Tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ: Nỗi đau lắng dần...

TP - Rất nhiều hoa sen. 50 năm rồi còn gì. Dưới chân tượng đài Chứng tích thảm sát Sơn Mỹ trong lễ tưởng niệm hôm qua 16/3, không phải những vòng hoa tươi cùng dải băng đen gợi nhớ nỗi đau như vừa mới qua, mà đã lắng lại rất nhiều. Những đóa sen hồng mềm mại và mạnh mẽ như sự vượt lên, vươn lên đầy kiêu hãnh…
Tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ: Nỗi đau lắng dần... ảnh 1

Ronald Haeberle cúi đầu trước vong linh 504 thường dân Sơn Mỹ vô tội. Ảnh:  Trần Tuấn

Những đóa sen hồng minh triết và đầy vị tha trong tay những bà mẹ Sơn Mỹ lưng còng, tóc bạc phơ đúng buổi sáng ngày này 50 năm trước dầm mình thét gào trong máu và lửa. Những đóa sen ấy cũng ở trong tay những người phụ nữ, đàn ông đến từ Mỹ, trong tay những vị lãnh đạo cho đến đàn em bé thơ… Lần lượt dâng lên tượng đài bi tráng trước vong linh 504 thường dân vô tội.

Rồi tôi chợt nhận ra, đi cùng các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam bay nửa vòng trái đất về tưởng niệm hôm nay là vợ, và các con của họ. Ít còn thấy thái độ e sợ như những lần tưởng niệm trước. Cựu binh Mike Hastie đi cùng con gái Renate Vanderscharf. David E. Calark thì đi cùng vợ gốc Huế Nguyễn Thị Thanh Hồng mà ông cưới từ 6 năm trước. Ronald Haeberle - phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ, tác giả bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai làm chấn động toàn thế giới 50 năm trước, giờ dạo bước cùng con gái và cháu ngoại dưới tượng đài. Cô bé người Mỹ mặc chiếc áo dài rất đẹp do Trần Văn Đức, một nạn nhân Sơn Mỹ mua tặng.

Tình bạn giữa Ronald và Đức thật kỳ lạ, suốt những năm qua. Khi Ronald nhận ra Đức chính là cậu bé 7 tuổi của ngày này 50 năm trước đã nằm đè lên em gái để che đạn Mỹ. Mẹ và hai người chị em gái của Đức chết trong ngày ấy. Tượng đài chứng tích đau thương kia, hình ảnh cậu bé đang lấy thân mình che đạn cho em, chính là anh em Đức. Trần Văn Đức định cư tại Đức từ nhiều chục năm trước, nhưng năm nào đến ngày này cũng lại cùng Ronald về lại quê…

Lòng người hai phía hình như đã lắng lại, bớt dần bão giông. Như đóa sen kia. Dẫu lẫn trong tiếng chuông đồng là ca khúc “Tiếng gọi từ lòng đất” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cồn cào, day dứt qua giọng hát nghệ sĩ Cao Minh. “Trời cao có thấu, đất dày có hay. Những linh hồn bất tử. Mẹ tôi, chị tôi, em tôi… Một trời giông một trời bão, một trời bom một trời pháo, một trời xương một trời máu. A di đà…”.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Dũng mở đầu lễ tưởng niệm, đã gợi nhắc: Mỹ Lai - Sơn Mỹ không phải là vụ thảm sát duy nhất do quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh tại Việt Nam, nhưng là điển hình nhất cho nỗi đau tột cùng mà người dân Việt Nam phải gánh chịu. Mọi sự thật đã được phơi bày, không có gì phải tranh cãi. Vấn đề bây giờ là làm sao để “bóng đen Sơn Mỹ” không tái diễn nữa ở bất kỳ nơi đâu. Và tất cả chúng ta cùng chung tay hướng tới hòa bình. Người Sơn Mỹ nén đau thương để phát triển cuộc sống. Và thực sự cuộc sống nơi đây đã thay da đổi thịt hoàn toàn. Quảng Ngãi luôn chào đón các cựu chiến binh đến đây để thanh tẩy tâm hồn, khép lại quá khứ. Đó không phải là chủ trương, mà là đạo lý của người Việt Nam.

 Về dự lễ tưởng niệm thảm sát Sơn Mỹ hôm qua có hai người cùng mang tên Hòa Bình. Đó là ông Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, và ông Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Cùng với nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hai ông Hòa Bình thân mật bắt tay trò chuyện với những cựu binh Mỹ, nay hoạt động trong nhiều tổ chức thường xuyên đi về hàn gắn nỗi đau cho người dân Sơn Mỹ và Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trò chuyện rất lâu với Mike Bohem- người kéo vĩ cầm ở Mỹ Lai. Hàng năm cứ đến 16/3, tiếng vĩ cầm của cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam này lại vang lên da diết dưới chân tượng đài Sơn Mỹ. Không chỉ kéo đàn, ông còn cùng với tổ chức Madison Quakers (Mỹ) suốt nhiều năm qua giúp đỡ phụ nữ của Sơn Mỹ và Quảng Ngãi ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.

Sau lễ, bên dòng người dâng hương dâng hoa, tôi nhận ra cựu binh David E. Clark lụng thụng trong chiếc áo dài đỏ của Tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa Bình chơi đùa với các em nhỏ Sơn Mỹ. Rồi bất ngờ ông ngồi xuống bên tượng đài, lôi ống thuốc lào mang theo ngửa mặt lên trời “bắn” một điếu rồi phà khói, thảnh thơi…

Trong lễ tưởng niệm hôm qua, tỉnh Quảng Ngãi công bố quyết định thành lập Quỹ Hòa Bình Mỹ Lai, một tổ chức xã hội tự nguyện kết nối những tấm lòng nhằm “trao gửi yêu thương, hàn gắn nỗi đau quá khứ, gắn kết quá khứ, hiện tại với tương lai”, như phát biểu của bà Trương Ngọc Thủy, Chủ tịch Quỹ.

MỚI - NÓNG