Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc:

Từng đơn vị hãy kiểm điểm xem có lợi ích nhóm không

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc.
TP - Trao đổi với Tiền Phong về Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 khóa XII (về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ), PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, từng tổ chức Đảng, chính quyền phải đối chiếu các điểm trong Nghị quyết để xem đơn vị mình có những biểu hiện vi phạm như thế không, có biểu hiện về lợi ích nhóm, vụ lợi, bố trí cán bộ theo gia đình, dòng họ hay không.

Ông Phúc nói: Nếu không ngăn chặn được suy thoái về tư tưởng chính trị sẽ dẫn tới suy thoái về đạo đức, lối sống rồi tác động trở lại, dẫn tới tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Mà tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ trầm trọng thì có nguy cơ thách thức vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII nhìn nhận vấn đề bức bách là phải ngăn chặn, đẩy lùi 3 vấn đề đó.

Từng cán bộ đảng viên tự xem xét mình

Nghị quyết đã nêu rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị; suy thoái về đạo đức lối sống; biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa. Theo ông, biểu hiện nào là nghiêm trọng nhất, cần tập trung giải quyết trong thời gian tới?

Đây là lần đầu tiên T.Ư nói rõ 27 biểu hiện của suy thoái về tư tưởng, chính trị; suy thoái về đạo đức lối sống; biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa. Việc thẳng thắn nêu ra các biểu hiện đó theo tôi có nhiều ý nghĩa, sẽ thuận cho các tổ chức Đảng dựa vào để đánh giá, xem tổ chức Đảng, cấp ủy của mình có những biểu hiện như thế không. Giúp cho từng cán bộ đảng viên, nhất là người có chức có quyền tự xem xét mình. Nếu có dấu hiệu thì tự sửa chữa chứ không phải đợi đến khi Đảng kỷ luật. Nếu không vi phạm thì cũng biết những biểu hiện đó để tránh.

“Đảng ta là Đảng cầm quyền nên bên chính quyền phải thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng, phải đưa ra đối chiếu, ai có biểu hiện thì phải chỉ rõ, không được nói chung chung”. 

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Theo tôi, cái đáng lo nhất là biểu hiện phai nhạt lý tưởng, thiếu tin tưởng vào mục tiêu, con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Xa rời lý tưởng, xa rời mục tiêu dẫn tới làm trái quan điểm, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thậm chí có thể chạy sang phía bên kia, ngả về phía thế lực thù địch. Không những phụ họa mà còn tiếp tay cho thế lực thù địch để chống lại Đảng, chống lại chế độ, chống lại dân tộc. Đó là điều hết sức nguy hiểm.

Điểm thứ hai cũng phải hết sức chú ý là chủ nghĩa cá nhân. Trong suy thoái về đạo đức thì cái gốc là chủ nghĩa cá nhân. Nhiều căn bệnh, tiêu cực, hư hỏng trong Đảng xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, dẫn tới vụ lợi, ích kỷ, vun vén cho gia đình, dòng họ, rồi bố trí cán bộ cũng theo lợi ích nhóm.

Những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa cũng rất đáng lo ngại. Có những biểu hiện của mất cảnh giác, mà khi mất cảnh giác thì những biểu hiện rất rõ như cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực rất ghê gớm. Nếu không thật sự nêu cao cảnh giác cách mạng, phần tử địch có thể len vào, cùng với nhóm cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực chui sâu, leo cao sẽ rất nguy hiểm. Theo tôi phải hết sức chú ý, đề phòng, ngăn chặn tự diễn biến, tự chuyển hóa, đặc biệt, tạo ra sức đề kháng trong Đảng.

Thời gian gần đây, một số cán bộ thoái hóa, biến chất sau đó trốn ra nước ngoài. Theo ông, cần làm gì để hạn chế tình trạng này?

Theo tôi phải quản lý đảng viên chặt chẽ. Phải có cơ chế quản lý cho tốt, từng đối tượng đảng viên ở đâu, cấp nào quản lý. Không chỉ tổ chức Đảng, mà cả hệ thống Nhà nước, các cơ quan chức năng đều phải vào cuộc thì mới bảo vệ, theo dõi chặt chẽ được.

Từng đơn vị hãy kiểm điểm xem có lợi ích nhóm không ảnh 1

Việc ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai gây ra bức xúc trong dư luận.

