Từ tháng 11, tăng giá 1.800 dịch vụ y tế

Bộ Y tế cho biết, cuối tháng 11 sẽ đồng loạt tăng giá khoảng 1.800 dịch vụ y tế. Ảnh: VietNamNet
Bộ Y tế cho biết, cuối tháng 11 sẽ đồng loạt tăng giá khoảng 1.800 dịch vụ y tế. Ảnh: VietNamNet
TP - Ngày 9/10, Bộ Y tế cho biết, cuối tháng 11 sẽ đồng loạt tăng giá khoảng 1.800 dịch vụ y tế. Các bệnh viện đồng hạng sẽ có chung một mức giá. Giá dịch vụ y tế mới chỉ áp dụng cho các bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), các đối tượng còn lại sẽ có hướng dẫn thực hiện chi tiết vào năm 2016.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) cho biết, Thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc dự kiến ban hành vào tháng tới.

Theo đó sẽ có khoảng 1.800 dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng giá theo 2 lộ trình: Từ cuối tháng 11, giá dịch vụ sẽ tính thêm phụ cấp đặc thù của cán bộ y tế; Từ 1/3/2016 tính đủ 4/7 yếu tố gồm chi phí trực tiếp và chi phí tiền lương.

Theo Thông tư mới giá dự kiến tăng trong năm 2015 bao gồm: Giá khám bệnh theo hạng BV; Giá ngày giường theo hạng BV và chuyên khoa. Các khoa chi phí nhiều như cấp cứu, Hồi sức sẽ được quy định cao hơn và giá dịch vụ kỹ thuật sẽ áp dụng chung cho các hạng BV.

Giải thích về điều này, ông Nam Liên cho hay, chi phí cho một kỹ thuật giữa các BV là như nhau. Nhưng trước đây các BV tuyến huyện thường bị quy định rất thấp, dẫn đến việc thu không đủ bù chi nên BV tuyến dưới không triển khai dịch vụ.

Ông Nam Liên cho biết, việc tăng giá này không khiến người bệnh phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá. Giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các BV triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, người dân sẽ được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn, đảm bảo công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người bệnh. Tính tiền lương vào giá sẽ góp phần dần từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ.

Đối với người có thẻ BHYT, tác động đến các nhóm có khác nhau. Cụ thể, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT là có lợi vì nhóm đối tượng thuộc diện được ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi khám chữa bệnh được BHYT thanh toán 100%, không phải chi trả thêm một số chi phí mà trước đây chưa kết cấu vào giá.

Đối với người cận nghèo đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT, hiện nay 40% đã có thẻ BHYT. Khi đi khám chữa bệnh, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% nên mức độ tác động không nhiều. Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì nếu chưa tính đủ giá, người bệnh phải trả thêm một số khoản chi phí, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm các chi phí này.

Mặt khác, từ 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở  thì chỉ phải thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ sở.

Trả lời câu hỏi Quỹ BHYT sẽ ra sao nếu giá dịch vụ y tế tăng, ông Liên cho hay hiện Quỹ đang có thể cân đối được hết năm 2017-2018 sau đó có thể điều chỉnh mức đóng. Mức đóng cho phép tối đa của Luật BHYT là 6% mức lương cơ bản, nên sẽ cân nhắc vấn đề này.

MỚI - NÓNG