Tuổi thơ bị đánh cắp

Tuổi thơ bị đánh cắp
TP - Bà Nguyễn Thị Thơm bán thức ăn cho học sinh trước sân trường Tiểu học Cái Nước 3, thị trấn Cái Nước (Cái Nước, Cà Mau) che dòng nước mắt lăn dài: “Mẹ góa con côi, anh em Hào Anh, Hào Em ở đây khổ hết nỗi. Nghỉ học sớm, đi theo mẹ làm ăn lại bị đày dọa, khổ gì mà khổ dữ vậy không biết!”.

>> Hỏi chuyện Luật sư bảo vệ miễn phí cho Hào Anh
>> Nước mắt khô của người mẹ

Tuổi thơ bị đánh cắp ảnh 1
Hào Anh được chăm sóc tại Bệnh xá công an Cà Mau

Từng là họa sĩ tí hon

Anh em sinh đôi Nguyễn Hào Anh, Nguyễn Hào Em sinh ra, lớn lên trong sự chở che, đùm bọc dưới mái nhà ngoại ở ngoại ô thị trấn Cái Nước (huyện Cái Nước, Cà Mau), trên bờ kinh xáng Cái Nước - Đầm Cùng.

Nguyễn Hào Em vừa về chăm sóc ông ngoại bệnh, phải rời anh sinh đôi Hào Anh ở Bệnh viện Đầm Dơi. Sáng sớm, Hào Em xin ngoại cho lặn lội mò sò, bắt cá dưới sông sâu. “Thương anh Hai quá, bị người ta đánh, em kiếm tiền đi thăm anh Hai” - Hào Em nói.

Mái trường tiểu học thị trấn Cái Nước 3 bây giờ đã xây dựng kiên cố, khang trang. Trên sân trường, học sinh đang nô đùa trong giờ ra chơi, dưới bóng phượng đang rực đỏ báo hiệu hè về, năm học sắp hết. Gần 2 năm rồi, sân trường này vắng bóng anh em sinh đôi Hào Anh - Hào Em cùng một lớp.

Thầy Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cái Nước 3 - Phạm Công Chức nói: “Tôi xem ảnh trên báo chí thấy quen quen, chưa nhận ra học trò cũ của mình. Các thầy cô ở Trường Tiểu học Cái Nước 3 cho biết Hào Anh là học trò cũ của trường, nghỉ học hồi cuối lớp 3, không biết các em có học tiếp không?”

“Thưa thầy, Hào Anh - Hào Em không học tiếp lên, phải lao động kiếm sống và chẳng may khi Hào Anh mới 12 tuổi, giúp việc nhà trại tôm giống. Chủ trại tôm giống Minh Đức ở ấp Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi) hành hạ dã man, làm cho Hào Anh biến dạng đang điều trị vết thương trên cả thể xác lẫn tinh thần” - tôi nói.

Cô giáo chủ nhiệm lớp 3 - lớp cuối cùng của Hào Anh học ở mái trường này - cô giáo Hà Thị Bé Xuân kể lại: “Hai anh em sinh đôi học chung một lớp, ngoan, hiền, nhà nghèo, ở với ngoại. Hào Anh học khá hơn, thông minh hơn Hào Em. Năm đó, trường tổ chức thi vẽ tranh, Hào Anh đoạt giải “Họa sĩ tí hon”.

Những tiết dạy đạo đức, có liên hệ với thực tế, Hào Anh kể chuyện rất xúc động, dễ thương: “Sáng nào cũng vậy, em thức dậy từ 5 giờ để phụ giúp việc ông bà. Em đi ra sông thăm lưới, dỡ lú tôm ở sau hè, tưới rau phụ bà ngoại và lo bữa cơm. Từ nhà đến trường hơn cây số, đường đất trơn trợt khi mưa, bụi mịt mù trong nắng gió nhưng không ngăn được bước chân đến trường”.

Rời mái trường, giã từ quê ngoại, Hào Anh - Hào Em giống nhau như đúc, theo mẹ đi làm ăn xa. Việc học hành của Hào Anh - Hào Em bị gián đoạn do bát cơm manh áo.

Từ dưới mé kinh xáng Cái Nước - Đầm Cùng, Hào Em khệ nệ rinh lên mớ sắt vụn, cũ nát. Không thể tự chở đến vựa phế liệu, Hào Em nhờ bạn học cũ tiếp một tay vịn xe đạp để em chất sắt vụn lên:

“Chú ơi đừng chụp hình cháu đăng báo, ông ngoại thấy được rầy con chết. Ông ngoại cấm không cho con móc bọc, lội sông mò phế liệu, bệnh hoạn khổ và sợ người ta kêu rêu. Con lén làm kiếm tiền đi thăm anh Hai, anh Hai còn bệnh nặng!”.