Trong đơn vị mình có những biểu hiện vi phạm không?

Nghị quyết cũng nói về các biểu hiện như tham nhũng, lợi dụng chức quyền, vun vén cho bản thân, tư duy nhiệm kỳ, bổ nhiệm người nhà, người thân… Khi đặt vấn đề như vậy, theo ông, làm thế nào cụ thể hóa Nghị quyết giải quyết những vấn đề này?

Theo tôi từng tổ chức Đảng, từng tổ chức trong chính quyền, các mặt trận, đoàn thể phải đối chiếu từng điểm trong Nghị quyết để xem đơn vị mình có những biểu hiện vi phạm như thế không. Có biểu hiện về lợi ích nhóm hay không? Có biểu hiện vụ lợi, bố trí cán bộ theo gia đình, dòng họ hay không?  Đảng ta là Đảng cầm quyền nên bên chính quyền phải thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng, phải đưa ra đối chiếu, ai có biểu hiện thì phải chỉ rõ, không được nói chung chung. Phải rà soát lại từng điểm, các cấp chính quyền có không, trong tổ chức Đảng có không, từng bộ, ngành T.Ư cũng thế, phải xem xét từng vấn đề. Nếu có thì chỉ rõ là ai, trách nhiệm thuộc về ai, bộ phận, đơn vị nào để điều chỉnh, chấn chỉnh lại ngay. Trong các nhóm giải pháp, tự phê bình và phê bình luôn được đặt lên hàng đầu. Cố gắng đi thẳng vào các vấn đề. Nếu làm một cách chung chung, hình thức thì sẽ không có hiệu quả.

Trong những phát biểu mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, phải “nhốt” quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp. Trong Nghị quyết cũng nêu vấn đề phải kiểm soát quyền lực. Theo ông, cụ thể chúng ta phải làm gì?

Kiểm soát quyền lực cũng là một trong những giải pháp cụ thể. Tôi nghĩ sắp tới T.Ư sẽ có những quy định cụ thể để định kỳ tổ chức Đảng kiểm tra, kiểm soát công việc của mỗi cán bộ, đảng viên được Đảng giao trách nhiệm, đặc biệt những vị trí nhạy cảm, liên quan đến tiền bạc, tài sản, lợi ích của dân, của đất nước thì phải kiểm soát chặt chẽ. Bản thân cán bộ, đảng viên nắm chức vụ, quyền hạn cũng phải định kỳ báo cáo với tổ chức Đảng, để Đảng biết anh làm được cái gì, không làm được cái gì. Quan điểm chúng ta là quyền lực thống nhất nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa 3 cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp. Đó cũng là một cách kiểm soát quyền lực.

Thôi chức với cách chức khác hẳn nhau

Liên quan đến việc quản lý cán bộ, đảng viên, kiểm soát quyền lực, mới đây, Ban Bí thư đã quyết định cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng. Theo ông,  quyết định này có ý nghĩa gì trong giai đoạn hiện nay?

Hình thức kỷ luật cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011 - 2016 với ông Vũ Huy Hoàng là rất cần thiết. Anh rời khỏi chức vụ rồi nhưng vẫn bị kỷ luật, tức là thời kỳ đó anh bị cách chức chứ không phải là thôi giữ chức. Thôi chức với cách chức khác hẳn nhau. Ở đây phải lưu ý một điều, kỷ luật của Đảng là hết sức nghiêm túc. Nếu so với đề nghị của Ủy ban Kiểm tra T.Ư thì mức kỷ luật mà Ban Bí thư quyết định là cao hơn. Nói thế để thấy tính nghiêm minh của kỷ luật, đúng người, đúng việc. Thứ hai, quyết định đó nói lên một điều là nếu anh vi phạm thì dù đương chức, nghỉ hoặc chuyển công tác thì vẫn phải bị kỷ luật, chứ không phải hạ cánh an toàn rồi thì không ai sờ đến, không ai đụng đến. Thậm chí người nghỉ rất lâu rồi nếu vi phạm, liên quan đến quyền lợi đất nước thì vẫn bị đưa ra xử lý. Điều đó thể hiện tính nghiêm khắc, nghiêm minh của kỷ luật Đảng.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.