Tượng đài ngàn năm tự chủ

Tượng đài ngàn năm tự chủ
TP - Sự kiện Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đặt tên cho kinh đô của triều Lý là “Thăng Long” là một sự kiện trọng đại, như một mốc son thăng hoa trên tiến trình dựng nước của dân tộc ta. Từ bấy đến nay, bề dày lịch sử nghìn năm, trở thành tài sản vô giá của cả dân tộc.
Tượng đài ngàn năm tự chủ ảnh 1
Khuê Văn Các ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Ảnh: Hồng Vĩnh

Ai cũng biết rằng Đại La là trị sở của các thế lực phong kiến ngoại bang duy trì ách chiếm đóng lãnh thổ của dân tộc ta được xác lập từ thời Văn Lang, liên tục hơn một thiên niên kỷ như quận huyện của các Đế chế phương Bắc.

Trong Chiếu dời đô, vị vua khởi lập triều Lý vẫn nhắc đến Cao Vương (Cao Biền) cùng thế đất “rồng chầu hổ phục...vạn vật phong thịnh tươi tốt, là nơi thắng địa, là chỗ  bốn phương tụ họp, có thể làm đất kinh sư muôn đời” .

Nhưng ai cũng biết rằng, trước Đại La, cũng kề cận với vùng đất này là kinh đô Cổ Loa đầy huyền thoại của thời An Dương Vương, kinh đô Mê Linh tuy ngắn ngủi những oai hùng của chị em Vua Bà Trưng Trắc - Trưng Nhị, thành Vạn Xuân bên dòng Tô Lịch của Lý Nam Đế.  Rồi sau Đại La và trước Thăng Long lại là kinh đô Cổ Loa của Ngô Vương Quyền.

Tượng đài ngàn năm tự chủ ảnh 2
Phố Hà Nội - Ảnh: Hồng Vĩnh

Như thế, từ Hoa Lư ra Thăng Long cũng còn có nghĩa là sự trở về với vùng đất thiêng vốn  gắn với sự hình thành nền tự chủ của dân tộc ta xác lập từ thời các Vua Hùng dựng nước định đô trên đất Phong Châu (nay ứng với Việt Trì) từ trung du hướng xuống châu thổ Sông Cái bao trùm cả vùng Bắc Bộ  để từ đó luôn nhằm phương Nam mà vượt (Chữ “Việt” viết bằng chữ Hán còn mang nghĩa là “vượt”) tạo nên lãnh thổ của nước Việt Nam hiện đại.

Lịch sử đã ghi nhận chiến công của Ngô Vương Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (938) là cái mốc xác lập nền tự chủ Đại Việt chấm dứt hơn một thiên niên kỷ Bắc thuộc.

Bước củng cố nền độc lập còn trứng nước bằng cuộc chinh phục các thế lực phân tranh tạo nên sự thống nhất chính trị quốc gia của Đinh Tiên Hoàng là vô cùng quan trọng.

Sự lựa chọn Hoa Lư trùng điệp những rặng núi đá vôi tựa thành luỹ và những cánh đồng trù phú cùng đầm hồ, sông ngòi là rất khôn ngoan trong buổi đầu củng cố nền tự chủ.

Thêm một lần khẳng định nền tự chủ với phương Bắc bằng chiến công hiển hách đi cùng với hành xử cao cả của bà Thái hậu họ Dương chuyển trao quyền lực từ triều Đinh cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn giúp lập lại chiến công đánh bại quân Tống cũng tại Bạch Đằng để khai sinh nhà Tiền Lê và Lê Đại Hành xưng đế.

Các triều Ngô - Đinh - Tiền Lê tuy đều ngắn ngủi nhưng đã thực hiện được những sứ mệnh lịch sử vô cùng hệ trọng tạo dựng cho sự ra đời bền vững của những triều đại tiếp theo trên nền tảng tự chủ mà xây đắp nền Văn Hiến Đại Việt mà triều Lý là khởi nghịêp và sự kiện định đô tại Thăng Long là sự khởi đầu.

Tượng đài ngàn năm tự chủ ảnh 3
Lầu Ngọ Môn - Ảnh: Hồng Vĩnh

Một ngàn năm tiếp theo bắt đầu từ thời Lý, trải qua các triều Trần, Lê và bị đứt đoạn ngót một thế kỷ rưỡi (1802 - 1945) bởi nhà Nguyễn chuyển kinh đô về Huế rồi nối lại mạch đất đế đô của Thăng Long nay đã mang tên “Hà Nội” trở thành thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

Hà Nội đã xứng danh là trái tim của đất nước trải qua mọi thử thách ác liệt của phần còn lại thế kỷ XX , tiếp tục khẳng định tư thế thủ đô của một quốc gia độc lập toàn vẹn lãnh thổ để bước vào cuộc hội nhập toàn diện khi chúng ta bước vào thế kỷ XXI cũng là khởi đầu cho một thiên niên kỷ mới. 