Địa ngục tuổi thơ Hào Anh

Kể từ ngày 6-5, Nguyễn Hào Anh được chuyển đến Bệnh xá Công an tỉnh Cà Mau (TP Cà Mau) điều trị vết thương để đảm bảo an ninh trong quá trình điều tra, hạn chế tiếp xúc với người lạ.

Thượng tá Nhan Ngọc Hồng, Trưởng bệnh xá Công an Cà Mau, cho phép gặp Hào Anh tại giường bệnh và dặn PV Tiền phong “Gặp chút thôi, càng nhanh càng tốt, để thời gian yên tĩnh cho cháu nghỉ ngơi điều trị bệnh”.

Hôm nay, Hào Anh được hớt tóc gọn, nhiều vết thương bắt đầu kéo da non, bỏ băng trắng trên đầu nên trông khá hơn mấy ngày trước… Rõ ràng, các thầy thuốc điều trị tích cực, chăm sóc kỹ nên Hào Anh đang hồi phục nhanh.

Ở Bệnh xá Công an tỉnh Cà Mau, Hào Anh được ở phòng riêng, có máy lạnh, giường nệm sạch sẽ, gọn gàng. Các thầy thuốc, cảnh sát điều tra trực tiếp chăm sóc, lo từng miếng ăn, canh từng giấc ngủ cho Hào Anh.

Mấy lần vào thăm, muốn ghi lại lời em kể về những trận hành hạ của chủ trại tôm giống nhưng Hào Anh quá yếu, lại đông người tới lui. Hôm nay, Hào Anh có thể kể trên giường bệnh về địa ngục trại tôm giống Minh Đức với cuộc sống cơ cực, tủi khổ, đau đớn tột cùng.

Lời kể của Hào Anh

Hằng ngày, Hào Anh thức sớm giặt đồ, lau nhà, rửa chén, cho tôm ăn, giữ em…Trước đây, chủ trại giống Minh Đức nói với mẹ Hào Anh là cho em phụ nuôi tôm đẻ, cho tôm ăn. Hào Anh cũng mừng lắm, muốn học nghề cho tôm đẻ để thả xuống vuông ông ngoại nuôi.

Tuổi thơ bị đánh cắp ảnh 2
Dụng cụ vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức hành hạ Hào Anh

Nhưng ước ao rất bình thường trở thành ác mộng trong sự hành hạ man rợ của vợ chồng chủ trại tôm giống Minh Đức là Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm.

Vợ chồng chủ trại cùng con cái ngủ trong phòng lạnh phía trong nhà. Hai người làm công có bà con họ hàng với chủ ngủ trên chiếc giường ở giữa trại. Riêng Hào Anh cho ngủ trên tấm sắt, kê trên sàn bằng gỗ tròn bằng đước, gần nhà tắm, với 2 con chó kiểng.

Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Cà Mau giám định tỷ lệ thương tật Nguyễn Hào Anh là 66,83% do vợ chồng chủ trại giống là Huỳnh Thanh Giang- Mã Ngọc Thơm và 2 đồng phạm trong vụ án “hành hạ người khác”, “cố ý gây thương tích”.

Em có nhớ bị chủ đánh lúc nào không? Hào Anh kể lại: “Em không nhớ rõ, lần đầu bị cậu Giang (Huỳnh Thanh Giang) đánh gãy cây dầm bơi xuồng gần Tết vừa rồi. Con bơi xuồng ra chậm, nước chảy xiết, đẩy xuồng va vào đá (tấm đan xi- măng). Cậu Giang lấy cây dầm phang vào trán con, tối tăm mày mặt, máu chảy hết thấy đường”.

Hào Anh mang vết thương sưng trán, bưng mủ, chưa lành, liên tục bị đánh đập. Ông bà chủ trại rầy la Hào Anh làm biếng, không nghe lời, làm việc chậm. Ai đánh em nhiều nhất? “Ai cũng đánh em, vợ chồng mợ Giang, hai anh làm chung cũng đánh nữa.

Mợ Giang, cậu Thơm tròng dây gân vào cổ, bắt em lau nhà. Mợ Giang cầm đầu dây, chửi rủa, chê em lau chậm, lau không sạch. Mợ Giang giật ngược về phía sau, em té ngửa, nghẹt thở”.

Còn vết thương trên lưng em? “Em đang đứng, mợ Giang ủi đồ, ủi bàn ủi nóng lên lưng, nóng không chịu nổi. Rồi mợ Giang còn đổ nước rửa bể tôm vào người, rát hết biết.

Em không còn nhớ bị đánh bao nhiêu lần, nhiều lắm, hễ có chuyện gì không vui trong nhà là em bị đánh. Em nấu cơm làm vỡ cái chén, mợ Giang đánh em chết giấc, gắp lửa than bỏ vô miệng, lấy đũa sắt gắp lửa than còn nóng đỏ đâm vô háng”.

