Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ

Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ
TP - Năm tiểu đoàn Pháp bị kìm chân, Navarre rơi vào bẫy

> Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ (tiếp)
> Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ

Ông Giáp quyết định “thu hẹp mâu thuẫn của ông” (việc tập trung chủ lực cho trận quyết chiến ở Điện Biên khiến các vùng tự do bị suy yếu - TP). Ông biết Navarre có thể tìm cách và chặn đường của ông vào Lào nếu ông đánh về hướng đó, vì vậy ông bắt đầu chuyển quân nhanh chóng qua Bắc Bộ, Trung Bộ và Lào để kéo quân Pháp khỏi vùng châu thổ và làm cho họ phân tán làm năm cứ điểm tập trung.

Sau đó, lần lượt năm cứ điểm tập trung này bị phá vỡ. Trước tiên là châu thổ sông Hồng. Tại đây ông Giáp để lại các đơn vị du kích để giết địch, cắt đứt đường giao thông, đánh các đồn bốt ngoại vi, cắt đứt đường số 5 giữa Hà Nội và Hải Phòng. Việc này đã kìm chân 5 tiểu đoàn Pháp.

Tháng 12/1953, Việt minh di chuyển trong 5 ngày từ Vinh theo các con đường núi vào Lào. Tại đây, họ đánh quân Pháp ở Thakhet và quay về Seno - căn cứ không quân của Pháp - bao vây căn cứ này trong 5 ngày. Hai tiểu đoàn nữa được Navarre rút từ châu thổ sông Hồng và Sài Gòn đưa sang Lào, nhưng lúc đó ông Giáp đã kiểm soát cao nguyên Bolovens ở Lào.

Sau đó, ông đánh bại cuộc hành quân Atlante của Navarre, một cuộc đổ bộ lên bờ biển phía nam Trung Bộ. Navarre hy vọng cuộc hành quân này có thể tiêu diệt Việt minh tại khu vực phía nam Tây Nguyên. Lại một lần nữa ông Giáp chuyển các đơn vị chính quy, đưa lên tăng cường cho Điện Biên Phủ, chỉ để lại một số đại đội du kích để quấy rối quân Pháp mà chưa bao giờ Pháp có thể đẩy họ đi được.

Trong khi đó ông mở những trận đánh lớn vào Tây Nguyên lấy Kon Tum và tiến về Pleiku. Hoạt động này đã kìm chân một vài đơn vị chiến đấu hung hãn nhất trong đội quân cơ giới của Pháp. Cuối cùng với một tốc độ di chuyển nhanh không thể tưởng tượng được, ông chuyển sư đoàn 316 vào Lào tiến về Luang Prabang.

Navarre cho 5 tiểu đoàn đi chặn đường. Ông Giáp chỉ việc quay lại, lùi nhanh về Điện Biên Phủ để tăng cường cho binh lực của mình. Do đó quân Pháp bị phân tán làm 5 địa điểm tập trung, nơi này không thể tăng cường cho nơi kia được. Sức ép ở châu thổ giảm bớt và đạo quân ở Điện Biên Phủ rơi vào bẫy.

Sau đó ông Giáp nói rằng: Nếu quân Pháp bị thua là do chính họ đánh họ thua. Navarre đã bị đánh lừa vì chính kinh nghiệm của ông ta ở Nà Sản năm trước khi ông Giáp đưa biển người của mình vào đó và mặc dù ít hơn nhiều về quân số, quân Pháp đã gây thương vong lớn cho quân ông Giáp. Navarre muốn có một trận đánh cho quân địch tan tác ở Điện Biên Phủ.

Tại đây quân của ông có thể làm như ở Nà Sản. Nhưng thực tế ông lấy làm may mắn đã rút được quân ra khỏi Nà Sản và lòng cuồng nhiệt say sưa hy sinh thân mình của Việt minh ở Nà Sản và ở Biên Hòa có thể là một lời cảnh cáo đối với ông.

Với thời gian trôi qua, quân Pháp biết rằng họ có thể phải tự bảo vệ lấy mình. Tất cả đều có vẻ là một sai lầm tai hại. Sau đó, khi mưa tháng tư bắt đầu rơi, người ta nhận thấy quá muộn rằng trung tâm thung lũng biến thành một đầm lầy và tại đây không có vật liệu địa phương để xây dựng công sự phòng thủ.

Viên tư lệnh không quân cho Navarre biết rằng không thể tiếp tế đầy đủ cho cứ điểm này vì nó cách Hà Nội 200 dặm. Nhưng Navarre không nghe ông ta. Tư lệnh không quân chỉ ném xuống đấy được có 2.000 tấn vật liệu xây dựng và căn cứ thiếu 34.000 tấn.

Cuối cùng gần như quân Pháp bị thiêu sống tại các công sự ngầm ọp ẹp của họ và trong bùn sâu. Navarre nghĩ rằng thậm chí nếu ông Giáp có pháo binh - mặc dù với tất cả hoạt động tình báo của mình Navarre không phát hiện ra mà chỉ phát hiện ra ngay trước lúc trận đánh bắt đầu - thì pháo binh và không quân của Pháp có thể tiêu diệt chúng nhanh chóng.

