Tướng công an nói về mục tiêu giảm tội phạm của Bí thư Thăng

Phó giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân, Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Huy Thuật (Ảnh: Báo CAND)
Phó giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân, Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Huy Thuật (Ảnh: Báo CAND)
Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Huy Thuật, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân đánh giá về phát biểu của ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM yêu cầu kéo giảm tình hình tội phạm rõ rệt, trong 3 tháng tới: Có thể giảm nhưng khó bền vững.

Mới đây, phát biểu chỉ đạo, tại cuộc họp của công an Tp HCM, Tân Bí thư Thành ủy Tp HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu lực lượng CATP phải nỗ lực hết sức để trong 3 tháng tới phải kéo giảm tình trạng tội phạm một cách rõ rệt. Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, cần phải xử lý nghiêm những ai không hoàn thành nhiệm vụ được giao và cả những cá nhân “làm chính quyền mất uy tín đối với nhân dân”.

Giảm tình trạng tội phạm tại Tp HCM không chỉ là mong mỏi của người dân thành phố mà còn là mong mỏi của người dân cả nước. Bởi, mỗi khi đi du lịch, công tác tại thành phố này, bất cứ người dân nào cũng đều mong muốn được an toàn và được thoải mái, không phải lo khư khư giữ tài sản, không sợ những cú cướp giật bất ngờ.

Yêu cầu của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng như đã “gãi đúng chỗ ngứa” của đông đảo người dân. Rất nhiều ý kiến ủng hộ, nhưng liệu có giảm được hay không, muốn giảm thì phải làm sao? 

Trong chuỗi bài viết cùng hiến kế với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, PV đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, GS-TS Nguyễn Huy Thuật, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân về vấn đề này.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Thuật cho rằng việc Bí thư Thành ủy đã “ra đề bài” như vậy là thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước với tình hình an ninh trật tự trong tình hình mới.

“Chúng ta cũng có Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Tôi cho rằng yêu cầu của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng là rất tốt”- Thiếu tướng Thuật nói thêm.

Tuy nhiên, theo GS-TS Nguyễn Huy Thuật, việc thực hiện đề bài này không hề đơn giản. Bởi thời gian là quá ngắn, 3 tháng. Việc dùng các biện pháp trấn áp tội phạm cũng có thể làm được nhưng sẽ khó bền vững.

Theo lý giải của Thiếu tướng Nguyễn Huy Thuật, vấn đề tội phạm là vấn đề rất phức tạp. Nó bắt rễ từ rất nhiều vấn đề như chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa- xã hội. Giảm tội phạm bền vững là phải đồng bộ, quyết tâm và từng bước một. Trấn áp có thể làm giảm được, nhưng sẽ không bền vững. Phải bắt nguồn từ giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, công tác quản lý giáo dục, công tác thi hành án, điều tra truy tố xét xử và tái hòa nhập cộng đồng.

Mặt khác, theo Thiếu tướng Nguyễn Huy Thuật, một mình Tp HCM không thể làm được, vì tội phạm không còn biên giới tỉnh, thành phố, thậm chí còn có tội phạm xuyên quốc gia. Ông cũng chỉ rõ, TpHCM là 1 trong 4 trọng điểm về an ninh trật tự, vì là thành phố lớn, nằm trong khu vực phức tạp về an ninh trật tự. Xung quanh Tp HCM cũng có một số điểm tình hình an ninh trật tự phức tạp khác.

Bên cạnh đó, thiếu tướng Thuật cho rằng, có thể công tác theo dõi đối tượng lưu động, các tội phạm chuyên sâu chưa được tốt lắm. Bản thân các đối tượng tội phạm cũng càng ngày càng tinh vi. Trước đây, theo quy luật, các băng nhóm hoạt động tội phạm thường hoạt động liên tục, nhưng hiện nay, các đối tượng này gây ra một vụ rất lớn rồi “lặn” không dấu tích, đến vài tháng sau mới hoạt động trở lại. Do đó, phát hiện điều tra cũng rất khó khăn.

Mặc dù chỉ ra những khó khăn có thể gặp phải, nhưng Thiếu tướng Nguyễn Huy Thuật cũng chỉ rõ những việc cần làm để giảm tình trạng tội phạm như chỉ đạo quyết liệt tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, phát động quần chúng nhân dân nêu cao cảnh giác, tố giác tội phạm, quản lý chặt đối tượng tiền án tiền sự có thể làm được.