Vậy ai là người bẻ răng em, làm sứt môi? “Em đang ngồi giặt đồ, có cậu Giang ngồi gần, mợ Giang chửi con lười biếng, làm chậm, giặt đồ không sạch. Cậu mợ Giang ùa vô đánh em chết giấc, rồi lấy kìm kẹp sứt môi, nại gãy răng”.

Em bị đánh đập nhiều quá, em sợ nhất là gì? “Em sợ nhất là tạt nước sôi! Em đang giặt đồ, có khi cậu, có khi mợ chửi bới, tức giận, rót nước sôi trong bình thủy vô nắp bình, hắt vô em, nóng lắm, chịu không nổi.

Đêm nằm, vết thương chảy nước, nóng trong mình, không làm sao hết nóng. Còn cây búa thầu, cậu mợ Giang đập vào đầu gối, đau điếng, chóng mặt, bầm đen đây nè!”.

Vì sao em lại bị ép uống nước tiểu của mình? : “Em bị nhốt, trói chân không cho ra ngoài vì em ra ngoài là bị đánh. Em sợ lắm, không dám làm động, nhưng nửa đêm, em mắc tiểu, em đái vô bọc ni - lông để đựng tôm giống, để sáng mai bỏ xuống sông.

Sáng ra, mợ Giang thấy, bắt em uống, không sẽ bị đánh. Em sợ bị đánh đau nên uống đại, mà vẫn bị đánh!”.

Ai bắt em ăn cua chết? “Mợ Giang bắt em ăn, không phải cua mà con rẹm chết”.

Những lời kể chưa tròn môi, đứt quãng, giống như quãng đời làm mướn quá nặng nề, đau đớn, tủi nhục không tưởng tượng nổi.

Hào Anh sẽ lớn lên để làm tôm giống

Như mong ước của mẹ Hào Anh - chị Phạm Thị Thoa cho con đi làm trại giống tôm để học nghề. Trên giường bệnh, các thầy thuốc, chiến sĩ cảnh sát hình sự chăm sóc Hào Anh thay thế người thân. Hào Anh mong muốn: “Con muốn học nghề hơn, nghề nuôi tôm đẻ. Con biết cho tôm ăn rồi!”.

Đôi bạn thanh niên ở chợ Rau Dừa, xã Hưng Mỹ (Cái Nước) là Quách Minh Tèo, Nguyễn Minh Khoa hay tin Hào Anh bị hành hạ dã man đã chạy xe máy gần 100 cây số từ nhà đến Bệnh viện Đầm Dơi nhưng không gặp, vòng lên Bệnh xá Công an Cà Mau (TP Cà Mau) hỗ trợ một triệu đồng.

Những tấm lòng nhân ái khắp đất nước đang tiếp sức cho Hào Anh vượt qua thương tật để vượt qua nỗi đau. Nhiều luật sư của tỉnh Cà Mau, TP HCM đăng ký bảo vệ quyền lợi miễn phí cho Hào Anh trong quá trình điều tra, xét xử. 

Mã Ngọc Thơm xin vào trại tạm giam

Ông Nguyễn Minh Nhứt, Khóm trưởng 4, phường 5 (TP Cà Mau) cho biết, liên tục mấy ngày qua, hàng trăm người tụ tập trước ngôi nhà số 100/3 Bùi Thị Trường, khóm 4, phường 5 (TP Cà Mau) đòi hành hung bà Mã Ngọc Thơm. Lực lượng bảo vệ ngăn cản, giải thích và giải tán đám đông.

Mã Ngọc Thơm nhờ người thảo đơn gửi Cơ quan CSĐT để xin vào trại tạm giam, dù đang nuôi con nhỏ, để an toàn tính mạng.

Một nguồn tin đáng tin cậy cho hay, công an địa phương phải ngụy trang để đưa Mã Ngọc Thơm đến Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy để làm rõ nghi vấn có mua bán ma túy hay không? Đó chính là câu hỏi vì sao vợ chồng Huỳnh Thanh Giang - Mã Ngọc Thơm giàu lên nhanh không hiểu nổi trong thời gian ngắn. 

Còn nữa

Kỳ tới: Từ một cô thôn nữ làm vợ nhỏ ông lương y hơn mình gần 20 tuổi, xấu số, Mã Ngọc Thơm chung sống với Huỳnh Thanh Giang là một sinh viên trung cấp thủy sản nghèo, thất nghiệp. Sau khi làm trại tôm giống Minh Đức với qui mô nhỏ, sản xuất cầm chừng lại giàu lên nhanh chóng, vàng đeo hơn 10 cây trên người – Vợ chồng Giang – Thơm biến thành con người khác. Đón đọc trên Tiền Phong số 129

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.