'Tướng lĩnh, sỹ quan 50 tuổi, còn sung sức nhưng đã phải nghỉ hưu'

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu
TPO - “Sỹ quan, Tướng lĩnh hơn 50 tuổi, còn khỏe mạnh, sung sức nhưng đã đến tuổi nghỉ hưu. Như vậy, tuổi nghỉ hưu giữa lao động bình thường với lực lượng vũ trang chưa đồng nhất, có sự chênh lệch rất xa, cần phải nghiên cứu, quy định cho phù hợp”, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu nêu khi Uỷ ban Về các vấn đề xã hội họp phiên toàn thể, cho ý kiến về dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi, chiều 6/8.

Để cập đến tăng giờ làm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu ví dụ: “Tại Bình Dương, tôi rất cảm động khi một cô người xanh xao mong muốn cho làm thêm giờ, vì nếu không sẽ không có tiền ăn, không có tiền nuôi con, nên sẽ làm đến lúc không còn làm được nữa. Nhưng cô ấy cũng lo lắng, làm thêm giờ như vậy, sức khỏe ảnh hưởng, lúc ốm đau thì tiền đâu chữa bệnh”, ông Lợi kể.

Tuy nhiên đại biểu Phùng Văn Hùng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng, khi người lao động lên tiếng như vậy, chúng ta phải xem lại tiền lương cơ bản đã đủ nuôi sống gia đình chưa? “Người lao động xanh xao như vậy, chẳng lẽ lại làm đến chết thì thôi? Đừng để người lao động bị vắt kiệt sức như thế. Tăng thêm 300 giờ, hay 400 giờ làm thêm là bước thụt lùi”, ông Hùng nêu quan điểm.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng, chỉ nên áp dụng trong ngày là hợp lý chứ không nên cộng dồn, lũy tiến trong tháng, trong năm.

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu, luật sửa đổi lần này mà không nói đến tiền lương thì chưa đáp ứng nhu cầu. “Chúng ta nói đến tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm mà vấn đề lương lại im re thì không được. Tôi đồng tình phải đề cập đến tiền lương và nhấn mạnh đây là chính sách cơ bản, bảo đảm cho người lao động có thu nhập, nâng cao mức sống, tái sản xuất sức lao động, nâng cao cuộc sống cho người ăn theo”, ông Giàng A Chu đề nghị làm rõ tiền lương tối thiểu gắn với lộ trình cải cách tiền lương của Chính phủ.

Về tăng tuổi nghỉ hưu, theo ông Bùi Sỹ Lợi, phải xây dựng danh mục cụ thể, ngoài loại hình lao động bình thường, phải làm rõ những lĩnh vực, nghề nghiệp cần giảm thời gian lao động.

“Có những ngành nghề không phải chỉ được quyền giảm 5 năm, mà có thể giảm tới 10 năm. Ví dụ với ngành than, lao động không thể vượt quá 50 tuổi được. Kể cả trong lĩnh vực giáo, dục y tế và một số lĩnh vực công cũng không thể làm được”, ông Lợi cho hay.

Cùng quan điểm, ông Đặng Thuần Phong đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa tuổi hưu và tuổi nghề. Theo ông, sở dĩ dư luận phản ứng trong thời gian qua vì việc này chưa được làm rõ. “Cứ lấy cán bộ công chức ra, người ta lại nói bám quyền, bám chức, còn người khác thì khổ vì không có chỗ làm”, ông Phong nói.

Đồng tình với việc tăng tuổi hưu, nhưng ông Giàng A Chu băn khoăn khi việc sửa đổi lần này chưa tính đến sự thống nhất với một số luật khác. “Sỹ quan hơn 50 tuổi nghỉ hưu rồi. Tướng lĩnh, sỹ quan 50 tuổi vẫn đang sung sức, khoẻ mạnh. Như vậy, tuổi nghỉ hưu giữa lao động bình thường với lực lượng vũ trang chưa đồng nhất. Dù có những tính chất, đặc thù khác nhau, nhưng vẫn có sự chênh lệch rất xa, nên cần phải nghiên cứu, quy định cho phù hợp”, ông Giàng A Chu đề nghị.

Tiếp thu giải trình, Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tuổi hưu là vấn đề cực kỳ khó ở tất cả các quốc gia trên thế giới, khi nâng tuổi đều vấp phải phản ứng của số đông người lao động. Ban soạn thảo sẽ báo cáo với Chính phủ vào ngày 14/8 tới đây.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.