Tướng miền biên ải

Tướng miền biên ải
TP - Trong chuyến công tác mấy tỉnh Tây Bắc, tình cờ tôi quen Thiếu tướng Vi Văn Long - Giám đốc công an tỉnh Điện Biên. Ông biết múa xòe, múa sạp. Đặc biệt, chọn được vợ nhờ tài ném còn, biết vắt cần trên ché rượu mỗi dịp Xuân về…

Những kỷ niệm khó quên

Tướng Long kể: Bố tôi là du kích từ năm 1953. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cụ sang làm công an xã rồi chuyển về phòng Nông Lâm huyện cho đến khi nghỉ hưu. Tôi là người Thái đen. Ngày nhỏ, tôi rất chịu khó học và học cũng được. Năm 1977, tôi thi đỗ liền 2 trường đại học là Kinh tế Quốc dân và Học viện An ninh nhân dân. Tôi chọn học an ninh.

Sau khi ra trường, tôi được phân công lên huyện giáp biên làm công tác an ninh. Tôi rất nhớ những kỷ niệm 3 cùng với dân ngày đó. Nhớ nhất lần chúng tôi phải ngủ ở chuồng ngựa. Những năm đó, bọn phỉ và thế lực thù địch luôn tìm cách sát hại cán bộ của ta, đặc biệt là những người làm công tác dân vận. Hôm đó, biết nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn quyết định ngủ lại. Ăn nhà này, uống nước nhà khác, thăm nom vài gia đình và nửa đêm hai anh em bí mật ra chuồng ngựa để ngủ...

Những năm 90 đi vận động bà con bỏ trồng cây thuốc phiện cũng rất khó khăn vì bà con người dân tộc còn trồng rất nhiều và họ thường đóng cửa không tiếp khi biết cán bộ muốn đề cập chuyện bỏ trồng. Một đợt, đã gần Tết, chúng tôi nhận nhiệm vụ phải làm sao họp được dân bản Lá Náng.

Đến bản, có lẽ kẻ xấu đã tung tin trước nên không nhà nào mở cửa. Người Mông có lệ, nếu không vào được nhà thì không bao giờ nói chuyện được với nhau! Không nản, tôi cùng anh em lâu la làm quen với mấy đứa trẻ đang chơi ở ngoài đường, xin nước, xin lửa để vào nhà. Khi bọn trẻ cho vào nhà, tôi bật đài mở đĩa nhạc tiếng Mông. Bọn trẻ nghe rất thích và lát sau, nhiều đứa trẻ khác kéo tới. Đến tối bố mẹ chúng đã chịu về tiếp khách! Sau vài ba ngày cùng sinh hoạt với nhau, bà con đã thịt gà mời, đã coi mình như anh em rồi. Tết năm đó, chúng tôi ăn Tết cùng bà con trong bản. Bà con tự phá bỏ cây thuốc phiện. Đó là thành công đầu đời trong công tác dân vận của mình!

Còn chuyện tình yêu của ông thế nào? Tôi hỏi. Ông cười: Ngày trẻ, lúc rảnh, tôi ham mê múa sạp và ném còn lắm. Nếu gặp được người mình yêu có khi ném cả ngày cũng chẳng thấy chán. Chúng tôi nên vợ nên chồng cũng qua những đêm múa xòe, những mùa ném còn đấy!

Đánh án ngày Xuân

Tướng Long kể tiếp: Làm công tác an ninh trên vùng cao có nhiều chuyện đánh án nhớ đời. Có lần, một đồng chí mới ra trường nhận nhiệm vụ về công tác tại Điện Biên. Hình như cũng gần Tết rồi, có tin của cơ sở báo về có vụ ma túy, đối tượng sử dụng một người phụ nữ đã có chồng để vận chuyển. Người Thái có đặc điểm khi đã lấy chồng tóc lúc nào cũng phải vấn. Đặc tình của ta báo, ma túy được cất giấu trong vấn tóc đó. Do còn ít kinh nghiệm nên khi đến bản, đồng chí trinh sát tiến hành kiểm tra ngay đối tượng. Trên vấn tóc không có gì vì bọn chúng đã thay đổi kế hoạch. Cả bản kéo đến bắt phạt lợn, gà và rượu đồng chí ấy theo tục lệ của người Thái đen. Số tiền bị phạt cũng phải mất mấy tháng lương. Về đơn vị, anh em cùng góp tiền để bù vào và coi đó là một kinh nghiệm quý: Đánh án phải đặc biệt thận trọng, chắc ăn, nhất là vào những dịp lễ tết, cưới hỏi...

Nhớ một lần, hôm đó đã là ngày 30 Tết, tình cờ anh em bên cảnh sát giao thông bắt được 3 đối tượng tàng trữ 4 bánh heroin. Khi còng tay chúng đưa về trụ sở, một tên nhân cơ hội chạy trốn. Thế là, dù đã là chiều ngày cuối năm, cả Đội cảnh sát phòng chống ma túy và những đồng chí khác trong đơn vị được huy động tham gia truy bắt. Cả đơn vị năm đó cùng đón giao thừa ở ngoài đồng. Biết đối tượng chưa thể trốn xa được, chúng tôi bàn nhau dùng loa kêu gọi động viên y ra tự thú, hứa sẽ cho về nhà lễ ông bà tổ tiên. Đúng như dự đoán, đối tượng đã ra đầu thú và xin được về thắp một nén nhang trước khi tra tay vào còng.

Có một chuyện bên phòng Hình sự công an tỉnh cũng làm tôi rất nhớ, đó là vụ 2 nghi can người Thái quá khích bắt cán bộ biên phòng. Hai đối tượng cực kỳ manh động, sẵn sàng chống trả. Hơn nữa cả bản sẽ ra cứu nếu tiến hành bắt chúng ở bản. Sau khi tính toán, chúng tôi đưa ra phương án phải kéo bằng được chúng rời bản để bắt. Công an nằm vùng đã tiếp cận một đối tượng, tạo ra một vụ va chạm xe rồi chở đối tượng lên bệnh viện huyện. Kẻ còn lại theo thông tin nội gián có mấy con sáo muốn bán. Chúng tôi vờ là người chơi sáo, trả giá cao nhưng nhờ mang hộ ra thị xã. Thế là hắn sập bẫy, chuyên án thành công. Nói đến đây tướng Long cười tươi: Khi lấy cung, nghi phạm vẫn hồn nhiên chỉ vào một cán bộ điều tra nói: Anh còn nợ tôi tiền mua sáo!

Đã mấy chục năm trong ngành, điều gì làm ông còn trăn trở? "Tôi không sợ vất vả, nguy hiểm, sợ nhất là dân không hiểu lòng mình. Giờ ra đường nghe người ta nói công an này nọ tôi thấy đau lòng. Một vài người làm sai mang tiếng xấu cho cả ngành! Nhưng tôi vẫn nghĩ, mình cứ hết lòng vì dân, với anh em đồng đội. Với tôi, thế là đủ" - Tướng Long nói.

Thiếu tướng Vi Văn Long sinh năm 1958. Năm 35 tuổi ông được đề bạt làm Trưởng Công an huyện Điện Biên Đông. Năm 38 tuổi, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (khi đó chưa tách tỉnh), là Phó giám đốc công an tỉnh trẻ nhất toàn lực lượng. Thêm sáu năm nữa, ông được đề bạt làm Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu. Năm 2008 đến nay, ông là Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".