Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản vô giá

Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản vô giá
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội sáng nay 18-5, Tổng Bí thư khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản vô giá của Đảng và dân tộc ta. Giá trị thực tiễn cao đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh là ở chỗ gắn bó chặt chẽ với cuộc sống, nói đi đôi với làm.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) .

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm.

Tới dự có nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và TP Hà Nội, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội; đại diện các đoàn ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

Đọc diễn văn tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã ôn lại những cống hiến to lớn và ý nghĩa thời đại sâu sắc của tư tưởng, tấm gương, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa cũng như cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội ở Việt Nam và thế giới.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta". Công lao của Người với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam và dẫn dắt dân tộc ta tiến đến tương lai tươi sáng.

Nêu lên những biến đổi to lớn và sâu sắc của bối cảnh quốc tế, những thời cơ và thách thức đối với cách mạng nước ta, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: Đảng ta càng phải nắm vững, kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm bổ sung, hoàn thiện, phát triển đường lối của Đảng phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ lịch sử mới.

Đó là yêu cầu thiết thực cho việc chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Nắm vững, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết phải quán triệt đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Người đã chỉ ra cho cách mạng nước ta. Đây là tư tưởng chiến lược có ý nghĩa chỉ đạo về chính trị và lý luận, về nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam.

Tổng Bí thư nêu rõ: Để đáp ứng yêu cầu to lớn đó, Đảng ta cần thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng, làm tốt nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng, nhất là trước những tình hình, nhiệm vụ mới. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân của đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc.

Bởi vậy, Đảng ta phải luôn ghi nhớ và thực hành đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong Đảng; phải làm cho tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ thấm sâu vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong tổ chức, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất và thực hiện các nhiệm vụ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Bày tỏ niềm tự hào về những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân ta đã đạt được trong 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tổng Bí thư chỉ rõ: Để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở kiên định lập trường và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin, toàn Đảng, toàn dân ta cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và phổ biến rộng rãi hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới.

Toàn Đảng, toàn dân ta phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nắm vững quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của phong trào hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới, tăng cường hợp tác, góp phần hình thành một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng.

Mục tiêu tổng quát khi kết thúc thời kỳ quá độ ở nước ta là xây dựng xong về cơ bản nền tảng kinh tế của chủ nghĩa xã hội với kiến trúc thượng tầng về chính trị, tư tưởng, văn hoá phù hợp, tạo cơ sở làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phồn vinh. Từ nay đến khoảng giữa thế kỷ 21, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản vô giá của Đảng và dân tộc ta. Giá trị thực tiễn cao đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh là ở chỗ gắn bó chặt chẽ với cuộc sống, "nói đi đôi với làm". Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng ta quyết tâm thực hiện thành công, hiện thực hóa những di huấn của Người trong thực tiễn cuộc sống.

Tổng Bí thư kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sống, chiến đấu, lao động, học tập, làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa đất nước ta phát triển mạnh mẽ, bền vững, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nêu rõ: Năm 1987, đại hội đồng UNESCO đã thông nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng dân tộc và nhà văn hóa lớn của Việt Nam nhằm phổ biến tầm vóc lớn lao của lý tưởng và sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người.

Bày bỏ tình cảm ngưỡng mộ của mình với Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Katherine Muller Marin xúc động nói: Hôm nay, nhiều người trên khắp thế giới kỷ niệm ngày sinh của Người vì Hồ Chí Minh được coi là một biểu tượng nổi bật về tinh thần quả cảm của dân tộc, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước và nhân dân Việt Nam, qua đó góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Bà Katherine Muller Marin đã nêu bật những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các lĩnh vực hoạt động của UNESCO như văn hóa, bảo tồn di sản văn hóa, truyền thông, bình đẳng giới, môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giáo dục, ngoại giao... “ Hồ Chí Minh đã có những đóng góp to lớn trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật, và thể hiện rõ sự quan tâm của Người đối với những khát vọng của các dân tộc đang nỗ lực khẳng định bản sắc văn hóa của mình và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau”- Bà Katherine Muller Marin nhấn mạnh.

Bà Katherine Muller Marin kết thúc bài phát biểu của mình bằng câu nói nổi tiếng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Câu nói này còn rất có giá trị và tác động mạnh mẽ trong bối cảnh thế giới ngày nay” - Bà Katherine Muller Marin khẳng định.

MỚI - NÓNG