Những người tù tôi gặp - Kỳ I

Tử tù hơn 4000 đêm trắng chờ ra pháp trường

Tử tù hơn 4000 đêm trắng chờ ra pháp trường
TP - Đặng Văn Thế mới đến trại giam số 6 ở xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An nhưng đã rất nổi tiếng. Nổi tiếng vì Thế có một lý lịch cực kỳ hy hữu: tử tù xuyên thế kỷ, 12 năm chờ chết.
Tử tù hơn 4000 đêm trắng chờ ra pháp trường ảnh 1
Đặng Văn Thế và cuốn nhật ký

Nhưng cuối cùng, Thế không bị đưa ra pháp trường mà được Chủ tịch nước ân giảm án từ tử hình xuống chung thân. Suốt buổi chiều, Đặng Văn Thế trò chuyện với tôi về con đường dẫn tới án tử hình, cuộc sống trong phòng biệt giam dằng dặc 12 năm trời.

12 năm sống trong sợ hãi

12 năm ngồi trong bóng tối của phòng biệt giam chờ chết - từng ấy có lẽ quá đủ để biến một thanh niên khỏe mạnh trở nên thân tàn ma dại, nhưng trước mặt tôi, Thế trông vẫn phong độ, vẫn nhớ rõ từng chi tiết quãng đời bão táp của mình.

Những người tù tôi gặp có quá khứ khiến nhiều người sởn da gà. Phóng viên Tiền Phong đã gặp những tù nhân ấy trước đợt đặc xá nhân Quốc khánh 2/9...

Đó là một ông trùm buôn ma túy như buôn muối; một giang hồ cộm cán giữa thanh thiên bạch nhật chỉ huy đàn em bắt người trái phép, đập tan hoang nhà một người xa lạ; một cử nhân kinh tế làm giấy tờ giả đưa người qua Mỹ, Hàn Quốc trót lọt; một kẻ xách tay thuốc phiện để rồi sau đó hơn bốn nghìn đêm trắng chờ chết...

Thế sinh năm 1974, quê xã Minh Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, sau đó chuyển về sinh sống ở huyện Con Cuông. Gia đình Thế có truyền thống về ma túy. Nhà có bốn anh em trai thì ba dính vào ma túy. Người anh cả chết vì nghiện hút, còn hai anh trai chịu án chung thân cũng vì buôn bán thuốc phiện. Chỉ còn mỗi Thế có vẻ không dính gì đến ma túy, cho đến một ngày...

“Cưới vợ được bốn mươi ngày, bố mẹ hai bên đều nghèo, của hồi môn chỉ là chiếc tay nải chứa mấy bộ quần áo. Với ý định sắm cho vợ một túp lều giữa chợ để bán hàng, em nhận làm phụ xe.

Ngày 15/8/1997, em lên ăn cưới ở Kỳ Sơn. Trên đường về,  em cùng phụ xe Nguyễn Tất Dũng nhận được đơn đặt hàng của một người Mông yêu cầu vận chuyển 20kg hàng hóa từ Kỳ Sơn xuống Đô Lương với giá hai triệu đồng. Thấy tiền, em và Dũng nhận lời ngay.

Khi xe đến Trạm Kiểm lâm Tương Dương,  Công an Huyện Tương Dương yêu cầu dừng xe. Công an phát hiện 20kg hàng hóa mà chúng em nhận vận chuyển là thuốc phiện. Chúng em bị bắt tại chỗ. Tại cơ quan điều tra em thật thà khai nhận hết”.

Nhưng Đặng Văn Thế đã rụng rời chân tay, khi nghe tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án tử hình đối với mình và Nguyễn Tất Dũng.  Suốt đời, Thế không thể nào quên được hình ảnh mẹ già 70 tuổi của mình gào khóc, quờ quạng tìm con trong vòng vây của cảnh sát. Đó là ngày 23/6/1998, một ngày khởi đầu cho 12 năm chờ chết. Một tháng sau, Nguyễn Tất Dũng bị thi hành án tử hình. 

