Tự tử bằng lá ngón gia tăng

Tự tử bằng lá ngón gia tăng
Dược sĩ Ngô Kim Dũng, Giám đốc Bệnh viện Mường Lát, Thanh Hoá cho biết: Chưa hết quý I năm nay, bệnh viện huyện đã tiếp nhận 6 ca suy hô hấp cấp do ngộ độc lá ngón. So với năm 2008, hiện tượng ăn lá ngón tự tử có chiều hướng gia tăng.

Đối tượng chủ yếu là thanh niên đồng bào dân tộc Mông cư trú trên địa bàn huyện.

Ngoài một số ca phát hiện muộn đưa đến bệnh viện đã tử vong, mấy ngày qua bệnh viện huyện mới cứu sống được bệnh nhân Thao Thị Cân, 29 tuổi ở bản Kéo Hượn xã Nhi Sơn và  bệnh nhân Thao Thị Mỵ 27 tuổi ở bản Hua Pù, xã Pù Nhi trước lưỡi hái tử thần.

Qua tìm hiểu, các bệnh nhân ăn lá ngón tự tử chủ yếu vì tình và những mâu thuẫn thường nhật trong cuộc sống gia đình. Dù người thân trong gia đình, anh em họ tộc phát hiện sớm mâu thuẫn, tìm cách can ngăn, giải toả tâm lý cho các đối tượng nhưng không ít cặp vợ chồng, đôi lứa vẫn tìm đến cái chết.

Theo cán bộ đồng tộc công tác tại cơ quan cấp huyện, trong quan hệ gia đình truyền thống, con trai Mông rất ít khi nói nặng hoặc đánh vợ nhưng thời gian gần đây số cặp gia đình trẻ xảy ra xích mích có chiều hướng gia tăng, nhất là các trường hợp tảo hôn, lập gia đình sớm.

Thêm vào đó, trong quan niệm niệm truyền thống, đồng bào rất “xem nhẹ việc tìm đến thế giới bên kia”. Mặt khác, nữ con em đồng bào Mông được đi học đến nơi đến chốn rất ít.

Để ngăn chặn, giảm bớt tượng này, ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tập quán, tâm lý, lối sống lạc hậu; huy động già làng, trưởng dòng họ cùng tham gia giáo dục, thuyết phục con cháu, vấn đề lâu dài cần đẩy mạnh hơn nữa việc huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào Mông, nhất là đối tượng nữ đến lớp, đến trường.

Đưa nội dung giáo dục tình yêu, hôn nhân, gia đình vào học đường, nâng cao dân trí cho thanh thiếu niên dân tộc Mông hiện được xem là giải pháp triệt tiêu ẩn hoạ.

Theo Mai Luận
Nhân Dân

MỚI - NÓNG