Tưng bừng Festival đua ghe Ngo lần đầu

Tưng bừng Festival đua ghe Ngo lần đầu
TP - Oóc Om Bóc là lễ hội truyền thống của người Khmer ĐBSCL, diễn ra vào dịp Rằm tháng Mười, còn gọi là lễ hội đưa nước, tiễn dòng nước lũ về cội nguồn để chuẩn bị gieo trồng vụ mới. Năm nay, lần đầu tiên lễ hội được nâng lên thành Festival đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer, khai mạc tối 15/11 và sẽ kết thúc tối 17/11.

> Cận cảnh hai chiếc bánh và đĩa cốm dẹp kỷ lục Việt Nam
> Thi món ngon Nam Bộ tại Festival Đua ghe Ngo

Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Sóc Trăng, giới thiệu, Festival tổ chức lần đầu có quy mô và tầm cỡ khu vực, phục hồi tương đối hoàn thiện nghi thức Lễ hội Oóc Om Bóc.

Nội dung chính của phần hội là Đua ghe Ngo, diễn ra ngày 16 và 17/11, trên sông Maspero chạy giữa TP Sóc Trăng. Từ 10 giờ sáng ngày 16/11, hàng trăm nghìn người từ khắp nơi đổ về đứng chật kín mấy cây số hai bờ sông. Đây là nghi thức tiễn nước với tính chất ngày hội thể thao, biểu tượng tinh thần đoàn kết các dân tộc.

Năm nay có 62 đội (13 đội nữ) với 3.500 vận động viên của tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang Trà Vinh, Vĩnh Long và TP Cần Thơ. Các đội nam chia thành 16 bảng, thi đấu cự li 1.200 m. Còn nữ chia thành 4 bảng thi đấu cự li 1.000 m.

Anh Kim Thanh Sang, 37 tuổi, vận động viên đội đua ghe Ngo chùa Phú Giao ở xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), cho biết đã tập luyện cả tháng để quyết giành giải cao. Ông Lý Tấn Tài, Trưởng đội ghe Ngo chùa Bâng Cóc ở xã Phú Mỹ (Mỹ Tú, Sóc Trăng), cũng nói tinh thần của các vận động viên rất cao và đã chuẩn bị kỹ nên quyết tâm giành chiến thắng.

Đến với cuộc đua ghe Ngo, nhiều gia đình đi 4 – 5 người như gia đình của ông Trà Hiền, 51 tuổi, ở xã Viên An (Trần Đề) cách TP Sóc Trăng gần 20 km, đến từ lúc 10 giờ với 3 người con. Ông Hiền nói, sau một năm làm ruộng vất vả, chỉ mong ngày này để xem đua ghe ngo cho thỏa thích.

Trên đường phố Sóc Trăng, có nhiều đội Thanh niên tình nguyện sẵn sàng hướng dẫn du khách đến với cuộc đua và phục vụ nước uống miễn phí.

Tối 16/11, trên sông Maspero diễn ra Lễ Thả đèn nước. Đây là nghi thức mang tính Thiêng trong thái độ ứng xử của người nông dân với nguồn nước và cũng có ý nghĩa tống tiễn các âm hồn, cảm ơn và tống tiễn các thần đêm tối, thần nước.

Đèn nước trước khi thả xuống sông, được rước đi một vòng quanh chùa với sự hộ tống của đoàn múa Sà Dăm, và các vị À Chả đọc những câu tụng với nội dung tạ ơn mặt trăng, trời đất, nguồn nước và mong tha thứ lỗi lầm cho con người.

Một nội dung chính của Lễ Oóc Om Bóc còn có Lễ Cúng trăng diễn ra tối 17/11, tại Nhà Trưng bày văn hoá Khmer.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG