Tuổi trời sao co giãn?

Tuổi trời sao co giãn?
TP - Các cụ ngồi mâm trên, thường nhỏ nhẹ hỏi nhau “Thưa, thiên tước cụ năm nay bao nhiêu ạ?”, ý muốn biết tuổi trời cho năm nay đã mấy mươi rồi. Các cụ quan niệm tuổi thọ con người là tước trời ban nên khó lắm, quý lắm, thiêng liêng lắm.

Thế nhưng hiện thời, tước hiệu thiên đình đang bị khai thác triệt để theo hướng có lợi cho mình. Các cụ có độ tuổi trên dưới 50, bản khai sinh thường ít hơn tuổi thực. Thập niên 50, 60 và 70 của thế kỷ trước, đi học hay bị lưu ban lắm, mặc dù ý chí tự học cao hơn bây giờ. Để đề phòng, cha mẹ thường khai sụt  vài tuổi.

Nay thì khác. Có dạo, vì hám thành tích, người ta làm lại giấy khai sinh rồi đưa các cháu lớn vào đội bóng U11 và cãi nhau bất phân thắng bại vì cho rằng muốn xác định tuổi các cháu phải cần kĩ thuật đo xương.

Xin thưa, chưa cần đo xương, chưa cần sử dụng sự giám sát nhân dân, chỉ cần dùng phép thử để biết cháu nào  đã có trình độ lớp 8, lớp 9 là loại ngay, vì không ai đi học lớp 1 khi mới 2 tuổi cả.

Những năm chiến tranh, khi còn chế độ trợ cấp đi B, có lần chúng tôi được tham gia đoàn kiểm tra chính sách hậu phương quân đội ở địa phương nọ, phát hiện một gia đình quân nhân nhận một số tiền trợ cấp  hơi  nhiều.

Tôi đem chia cho tháng và trừ lùi về trước thì thấy quân nhân ấy từ miền Bắc vào chiến trường chiến đấu lúc 12 tuổi. Thân nhân (là cán bộ chủ trì xã) không còn cách nào khác liền nói ẩu là “đi thiếu sinh quân”.

Họ không ngờ chúng tôi có danh sách tất cả thiếu sinh quân của địa phương do cơ quan quân sự cấp. Đến nước ấy, thân nhân mới chịu nhận cố ý khai tăng số năm ở B để hưởng lợi.

Em nhiều tuổi hơn anh

Ở quê tôi có những trường hợp em nhiều tuổi hơn anh, chị ruột của mình. Vì hám lợi, ông đương chức cố sửa bằng, sửa giấy khai sinh cho ít tuổi, người ở quê làm dân thường cố khai tăng để thoát nhiều khoản đóng góp nghĩa vụ và hướng tới độ tuổi ưu đãi 60, 85.

Có người hồ sơ Đảng lệch với hồ sơ công chức 10 tuổi khi về hưu. Có người “phải về hưu” nên  cho tăng tuổi để làm hồ sơ. Đến khi về quê tái xuất vào công vụ, tiến bộ được kết nạp, lại tìm cách giảm bảy tuổi để mong được cơ cấu.

Có người khi làm chủ trì ở địa phương, cử tri còn nhớ rất rõ năm sinh qua những lần đi bầu, danh sách niêm yết ứng cử viên. Có người lên chức cao hơn, cử tri đi bầu lại thấy vị ấy sụt đi vài ba tuổi. Người nhận huân chương kháng chiến sai hạng, báo chí đã công bố thì rõ ràng sai luôn năm hoạt động kháng chiến , từ đó suy ra tuổi thực người đó cũng không chính xác.

Thôi thì tuổi co giãn tùy thời điểm, tùy cương vị, tùy thực tế tiến lùi. Có một cán bộ sở hữu đến ba năm sinh. Năm lớn nhất là hồ sơ bảo hiểm, năm bé nhất là hồ sơ ở tổ chức cán bộ.

Tác giả NQA có lần chứng minh trên  LĐNA, có vị về hưu năm trước, năm sau mở tiệc mừng thất thập! Có vị về hưu đúng tuổi nhưng 12 năm sau vẫn phải dưới 65 tuổi,  vì  cái “quy chế trường dân lập ” bắt phải thế, nên phải nói thế. Nói như người miền Nam “nói zậy nhưng không phải zậy”!

Ngược với anh tìm cách bớt là có anh tìm cách thêm tuổi. Làng tôi có ông T mới hơn 60 mà ông cứ muốn làm ông, làm cha cả xã, cả huyện.

Ông nuôi râu, đi đứng, nói năng sao cho thật già lão, khệnh khạng, hàng ngày chống gậy trúc, đi đâu ông cũng xưng đã 75 tuổi, ông phê phán các cụ không nhớ tuổi ông rồi nói xằng.

Cùng trang lứa còn sống khá nhiều, tuổi trên cũng còn khối. Ai cũng nhắc ông “có nhớ trận đá bóng quả bưởi năm nào không”. Ông vẫn không nghe vì ý chí muốn làm cụ có thiên tước cao hơn họ cho bằng được.

Khai tăng, khai sụt tuổi là căn bệnh có thực hiện nay. Có đủ các đối tượng cụ, ông, anh, chị, và các cháu khai sai. Động cơ sai lứa tuổi nào cũng hội tụ trong hai chữ “hám lợi”. Nhưng với các cháu đá bóng thì  hai chữ đó thuộc về người lớn.

Như vậy thực tế đặt ra là có sự tham ô tuổi. Tôi nghĩ, tham gì chứ tham tuổi thì tự  họ muốn lấy cũng chịu, nếu ngành tư pháp  không cho.  Chuyện không nhỏ đâu. Xin  vào cuộc nghiêm túc để giữ đúng tuổi trời cho con người chân chính.

MỚI - NÓNG