Tuyên chiến với bệnh hình thức

Tuyên chiến với bệnh hình thức

Diễn đàn tại Đại hội X ngày 19/4 sôi động với tham luận và nhiều ý kiến từ các cuộc thảo luận. Ông Nguyễn Văn Rảnh- Đoàn đại biểu TP.HCM nói, đã đến lúc "phải tuyên chiến với bệnh hình thức"

Một vấn đề rất quan trọng mà Nghị quyết lần này đã đề cập trong công tác xây dựng Đảng là chống bệnh hình thức. “Cái gì cũng muốn hoành tráng hết, cái gì cũng phải to lớn cả! Đoàn viên, hội viên phải kết nạp cho nhiều, phát triển cho mạnh. Nhưng chỉ là số lượng còn nội dung như thế nào thì không đặt ra” .

Nhiều nơi chỉ lo “năm nay kết nạp thêm bao nhiêu hội viên”, còn việc chăm lo lợi ích và quyền lợi chính đáng cho giới của mình, đoàn thể mình thì không để ý tới. Tổ chức như thế thì làm sao mà mạnh được, khi mà suốt ngày chỉ chạy theo hình thức và báo cáo? Nói một cách khái quát nhất, đoàn thể hiện nay đông nhưng không mạnh! Vì vậy, ngoài việc khắc phục căn bệnh hình thức, chúng ta phải cải tiến, đổi mới nội dung hoạt động của các tổ chức đoàn thể cơ sở.

Xung quanh nhận định “nhiều tổ chức cơ sở Đảng bị tê liệt” trong Báo cáo Chính trị, ông Rảnh lo ngại: Nhiều là thế nào? Con số đó cụ thể là bao nhiêu? Rồi ông lý giải: Một điều ai cũng thấy rất rõ là những sai phạm, tiêu cực hầu hết đều không bị phát hiện ở ngay chính tổ chức Đảng cơ sở đó, mà thông qua báo chí, hoặc các cơ quan chức năng khác, ở bên ngoài tổ chức Đảng cơ sở!

Và sai phạm hầu hết là ở những tổ chức Đảng khối kinh tế! Vì sao ở đâu cũng có tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể mà không phát hiện ra sai phạm, tiêu cực ở cơ sở mình? Theo ông, nếu nói bị tê liệt thì cần nói rõ là ở đâu, khu vực nào để tập trung, đẩy mạnh việc củng cố, xây dựng Đảng ở đó. Chứ nếu nói là tê liệt hết các tổ chức Đảng cơ sở là không chính xác!.

Trong nhiệm kỳ tới, Đại hội cần nói rõ hơn nữa công tác xây dựng Đảng ở những lĩnh vực nhạy cảm, nhất là ở lĩnh vực kinh tế. Để làm tốt được vấn đề này, nên đẩy nhanh việc thực hiện cơ chế tham gia giám sát của tổ chức Đảng và các tổ chức Đoàn thể ở cơ sở.

Ông Nguyễn Đình Lương - Nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ : "Chọn người lãnh đạo anh minh"

Người lãnh đạo không nhất thiết phải là một nhà kinh tế giỏi, một nhà khoa học nổi tiếng, nhưng nên là người chịu khó học hỏi, có khả năng học hỏi để nhận thức được những vấn đề của thời đại, biết tập hợp trí tuệ để cùng tập thể lãnh đạo đất nước phát triển cùng thời đại. 

Dân giàu, nước mạnh, đất nước phát triển là mục tiêu, nguyện vọng, là quan điểm, lập trường, chân lý sống. Nói nhiều bao nhiêu, lý luận giỏi bao nhiêu mà dân cứ đói, đất nước cứ nghèo, cứ thua kém người ta hoài thì nói nhiều cũng chẳng để làm gì!  Chúng ta không thể bầu những người bảo thủ, giáo điều vào hàng ngũ lãnh đạo.

Những người bảo thủ, ôm giữ những tư duy thủ cựu, cộng với sự hăng hái của họ, chỉ có đưa đất nước này ngày một tụt hậu xa hơn mà thôi.

Theo VietnamNet SGGP

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.