Từ vụ bắt nguyên phó tư lệnh DN quân đội: 'Khai tử' hàng trăm ha rừng tự nhiên

Đất của tỉnh Gia Lai cho các công ty thuộc Binh đoàn 15 thuê bị lấn chiếm. Ảnh chụp năm 2014
Đất của tỉnh Gia Lai cho các công ty thuộc Binh đoàn 15 thuê bị lấn chiếm. Ảnh chụp năm 2014
TPO - Việc nguyên phó tư lệnh doanh nghiệp quân đội Đỗ Văn Sang bị cơ quan chức năng bắt giữ, đã phát lộ ra nhiều vấn đề ở các công ty thuộc Binh đoàn 15 (tên giao dịch kinh tế là Tổng Cty 15). Theo đó, hàng trăm ha đất rừng tự nhiên nằm ngoài diện tích được giao bị tàn phá...

Có thể nói vụ bắt Đỗ Văn Sang (nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Tổng Cty 15 - Bộ Quốc phòng) 6/3, thể hiện động thái quyết liệt, không bỏ lọt tội phạm của Bộ Quốc phòng. Tuy vậy vẫn còn đó hàng loạt các sai phạm tại những công ty thuộc Binh đoàn 15 đã được làm rõ.

Báo cáo số 3 ngày 13/2/2014 của Đoàn kiểm tra liên ngành gửi UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Binh đoàn 15 (tên giao dịch kinh tế là Tổng Cty 15) đã tham gia thực hiện 10 dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tổng diện tích UBND tỉnh cho các công ty thuộc Binh đoàn 15 thuê đất là hơn 7,1 nghìn ha (trong khoảng năm 2009 - PV). Tổng diện tích trồng cao su và làm nhà ở của công nhân ngoài ranh giới cho thuê đất hơn 983 ha (trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng gỗ tự nhiên hơn 691 ha). Khối lượng gỗ đã khai thác tính bình quân theo diện tích ngoài ranh giới cho thuê có rừng gỗ tự nhiên (bao gồm gỗ lớn, gỗ nhỏ, gỗ cảnh ngọn) là hơn 15,9 m3, tương đương giá trị thiệt hại hơn 6,4 tỷ đồng.

Từ vụ bắt nguyên phó tư lệnh DN quân đội: 'Khai tử' hàng trăm ha rừng tự nhiên ảnh 1Báo cáo thực trạng thực hiện dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su

Cụ thể, theo báo cáo số 3 của Đoàn kiểm tra liên ngành, Trung đoàn 710 có hơn 131 ha nhưng quản lý chưa tốt, để dân lấn chiếm, hiện tại không trồng cao su, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư dự án. Việc trồng cao su ngoài ranh giới cho thuê với tổng diện tích hơn 192 ha (nằm rải rác trong vùng dự án), trách nhiệm này thuộc về Tổng Cty 15, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr, Kiểm lâm huyện Chư Prông và UBND xã Ia Mơ (huyện Chư Prông).

Cty TNHH MTV Bình Dương được cho thuê hơn 40 ha. Đơn vị đã khai hoang, nhưng không trồng cao su do dân lấn chiếm làm nương rẫy, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư dự án. Hơn 372 ha (đã trừ diện tích giao phía Biên phòng quản lý 26,4 ha) đơn vị chưa khai hoang, trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư dự án. Việc trồng cao su ngoài ranh giới cho thuê với tổng diện tích hơn 766 ha (diện tích nằm ngoài quy hoạch hơn 323 ha; diện tích nằm trong quy hoạch nhưng ngoài vùng dự án hơn 370 ha; diện tích nằm rải rác trong vùng dự án 72 ha) là vi phạm quy định, không tuân thủ đúng quy định ranh giới cho thuê đất của UBND tỉnh, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, trách nhiệm này thuộc về Cty TNHH MTV Bình Dương, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Púch, Kiểm lâm huyện Chư Prông và UBND xã Ia Me (huyện Chư Prông).

Cty TNHH MTV 72 được cho thuê hơn 31 ha nhưng không sử dụng (do dân lấn chiếm làm nương rẫy), trách nhiệm thuộc về Cty TNHH MTV 72. Việc trồng cao su ngoài ranh giới cho thuê với tổng diện tích hơn 19 ha (nằm rải rác trong vùng dự án), trách nhiệm này thuộc về Cty TNHH MTV 72, Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ, Kiểm lâm huyện Đức Cơ (Gia Lai).

Cty TNHH MTV 715 được cho thuê đất nhưng đơn vị quản lý không tốt, để dân lấn chiếm làm nương rẫy với diện tích hơn 141 ha, trách nhiệm thuộc về Cty TNHH MTV 715.

Đáng nói, báo cáo này nhấn mạnh, việc thực hiện chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su của Cty TNHH MTV Bình Dương và Trung đoàn 710 đã thực hiện ra ngoài diện tích của tỉnh giao hơn 958 ha (phá đi hơn 688 ha đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên).

Buộc trồng lại rừng

Với những sai phạm trên, Đoàn kiểm tra liên ngành kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai xử lý trách nhiệm các đơn vị có liên quan, yêu cầu các chủ dự án phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để thu hồi và sử dụng đúng mục đích đối với diện tích các chủ đầu tư dự án để lấn chiếm làm nương rẫy, nay không trồng cao su; xử lý trách nhiệm các đơn vị có liên quan, yêu cầu các chủ dự án phải trồng lại diện tích rừng đã khai hoang đến khi thành rừng, giao cho các chủ rừng và địa phương quản lý với diện tích các chủ dự án đã khai hoang nhưng không trồng cao su...

Từ vụ bắt nguyên phó tư lệnh DN quân đội: 'Khai tử' hàng trăm ha rừng tự nhiên ảnh 2Mặt sau biệt thự của nguyên Phó tư lệnh Đỗ Văn Sang

Chiều 12/3, phóng viên Tiền Phong đến Binh đoàn 15 đặt lịch làm việc với người có trách nhiệm về kết quả xử lý, khắc phục những sai phạm của các đơn vị trực thuộc Binh đoàn 15 đến nay như thế nào? Tuy nhiên, trực ban từ chối với lý do “không phải nhiệm vụ”.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương, Tổng Cty 15 (Binh đoàn 15) đã họp kiểm điểm liên quan đến những sai phạm của ông Đỗ Văn Sang (nguyên Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Tổng Cty 15 - Bộ Quốc phòng) khi còn giữ chức Giám đốc Cty 75 giai đoạn 2011 - 2012 (thuộc Tổng Cty 15). Cơ quan điều tra của Bộ Quốc phòng đã bắt tạm giam ông Đỗ Văn Sang ngày 6/3 để làm rõ những sai phạm trong thời gian giữ chức Giám đốc Cty 75.

Được biết, trong thời gian đương chức, ông Sang đã vi phạm nguyên tắc tài chính; đền bù cho dân hơn 9 tỷ đồng không có trong dự án; mua cây giống vượt giá trần hơn 12 tỷ đồng chưa được Binh đoàn nghiệm thu, thanh toán; ký hợp đồng mua đất trồng cao su tại Campuchia, công ty có khả năng mất hơn 3,3 nghìn ha, trị giá hơn 39 tỷ đồng; ký hợp đồng với doanh nghiệp tư nhân Vĩnh Phúc để chế biến mủ cao su SVR 10 còn sơ hở, gây nợ khó đòi, nhiều khả năng không thu hồi được.

MỚI - NÓNG