất kể chuyến biển thu được bao nhiêu hải sản, khi bán xong, chia cho “bạn” số tiền tính theo “sàn” là 5 triệu/chuyến.

Nếu thấy còn dư thì khấu hao chi phí rồi sau đó mới chia theo cách: chủ tàu 50%, các “bạn” 50%. Với cách chia đó, mỗi người đi “bạn” nghiễm nhiên thu được ít nhất là 5 triệu đồng/chuyến biển. Nếu chuyến biển bội thu thì không có gì phải bấn bíu nghĩ ngợi chứ nhỡ thất thu thì chỉ riêng mình chủ tàu “gánh” hết.

“Tính trên đầu ngón tay, số nghề rủi ro hơn bám biển tất không nhiều. Mình là chủ tàu mình phải lo cho “bạn” trước. Mà tài sản, vật chất thì phù du lắm. Chẳng phải mình đã từng bị mất trắng con tàu đó sao? Phải biết quý trọng công sức của các “bạn” đã đóng góp giúp mình làm nên sản nghiệp là 3 chiếc tàu này”, anh Tăng rành mạch.

Tôi gặp anh Trần Công Tăng có duyên là nghe người dân Tam Hòa nhắc về anh với tấm lòng thơm thảo là mỗi năm đều dành tặng cho các gia đình nghèo ở đây những phần quà ý nghĩa vui tết.

Trong buổi chiều lộng gió ấy, tôi nhớ mãi cái dáng khật khừ của người đàn ông gần 40 tuổi - anh lò dò cất mỗi bước để qua chân trên từng đụn cát lớn. Anh tập tễnh từng bước chân không lành lặn mà làm nên nghiệp lớn. Cung cách thẳng thắn, cách nói không hề úp mở, cách ứng xử với đời sống của anh thẳng thơm như vậy… 

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.