Cảm giác chờ cái chết còn đáng sợ hơn cả chết, Thế thấm điều đó ngay từ những đêm đầu tiên ở phòng biệt giam. Âm thanh Thế sợ nhất là tiếng gót giày trong đêm của cán bộ trại giam, tiếng cửa sắt mở nghe rợn người.

Một khi cửa sắt mở vào sáng tinh mơ, gà chưa gáy là một tử tù sẽ từ giã cõi đời. Khi tiếng gà gáy rộ lên báo bình minh đến, Thế mới dám chắc mình sống thêm được một ngày. Vì thế, âm thanh mà Thế thích nhất là tiếng gà gáy sáng.

12 năm, không một đêm nào Thế ngủ. Tôi nhẩm tính 12 năm cũng là bốn nghìn ba trăm tám mươi đêm trắng chờ bị bắn (hay là được bắn?). Tôi cứ nghĩ đó là một thứ kỷ lục ở Việt Nam chăng?

Cứ đợi đêm này qua đêm khác, hết tử tù này đến tử tù khác lần lượt về thế giới bên kia, nhưng cán bộ thi hành án vẫn chưa mở cửa phòng giam Thế trong đêm. Chờ đợi trong tuyệt vọng, có những lúc Thế rơi vào hoảng loạn. Có lúc, không chịu nổi, Thế làm đơn xin được thi hành án sớm. 

Thế làm thơ viết về cái chết của mình: “Khi tôi chết không người thân đưa tiễn/Không bạn đời cũng chẳng có mẹ cha/Cánh rừng kia là nơi tôi an nghỉ/Không bóng người cũng chẳng tiếng tàu xe”.

Thơ, nhật ký và gia đình mèo trong phòng biệt giam

Phòng biệt giam cách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng Thế vẫn đón nhận từng dấu hiệu nhỏ nhất của cuộc sống. Một ánh sáng, một tia nắng mai hay cả tiếng người lọt vào cánh cửa sắt buồng giam cũng khiến Thế xúc động. Thế trải lòng mình qua những vần thơ và viết nhật ký:

“Ngày 25/7. Đêm mưa, đang ngủ mơ màng chờ gà gáy sáng thì tiếng giày vang lên, mình giật thót ngồi dậy chờ đợi. Tiếng giày bỗng dừng lại trước phòng mình, mình lạnh người vì biết thời điểm mình ra pháp trường đã đến.

Ngày 26/6/1998, TAND tỉnh Nghệ An tuyên án tử hình Thế. Ngày 23/6/2009, Thế nghe đại diện TAND, Viện KSND tỉnh Nghệ An tuyên quyết định ân giảm từ tử hình xuống chung thân của Chủ tịch nước.

Quyết định thi hành án chung thân đối với Thế và bản án được tính từ ngày 15/8/1997.

Vậy là Thế đã thi hành án được 12 năm, nếu thi hành án tốt Thế sẽ có cơ hội được giảm án và được trở về với xã hội.

Nhưng, bỗng cán bộ Sang ngó qua song sắt nói vọng vào: “Ngủ được không Thế, mưa có dột không để cho mượn nilông mà nằm cho đỡ ướt”. Mình chẳng kịp mừng vì chưa đến ngày chết, mà khóc vì đã lâu lắm rồi không ai quan tâm tới mình. Cán bộ đối với mình thật tốt”.

Còn đây là tâm trạng khi hay tin vợ đi lấy chồng: “Chị xuống thăm báo vợ xinh đẹp mấy tháng liền không liên lạc, không về thăm gia đình mình nữa. Vậy là cô ấy đã ra đi để tìm hạnh phúc mới.

Cưới nhau được một tháng chưa đủ quen hơi thì mình bị bắt, tương lai chẳng còn gì. Có gặp mình cũng khuyên cô ấy đi tìm người đàn ông khác. Mong vợ xinh đẹp sẽ có được cuộc sống bình yên”.

