Từ vụ hàng chục người ngất xỉu tại BigC: Lộ hàng loạt sai phạm

 Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
TP - Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, đến nay UBND thành phố Hà Nội chưa cho phép Tập đoàn Bitexco - chủ đầu tư trung tâm thương mại The Garden chuyển đổi chức năng của tầng hầm B1 từ đỗ xe thành siêu thị như đề xuất của doanh nghiệp này…

Tự ý chuyển đổi tầng hầm thành siêu thị

Cụ thể, tại văn bản số 940 ngày 4/5/2009 của Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) Hà Nội cho biết, chủ đầu tư của trung tâm thương mại là Tập đoàn Bitexco đã có văn bản đề nghị chuyển đổi công năng của nhiều hạng mục thuộc trung tâm thương mại The Garden tại lô đất ký hiệu HH2-CC1 thuộc khu đô thị mới Mỹ Đình-Mễ Trì.

Những đề nghị này bản chất là muốn “hợp lý hóa” cho sai phạm trước đó của chủ đầu tư khi tự ý điều chỉnh công năng, thiết kế của dự án. Theo đó, với công trình HH2, chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh chức năng văn phòng từ tầng 4-11 thành chức năng văn phòng và căn hộ kết hợp; điều chỉnh tăng số căn hộ của tầng 12-19 từ 66 căn hộ lên 170 căn hộ; điều chỉnh tăng diện tích xây dựng từ 1.340m2 lên 1.766m2; điều chỉnh tăng mật độ xây dựng từ 35,5% lên 46%. Công trình CC1 được đề nghị điều chỉnh chức năng tầng hầm 1 từ để xe, kỹ thuật thành siêu thị, kỹ thuật; điều chỉnh tăng tổng diện tích sàn xây dựng từ 2.470m2 lên 3.983m2…

Tuy nhiên đề xuất này mới chỉ được Sở QHKT Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc với điều kiện yêu cầu chủ đầu tư phải giải trình rõ việc tăng số căn hộ ở trong lô đất HH2 từ 66 căn lên 172 căn làm cơ sở xác định nghĩa vụ của chủ đầu tư; dành diện tích sàn để phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng, nhà trẻ, mẫu giáo, đảm bảo yêu cầu quy định. Định vị công trình tại ô đất HH2 (18 tầng+1 trệt) có khoảng lùi công trình tới chỉ giới đường đỏ 3,6m là không phù hợp với quy chuẩn xây dựng Việt Nam (tối thiểu phải là 6m). Vì vậy Sở QHKT yêu cầu phải có ý kiến của Bộ Xây dựng về khoảng lùi công trình HH2; chủ đầu tư phải lập bản vẽ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Mỹ Đình-Mễ Trì tỷ lệ 1/500 tại lô đất HH2-CC1, trình UBND thành phố phê duyệt… Tuy nhiên đến nay, chủ đầu tư đã phớt lờ chỉ đạo của Sở QHKT Hà Nội, không thực hiện các yêu cầu theo quy định.  

Từ vụ hàng chục người ngất xỉu tại BigC: Lộ hàng loạt sai phạm ảnh 1

Cửa siêu thị thông trực tiếp vào hầm để xe. Ảnh: Hà Anh.

Ai dung túng cho sai phạm?

Hàng loạt sai phạm liên quan đến khu đô thị này đã được Thanh tra Chính phủ kết luận tại văn bản 2659 ngày 28/11/2008. Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã từng tổ chức đi kiểm tra hiện trạng công trình và có kết luận rất rõ về sai phạm tại đây. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà sai phạm đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để, Tập đoàn Bitexco vẫn ngang nhiên biến tầng hầm để xe thành siêu thị.

Không những thế, điều làm nhiều người bất ngờ là tại văn bản 1877 ngày 25/3/2009 của Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi nêu các sai phạm của chủ đầu tư, lãnh đạo Sở Xây dựng đã tìm cách “nói đỡ” cho chủ đầu tư: “Những sai phạm này trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư. Song xét về động cơ và ý tưởng của chủ đầu tư xây dựng một trung tâm thương mại dịch vụ hiện đại nhất tại Hà Nội theo tiêu chuẩn quốc tế… việc chuyển đổi công năng của chủ đầu tư ảnh hưởng không nhiều đến diện tích sử dụng dịch vụ công cộng, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc của đô thị”!

Chính những lời biện minh hoa mỹ nêu trên có phải đã tiếp tay cho chủ đầu tư tiếp tục vi phạm? Việc cắt giảm diện tích tầng hầm để xe đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân sống trong khu vực, thay vì đưa xe vào tầng hầm, chủ đầu tư đã phải nhồi nhét xe ô tô chật kín trên vỉa hè, xung quanh tòa nhà nhiều năm qua. Trung tâm thương mại đẳng cấp quốc tế chưa thấy đâu nhưng hàng chục người đã phải nhập viện cấp cứu. Một điều cần làm rõ đó là, mặc dù Sở Xây dựng Hà Nội biết rất rõ vi phạm tại đây nhưng đã cố tình lờ đi để mặc cho chủ đầu tư mặc sức kiếm bộn tiền từ việc biến tầng hầm thành siêu thị, qua mặt biết bao nhiêu cơ quan chức năng nhiều năm qua.

Hàng loạt giấy phép có nguy cơ cấp… khống!

Một yêu cầu khác cần làm rõ đó là sau khi sự cố xảy ra tại The Garden, làm việc với PV Tiền Phong, đại diện Sở Công Thương, Quản lý thị trường, Sở Phòng cháy chữa cháy đều khẳng định việc kinh doanh tại đây đã được cấp phép. Vậy, khi công năng của tầng hầm chưa được UBND thành phố cho phép điều chỉnh thì việc cấp những loại giấy phép kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, hoạt động siêu thị… cho Big C Garden là dựa trên cơ sở nào? Trước đó, chính đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã khẳng định, việc cấp phép hoạt động siêu thị tại hầm B1 chỉ được thực hiện khi việc chuyển đổi công năng được thành phố chấp thuận. Đằng sau những giấy phép (nếu có) đã được cấp cho trung tâm thương mại và siêu thị này  có uẩn khúc gì? Đây là câu hỏi đặt ra cho UBND thành phố Hà Nội.      

Trước đó, chính đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đã khẳng định, việc cấp phép hoạt động siêu thị tại hầm B1 chỉ được thực hiện khi việc chuyển đổi công năng được thành phố chấp thuận. Đằng sau những giấy phép (nếu có) đã được cấp cho Trung tâm thương mại và siêu thị này  có uẩn khúc gì? Đây là câu hỏi đặt ra cho UBND thành phố Hà Nội.

Buông lỏng quản lý các trung tâm thương mại

Theo một lãnh đạo Bộ Xây dựng, khi chủ đầu tư tự ý thay đổi công năng tầng hầm thành siêu thị là lỗi ở khâu quản lý. “Một trung tâm thương mại to như thế khi điều chỉnh mà chính quyền địa phương không nắm rõ là lỗi lớn”, vị lãnh đạo này nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng phân tích, thiết kế tầng hầm để xe khác với thiết kế của siêu thị. Khi thay đổi công năng sẽ tác động lên chính tòa nhà đó về mật độ, sức chịu tải và kết cấu của tòa nhà. 

“Chủ đầu tư chỉ thấy được cái lợi trước mắt khi kinh doanh hoặc cho thuê làm siêu thị có lãi mà không thấy được cái hại sau này. Khi xảy ra sự cố như hỏa hoạn, ngạt khí, việc sơ tán sẽ cực kỳ khó khăn”, ông Hùng nói.

Ngọc Mai

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.