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Nguyễn Huy Thuật cũng nêu ý kiến cần thống kê, đánh giá tình hình chuẩn xác hơn nữa. Vì muốn có biện pháp giảm thì phải có đánh giá thống kê chính xác. Số liệu thống kê chính xác thì mới là công cụ hữu hiệu để chỉ đạo các hoạt động thực tiễn. GS-TS Nguyễn Huy Thuật cho rằng, tình hình thống kê hiện nay ở nhiều ngành còn hình thức.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Thuật lấy ví dụ về một cảnh sát trưởng ở Hoa Kỳ, sau vài năm làm cảnh sát trưởng tình hình tội phạm giảm rõ rệt, khiến các nhà nghiên cứu tội phạm học phải sửng sốt. Bởi vì, ở bên đó họ làm việc rất bài bản. Ngay thống kê về tình hình tội phạm, hàng tuần giao ban ông cảnh sát trưởng này yêu cầu phải báo cáo thống kê rất chính xác, không cho sai sót. Trên cương vị đó, ông điều tiết nguồn nhân lực, căn cứ vào thống kê báo cáo.

Trước câu hỏi của phóng viên, ông có ủng hộ việc áp dụng mô hình 141 của Hà Nội cho Tp HCM, Thiếu tướng Nguyễn Huy Thuật cho rằng: “Thực ra, 141 với nước ngoài không phải là mới, nó chính là tuần tra kiểm soát. Thực tiễn ngành công an cũng đã rất nỗ lực phòng ngừa tội phạm, nhưng vẫn còn đâu đó có hiện tượng ngồi một chỗ đợi tin báo tố giác tội phạm. Ở nước ngoài, họ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát. Ngay nước Na Uy có điều kiện an ninh tốt như vậy, tôi cùng đoàn sang làm việc, vẫn thấy vệ đường người ta vẫn khóa chiếc xe đạp bằng càng khóa rất to. Ngay thủ đô Oslo (Na Uy), một thời điểm có tới 15 đơn vị tuần tra kiểm soát. Họ đi tuần tra bằng xe ô tô, trên xe có đầy đủ các phương tiện tuần tra”.

Thiếu tướng Nguyễn Huy Thuật lý giải, về lý thuyết của tuần tra kiểm soát mà các nước phát triển vẫn giảng dạy là: “Nếu một đối tượng đang muốn đột nhập địa bàn, mà thấy xe tuần tra đi qua, đối tượng này có thể dừng lại vì sợ xe tuần tra quay lại. Lần thứ 2, đối tượng này định thực hiện hành vi, nhưng thấy có cảnh sát ở gần đó, sẽ thôi không làm. Lần thứ 3, đối tượng này tiếp tục đến để thực hiện hành vi, nhưng lại thấy cảnh sát đến, đối tượng sẽ bỏ và không làm nữa. Bản chất của tuần tra kiểm soát là duy trì sự hiện diện của lực lượng cảnh sát và ngăn ngừa tội phạm”.

“Do đó, lực lượng cảnh sát Hoa Kỳ gần như có khoảng 2% quân số tuần tra. Với cảnh sát phường, mỗi cảnh sát được trang bị một xe ô tô, trên đó trang bị đầy đủ phương tiện tuần tra và tuần tra theo lộ trình, theo chiến thuật riêng. Hiện nay, họ còn đặt thiết bị theo dõi vệ tinh trên các xe tuần tra để tránh trường cảnh sát mệt quá ngủ, không tuần tra”- tướng Thuật nói thêm.

Qua những phân tích trên, quan điểm của Thiếu tướng Nguyễn Huy Thuật cho rằng, tất cả những biện pháp trên chỉ là phần ngọn, phần gốc rễ của vấn đề để giảm tội phạm bền vững phải xuất phát từ nhiều biện pháp đồng bộ là phải có sự giáo dục tốt, giải quyết công ăn việc làm, quản lý đối tượng chặt chẽ….

“Vẫn có thể giảm trong 3 tháng, nhưng sẽ không bền vững, có thể sử dụng các biện pháp sau để giảm tình hình tội phạm như, tăng cường tuần tra kiểm soát; quản lý chặt các đối tượng có nguy cơ; Thứ 3, tăng cường kiểm tra quán trọ, khách sạn, Thứ 4, đề nghị quần chúng nêu cao tinh thần cảnh giác. Thứ 5, vụ nào đã phát hiện được thì nhanh chóng điều tra, truy tố xét xử lưu động. Nếu quyết liệt cả hệ thống chính trị thì sẽ làm được, nhưng muốn giảm tội phạm thì phải có chương trình bài bản. Đồng thời, không phải chỉ riêng Tp HCM mà các tỉnh khác như Đồng Nai, Long An, Bình Dương cũng phải cùng vào cuộc. Có thể phân tích đối tượng phạm tội tại Tp HCM gốc rễ ở khu vực nào, kể cả tội phạm từ phía Bắc.”- Thiếu tướng Nguyễn Huy Thuật nhấn mạnh.

Theo Theo Infonet
MỚI - NÓNG