Từ vụ tai nạn xe khách tại Lào Cai: Có hộp đen cũng như không?

Sau quá trình lắp đặt khó khăn, việc khai thác dữ liệu từ hộp đen đang nảy sinh nhiều vấn đề. Ảnh: Như Ý
Sau quá trình lắp đặt khó khăn, việc khai thác dữ liệu từ hộp đen đang nảy sinh nhiều vấn đề. Ảnh: Như Ý
TP - Sau vụ tai nạn thảm khốc tại Lào Cai, nhiều người đặt câu hỏi, xe khách Sao Việt có hộp đen nhưng sao cơ quan chức năng không phát hiện chạy sai hành trình. Phải chăng lắp hộp đen trên xe khách cũng như không?

“Biết” nhưng không “báo”

Tổng cục Đường bộ (TCĐB) vừa tổ chức liên tiếp hai hội nghị đánh giá hiệu quả khai thác dữ liệu của thiết bị giám sát hành trình (thường gọi là hộp đen).

Tại hội nghị ở Hà Nội, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ trực tiếp đặt câu hỏi về việc kiểm soát hành trình xe chạy bằng hộp đen: Vì sao xe Sao Việt chạy sai tuyến (xe chạy thẳng lên Sapa thay vì phải dừng lại tại TP Lào Cai) lại không được phát hiện và xử lý từ trước.

Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh: “Trong năm 2014 phải cơ bản hoàn thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về GSHT, đầu tư hoàn thiện hệ thống đường truyền, máy chủ và các phần mềm, quy định rõ trách nhiệm để kết nối tốt các bên”. Ông Thọ cũng yêu cầu, nhà cung cấp thiết bị GSHT nào đến nay chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật sẽ phải loại bỏ.

Trả lời Tiền Phong, Phó Tổng Cục trưởng TCĐB Nguyễn Văn Quyền xác nhận: Hiện, trung tâm tích hợp, xử lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình của tổng cục có theo dõi hành trình của từng xe buộc phải lắp đặt hộp đen.

Tuy nhiên, phần mềm xử lý dữ liệu chưa thể tổng hợp và đưa ra cảnh báo về xe chạy sai tuyến. 

Theo báo cáo của TCĐB, đến nay đã có 72.000 phương tiện được tích hợp dữ liệu. Có nghĩa với số lượng phương tiện đồ sộ đó, nếu phần mềm không tự lọc và đưa ra cảnh báo sai tuyến, không thể đủ nhân sự để theo dõi và chỉ ra, xử phạt từng xe sai tuyến. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đây là một thiếu sót hết sức đáng tiếc. “Với hộp đen, hai yếu tố quan trọng nhất cần quản lý là tốc độ và hành trình xe chạy. Hành trình xe chạy sẽ kiểm soát được những xe chạy sai tuyến, xe hợp đồng trá hình nhằm đảm bảo an toàn giao thông và làm trong sạch hoạt động vận tải, nhưng lại chưa kiểm soát được”. 

Lãnh đạo DN có kinh nghiệm trong quản lý và xử lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (GSHT), cho biết: Việc nhập thêm “lệnh” cho phần mềm để đưa ra cảnh báo về những xe tuyến cố định chạy sai hành trình, hoặc xe hợp đồng nhưng hoạt động như xe cố định không khó.

“Với biện pháp này, hiện tượng chạy sai tuyến lên Sapa của xe Sao Việt hay hoạt động xe hợp đồng, nhưng trá hình, chạy lặp đi lặp lại trên một hành trình như của xe Thành Bưởi mà Tiền Phong phản ánh sẽ được cảnh báo, xử lý” – ông này nói.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, tại hội nghị, ông đã chỉ đạo TCĐB nhanh chóng đưa ra biện pháp khắc phục hiện tượng này.

Số liệu vênh nhau, DN “bắt đền”

Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết: “Vi phạm tốc độ từ 10 km/h trở lên đã giảm”. Tuy nhiên, nhiều DN vận tải và đại diện Sở GTVT phản ánh, số liệu quá tốc độ từ trung tâm dữ liệu của TCĐB sai khác với số liệu của các DN vận tải. Tình trạng này dẫn đến nhiều phát sinh trong quá trình xử lý.

Chẳng hạn, một DN vận tải tại Tây Nguyên phản ánh với Tiền Phong rằng, họ bị thanh tra giao thông dựa trên số liệu của TCĐB đưa ra quyết định rút phù hiệu. Nhưng khi kiểm tra lại dữ liệu lưu trữ tại DN, lại có sai khác lớn. Vì thế, đơn vị này khiếu nại cả cơ quan quản lý nhà nước và “bắt đền” cả DN cung cấp dịch vụ quản lý hộp đen.

TCĐB cho rằng, sự sai khác này do tần suất truyền số liệu các nhà cung cấp hộp đen khác nhau, chất lượng truyền sóng từ thiết bị về trung tâm. Đặc biệt là do phương pháp tính toán chưa thống nhất. 

Để tránh xử oan cho DN vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền cho biết: Tổng cục sẽ xử lý theo hướng DN phải đối chiếu với dữ liệu của chính mình. Trường hợp có sai khác, nếu không chứng minh được dữ liệu của TCĐB đưa ra là đúng, sẽ công nhận kết quả của DN.

Đánh giá về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Thanh (Hiệp hội vận tải ôtô) cho rằng, việc chậm tập hợp, xử lý thông tin một cách chính xác từ hộp đen đã được phản ánh lâu nay, nhưng vẫn chậm tiến độ. Ông Thanh đề nghị TCĐB sớm hoàn thiện; đặc biệt là xem lại năng lực của đơn vị tư vấn công nghệ (Cty Eposi, một DN sản xuất hộp đen bị lỗi, thanh tra Bộ GTVT từng xử lý - PV). 

“Trung tâm cần sớm hoàn thiện và nghiệm thu chính thức rồi mới xử lý doanh nghiệp vận tải. Có như thế mới thuyết phục, mới công bằng cho DN khi họ tự bỏ tiền mua, lắp đặt và vận hành hộp đen” - ông Thanh nói.

MỚI - NÓNG