Một ngày nọ, có chú mèo khoang lạc vào phòng Thế. Thế xem mèo như  bạn quý, trích một phần cơm tù để nuôi. Mèo khoang ở lại buồng giam và được Thế đặt cho cái tên là Pháo tịt. Cái tên đó gợi nhớ ngày tháng êm đềm tuổi thơ khi cứ mỗi dịp Tết đến, Thế lại cùng với lũ bạn tranh nhau những quả pháo tịt.

Thế kể chuyện Pháo tịt trong nhật ký: “Sau ba tháng mang thai, đêm qua Pháo tịt cho ra đời ba chú mèo khoang. Để mẹ tròn con vuông, mình đã thức trắng đêm lo cho nó. Mình đặt tên cho ba con mèo là Xe, Pháo, Mã. Mình ôm những chú mèo con vào lòng và tự hỏi không biết mình chết thì gia đình mèo sẽ sống thế nào? Ai nuôi chúng?”.

Thế tâm sự với tôi về nỗi sợ trong phòng biệt giam, một nỗi sợ mà tôi không ngờ tới: “Trong tù, sợ nhất là nhớ mẹ. Mỗi lần nhớ mẹ tôi đều khóc. Mẹ thương tôi nhất vì tôi là con út, nhưng tôi gây quá nhiều đau khổ cho mẹ. Nhớ ngày Tết mẹ già nua xiêu vẹo đến thăm tôi, chẳng có gì ngoài quả ổi, quả chuối trong vườn.

Tôi ước một ngày được về ngôi nhà tranh của mẹ, giúp mẹ lợp lại mái nhà xiêu vẹo, trồng lại cho mẹ cây trầu đầu hiên đã chết. Lúc ở trại tạm giam, tôi có một ước nguyện là khi tôi chết xin đừng thông báo với mẹ việc tôi bị thi hành án, mà hãy nói là tôi đang thụ án ở một nơi rất xa”.

Nhưng ước nguyện đó đã không thành hiện thực vì Thế đã được xuống xiềng.

Xuống xiềng

Sau khi vào trại tạm giam ít lâu, cảnh sát điều tra liên tục gọi Thế lên. Thế lờ mờ cảm nhận đấy là cơ hội sống mong manh của mình nên khai báo hết sức thành khẩn, khai hết những gì mình biết. Từ lời khai của Thế hơn 40 đối tượng trong đường dây ma túy lộ diện.

Ngày 29/3/2003, Ban chuyên án có báo cáo kết quả điều tra cho lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và lãnh đạo các Cục nghiệp vụ. Tổng cục Cảnh sát đánh giá lời khai của Thế là khách quan, chính xác và có cơ sở. Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An đã đề nghị TAND tối cao, Viện KSND tối cao tiếp tục hoãn thi hành án tử hình đối với Đặng Văn Thế.

Ngày 23/6/2009. Thế sẽ không bao giờ quên được cái ngày đó. 8 giờ sáng, đang bưng bát mì tôm lên miệng, Thế giật mình khi cửa phòng biệt giam bật mở. Giám thị Nguyễn Duy Tỵ bước vào cầm lấy tay Thế: “Chúc mừng anh được “xuống xiềng”. Chủ tịch nước đã ký quyết định ân giảm án tử hình của anh xuống chung thân”.

Thế lặng đi, ngồi bệt xuống buồng giam, không nói được lời nào. Rồi Thế òa khóc như một đứa trẻ. 12 năm sống để chờ chết, giờ đây Thế thực sự đã được tái sinh. Thế không thể nào tả được cảm giác của mình lúc đó, cảm giác rất hỗn độn khi cảm xúc bị nén lại quá lâu, nay bỗng nổ bung…

Giờ đây, Thế đang cải tạo rất tốt ở trại giam số 6, một trại giam có khung cảnh đẹp. “Quyết định ân giảm của Chủ tịch nước đã sinh ra tôi lần thứ hai. Tôi sẽ cải tạo thật tốt để mong một ngày trở về tạ tội với cha mẹ, sống làm người có ích”, Thế nở nụ cười đầy sức sống và  tôi tin người tử tù chờ chết xuyên hai thế kỷ này sẽ có ngày về với ngôi nhà tranh của mẹ.  

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.