Từ việc công an giữ xe, cách nào giảm lãng phí?

Bãi trông giữ xe vi phạm tại đường Nguyễn Sơn (quận Long Biên)
Bãi trông giữ xe vi phạm tại đường Nguyễn Sơn (quận Long Biên)
TP - Theo Nghị định 31/2020, người vi phạm giao thông có thể tự bảo quản phương tiện của mình khi vi phạm, thay vì bị tạm giữ trước đây, nếu như đáp ứng đủ các điều kiện. Quy định mới được hy vọng giảm chi ngân sách nhà nước, tránh để người vi phạm gặp thêm phiền hà.

Hàng nghìn xe phơi mưa nắng

Ghi nhận tại bãi xe Nguyễn Sơn, quận Long Biên (nơi giữ xe vi phạm giao thông trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Long Biên), bãi xe hiện có hàng trăm phương tiện đang tạm giữ tại đây. Giữa không gian rộng lớn của bãi đất, chỉ có 1 hàng mái che nhỏ, 90% phương tiện phơi nắng, phơi mưa giữa trời. Trong đó có nhiều chiếc xe phủ bụi, lốp dính nền đất bên dưới, hư hỏng nặng, phải sửa chữa mới có thể sử dụng được.

Được biết, bãi xe này mới được lập nên vài tháng trước, bãi xe ký hợp đồng trông giữ phương tiện vi phạm cho các Đội CSGT số 1, số 5, Đội Cảnh sát trật tự các quận Hoàn Kiếm, Long Biên. Đơn vị quản lý bãi xe này là Công ty Cổ phần Vận tải ô tô hàng không. Công ty này cũng có Trung tâm đào tạo lái xe hàng không ngay sát bãi xe.

Từ việc công an giữ xe, cách nào giảm lãng phí? ảnh 1 Bãi trông giữ xe vi phạm tại đường Nguyễn Sơn (quận Long Biên)
Từ việc công an giữ xe, cách nào giảm lãng phí? ảnh 2  Bãi trông xe vi phạm dưới chân cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng)
Nhân viên quản lý bãi xe cho biết, mỗi xe máy được thu với giá 15.000 đồng/ngày, đêm; ô tô là 100.000 đồng/ngày, đêm. Do là bãi mới, nên các xe vi phạm ở các bãi khác chuyển về đây nhiều, số lượng hơn 1.000 xe. Lượng xe tồn do chủ xe không đến lấy khoảng 100 xe.

Anh Đạt (người vi phạm) cho biết, xe ô tô của anh đỗ không đúng quy định ở khu vực phố cổ nên bị kéo xe về bãi. Từ nơi vi phạm đến bãi xe quãng đường xa, khó tìm vì không có biển báo nào khiến anh mất 30 phút, và gần 200 nghìn đồng tiền taxi mới tới được đây. “Chưa kể tiền cẩu kéo, tiền trông giữ, rất phiền hà, mất thời gian, tiền bạc”, anh Đạt nói.

Đáng chú ý, bãi tạm giữ xe vi phạm giao thông của quận Hai Bà Trưng nằm ngay dưới gầm cầu Vĩnh Tuy. Bãi xe cũng đang giữ hàng trăm phương tiện phủ bụi. Việc trông xe dưới gầm cầu đã được Bộ GTVT cảnh báo về vấn đề phòng cháy chữa cháy từ lâu. Đặc biệt, với những chiếc xe cũ nát, để thời gian dài dưới gầm cầu nguy cơ cháy nổ càng hiện hữu. Được biết, khu đất này của Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, hiện đang được Công ty Linh Giang thuê lại để trông giữ phương tiện vi phạm.

Tại các điểm trông giữ xe vi phạm ở Nguyễn Khắc Nhu (quận Ba Đình), Dịch Vọng (quận Cầu Giấy)… Đơn vị quản lý bãi xe cho biết, mỗi năm doanh nghiệp đi kiểm kê xe lại có thêm hàng trăm xe lưu kho, không ai đến nhận. “Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm thanh lý các xe lưu bãi năm này qua năm khác. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc vào các sở ngành liên quan. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ trông giữ và kiểm kê tài sản”, đại diện đơn vị trông giữ xe nói.

Cách nào giảm lãng phí, ngăn chặn tiêu cực?

Đại diện phòng quản lý đô thị các quận, huyện cho biết, các bãi trông giữ xe vi phạm đa số không do quận, huyện cấp phép. Lực lượng công an phụ trách giao thông, đô thị sẽ trực tiếp kết hợp với các bãi trông giữ để đưa phương tiện về bãi.

Nghị định mới đã đưa ra một số nội dung nhằm hạn chế những thiệt hại. Cụ thể, thay vì cho thời gian chờ tới 1 năm như trước đây, nay những phương tiện bị tạm giữ nếu quá 30 ngày mà chủ xe không đến nhận sẽ bị tịch thu, bán đấu giá để sung công quỹ. Người vi phạm luật giao thông bị tạm giữ phương tiện cũng có thể đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện.

Một số chuyên gia cho biết, từ lâu quá trình tiến hành xử lý vi phạm giao thông ẩn chứa nhiều bất cập. Chẳng hạn, các đơn vị cẩu kéo thu giá dịch vụ cẩu kéo xe vi phạm “trên trời”, có khi quãng đường vài chục mét cũng thu trên 600.000đồng/lần cẩu với xe dưới 9 chỗ. Trông xe vi phạm cũng trong tình trạng loạn giá. Khiến nhiều người hoài nghi về việc có hay không lợi ích giữa các đơn vị xử lý và doanh nghiệp cẩu kéo xe, bãi xe.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng (quản trị viên diễn đàn Oto+) cho biết, Nghị định 31 đang nhận được sự đồng thuận của cộng đồng. Việc được đưa phương tiện về tự bảo quản sẽ giúp phương tiện được bảo quản tốt hơn, không mất chi phí lưu kho bãi và nhiều chi phí liên quan khác. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi về quy trình thực hiện Nghị định thế nào cũng được đặt ra. Nếu coi là phương tiện vi phạm không được lưu hành, người ta mang về nhà mà vẫn đưa xe ra lưu thông bất chấp không có giấy tờ hợp pháp thì kiểm tra, xử lý thế nào?

Để trông giữ những “phế liệu” này, Công an thành phố Hà Nội đã phải ký hợp đồng với gần chục bãi trông giữ xe, chi phí bảo quản trông giữ lên đến cả chục tỷ đồng.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, ngoài chi phí trông giữ phế thải, đến khi tiêu hủy cũng đòi hỏi tốn chi phí nhất định từ ngân sách. Thiệt hại này không chỉ cho người vi phạm mà còn cho toàn xã hội. Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, Nghị định 31 bổ sung cho phép người vi phạm tự bảo quản phương tiện sẽ giúp tránh phát sinh những chi phí vô lý.

Theo thống kê từ Bộ Công an, hiện cả nước có trên 300.000 phương tiện ô tô, xe máy bị thu giữ, khoảng 30% trong số này đã bị chủ phương tiện bỏ lại. Trong năm 2019, riêng đối với Phòng Cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội, đã có hơn 2.700 phương tiện bị xử lý không có người đến lấy. Nhiều phương tiện đã không còn khả năng sử dụng.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.