Tượng đài ngàn năm tự chủ ảnh 4
Tháp rùa - Ảnh: Hồng Vĩnh

Vì vậy, cái thiên niên kỷ chúng ta vừa chia tay, cái thiên niên kỷ Thăng Long - Hà Nội là kinh đô của nước ta cũng chính là một ngàn năm phấn đấu cho nền tự chủ và hoàn thiện lãnh thổ toàn vẹn của quốc gia Việt Nam.

Đọc kỹ sử sách ta thấy, Lý Công Uẩn định đô mà ít nói đến việc xây thành cao hào sâu mà những mối quan tâm đầu tiên lại là đắp đê Cơ Xá để mong dân chúng được an cư lạc nghiệp; thiết lập “Tứ trấn” để viện đến thần linh bảo dân hộ quốc; xây chùa hành đạo để đưa Phật giáo thành quốc đạo quy tụ nhân quần; dựng Văn Miếu và lập Quốc Tử Giám để đào tạo hiền tài và chấn hưng Văn hiến...

Còn trong cả một thiên niên kỷ ấy, từ nhà Lý đến các triều đại sau đều không giữ thành mà chỉ chăm giữ lấy dân.

Ba lần giặc Nguyên đến, vua quan nhà Trần đều bỏ thành về quê lập thế trận nhân dân đánh giặc những đòn chí mạng ở Đông Bộ Đầu, Hàm Tử Quan...và cuối cùng vẫn là Bạch Đằng.

Vây chặt giặc Minh trong thành Đông Quan, Nguyễn Trãi ngồi trên lầu cao bên bến Bồ Đề trông giặc mà nghĩ kế  “tâm công” viết thư dụ hàng rồi cuối cùng cả hai bên đều kéo nhau ra hội thề nguyện chấm dứt binh đao.

Và câu chuyện Hoàn Gươm bên hồ Lục Thuỷ mãi mãi trở thành biểu tượng của một kinh đô ưa chuộng hòa hiếu mà nửa thiên niên kỷ sau đó, Hà Nội đã được thế giới vinh danh là “Thành phố Hòa bình”.

Tượng đài ngàn năm tự chủ ảnh 5
Bản đồ Hà Nội cổ, ô viền xanh tô vàng là di tích Hoàng Thành (ảnh tư liệu)

Từ những thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ này dường như thử thách ngày càng khắc nghiệt hơn khi đất nước đã vươn mình dài rộng từ châu thổ sông Hồng đến châu thổ Cửu Long giang.

Nhà Tây Sơn vừa thống nhất sơn hà xong đã phải diệt quân Xiêm xâm lược ở phương Nam và làm một trận thần tốc quét sạch quân Thanh ngay trên đất Thăng Long, “đánh để sử tri Nam quốc chi hữu chủ”.

Rồi Hà Nội ngập tràn khói lửa của hai lần giặc đánh Hà Nội, hai vị tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu lẫm liệt chiến đấu và lẫm liệt tuẫn tiết, khi đã làm khác với tiền nhân là giữ thành đương đầu khi thế giặc còn mạnh.

Rồi Hà Nội trở thành thành phố nhượng địa của thực dân (1888) nhưng cũng lại được thừa hưởng những thành quả của sự giao lưu văn hóa để lại một di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đến nay chúng ta vẫn đang bảo tồn và thừa kế.

Thêm một lần nữa “Thăng Long phi chiến địa” thực ra chỉ là ước vọng của dân tộc. Sáu mươi ngày đêm cuối năm 1946 đầu năm 1947, rồi trận đánh “Điện Biên Phủ trên không” (12-1972) là những thử thách cuối cùng của Thiên niên kỷ đấu tranh cho nền tự chủ, ban đầu với phương Bắc, sau này với cả thế giới thực dân mọi màu sắc.

Không phải tự nhiên mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kết nối cái tinh thần của Hà Nội 1946 với toàn bộ thế kỷ XX khi đưa ra đánh giá : “Tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh: chính là đỉnh cao tư tưởng Hồ Chí Minh của thế kỷ XX là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Một ngàn năm tuổi của Thăng Long - Hà Nội chính là bề dày của tinh thần tự chủ, của khát vọng hòa bình và ý chí độc lập tự do! Là sức mạnh, là tài sản hữu hình và vô hình to lớn để Hà Nội đi tới xứng danh là thủ đô, trái tim của cả nước, sánh vai cùng các miền đất đế đô linh kiệt nhất trên thế giới.

Xuân 2010

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.