Navarre nghĩ rằng ông Giáp không biết sử dụng súng phòng không và cơ sở hậu cần của ông ta chỉ có thể duy trì một trận đánh kéo dài 4 ngày.

Navarre cũng không biết rằng nếu Điện Biên Phủ bị mất, chiến tranh Đông Dương cũng có thể sẽ kết thúc.

Pháo của ông Giáp bắn thẳng như đại bác của Napoleon

Nhưng ông Giáp đã chuẩn bị một trong những công tác hậu cần kỳ lạ nhất trong lịch sử, cho ba tháng chiến dịch.

Một đạo quân gồm hàng trăm nghìn người mang vác kéo ùn ùn đến Điện Biên Phủ, vận chuyển lương thực đạn dược trên các chiếc xe đạp, hoặc trên vai mỗi ngày đi 20 dặm, mỗi đêm 50 dặm. Súng lớn được kéo lên từng tấc một qua những dốc đá thẳng đứng vào công sự ngầm nhìn xuống thung lũng. Từng đoàn xe tải lăn bánh dưới lá ngụy trang kéo dài hàng dặm, hoặc đi ban đêm. Ảnh của máy bay trinh sát chẳng phát hiện thấy gì cả.

Đại tá Charles Piroth, chỉ huy trưởng pháo binh của Pháp từ chối không nhận thêm pháo, vì ông nghĩ rằng ông có thể xác định được vị trí của pháo địch khi chúng bắt đầu nhả đạn. Nhưng ông ta không hề trông thấy pháo của ông Giáp và khi hàng rào pháo khạc đạn, phá tan tành pháo binh của ông ta, ông ta tự tử bằng lựu đạn.

Pháo của ông Giáp không bắn cầu vồng. Đạn nã thẳng vào khu căn cứ không được che đậy giống như đại bác của Napoleon, nổ tung trong cái sân bay mà Navarre phụ thuộc vào đó để chiến đấu, mau chóng loại trừ sự yểm trợ cho tập đoàn cứ điểm bằng không quân. Từ lúc đó trở đi các máy bay phóng pháo, ném bom chỉ có thể hoạt động trên chiến trường 10 phút trước khi trở về Hà Nội.

Lại một lần nữa đây là canh bạc liều lĩnh nhất của ông Giáp. Sau đó ông viết: “Thực ra cứ điểm Điện Biên Phủ với công sự chắc chắn có nhiều điểm mạnh đặt ra cho quân đội chúng ta những bài toán mới về chiến thuật mà chúng ta phải giải quyết trước khi tiêu diệt quân thù”.

Ông biết rằng xông ồ ạt vào cứ điểm có thể làm quân ông bị tiêu diệt mất một nửa và làm mất tinh thần số còn lại: “Chúng ta đi đến kết luận là chúng ta không thể đảm bảo thắng lợi nếu chúng ta đánh nhanh. Vì vậy chúng ta cương quyết chọn một chiến thuật khác. Đánh chắc, và tiến chắc”. Quân ông Giáp từ từ thắt chặt quân đội Pháp bằng một hệ thống hầm hào đào rất nhanh, chui dưới dây thép gai và đưa quân Việt minh vào tận từng vị trí của Pháp. Tiếng cuốc, xẻng thình thịch không ngừng trong khi các hào cứ tiến gần hơn làm cho đội quân bảo vệ mất tinh thần. Trận đánh mở màn ngày 13/3/1954.

Vào khoảng 12/4, quân Pháp bị dồn vào một khu vực rộng 1 dặm vuông và đến 6/5 vào một khoảng chỉ rộng bằng 2 sân bóng đá. Cảnh tượng thật là khủng khiếp. Jules Roy, tác giả cuốn “Điện Biên Phủ” tả lại người bác sĩ duy nhất của quân đội Pháp: Grauwinelt. Anh ta gần như sắp khóc.

Cảnh tượng các thi thể rách nát, cụt đầu làm anh điên người. Để có thể đi tới căn hầm để nghỉ ngơi vài giờ, anh ta phải bước trên hàng đống chân tay bị cắt rời khỏi thân thể, cùng với người bạn tên là Gindrey, anh mổ, cưa xương, chữa chạy, cắt hàng thước ruột, khâu các vết thương ở ngực, dọn quang hàng trăm thi thể nằm ngổn ngang tại bãi nhận xác và bãi hạ cánh của máy bay lên thẳng.

Các xe tải mang những cái xác đó đi trong các gói hàng ma quái, ruồi, nhặng vo ve rầm rì bên trên, tới các nấm mồ do các xe ủi đất đào”.

James Fox
The Sunday Times Magazine - 1972

(Hết bài 1, mời độc giả đón đọc các kỳ của bài 2 của James Fox dưới tiêu đề “Tướng Giáp và chiến tranh chống Mỹ” trên các số báo tiếp theo - TP)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG