​Tuyên chiến với “rừng” thủ tục hành chính: Quan trọng là người thực thi!

Minh họa: Khều.
Minh họa: Khều.
TP - Nhiều bộ ngành tuyên bố cắt giảm hàng trăm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp khẳng định quan trọng là người thực thi các thủ tục trên có áp dụng đúng tinh thần nói trên hay không.

Cắt giảm đến 51%, doanh nghiệp vẫn bị hành

Bộ Xây dựng là một trong những bộ có tỷ lệ cắt giảm thủ tục hành chính cao. Cụ thể, Bộ Xây dựng đã cắt giảm từ 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục (đạt 51%) trong lĩnh vực xây dựng. Thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm 25% so với trước đây. Cụ thể như thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án giảm từ 30 ngày xuống 25 ngày làm việc (giảm 5 ngày); thời gian phê duyệt quy hoạch không quá 15 ngày làm việc; thời gian về cấp phép xây dựng giảm từ 7 - 10 ngày, thời gian về kiểm tra nghiệm thu công trình nhà ở giảm 10 - 20 ngày so với trước đây.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục thiết lập các giải pháp đồng bộ để tiến tới cải cách hơn nữa các thủ tục hành chính tạo môi trường thông thoáng cho sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng. Cụ thể, sẽ nghiên cứu để cắt giảm thêm 5-10 thủ tục nữa.

Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ lồng ghép một số thủ tục hành chính mà được thực hiện bởi các cơ quan chuyên môn khác nhau.  Ví dụ, trong thẩm định, thiết kế một dự án, có 3 nội dung là thẩm định về xây dựng, thẩm định phòng cháy chữa cháy, thẩm duyệt về môi trường hiện do 3 cơ quan khác nhau thực hiện. Tiếp theo là phân cấp ủy quyền không làm giảm thủ tục hành chính nhưng làm đơn giản hóa quy trình thủ tục cho doanh nghiệp và người dân có thể dễ dàng tiếp cận với cơ quan chuyên môn ở địa phương thay vì phải lên Trung ương để thực hiện.

“Tiếp đó, chúng tôi tiếp tục áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc giải quyết thủ tục hành chính và áp dụng cấp độ 3 không chỉ trong cấp phép xây dựng, cấp phép cho doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài mà cả cấp chứng chỉ hoạt động xây dựng. Đồng thời, công khai hóa các thông tin, hệ thống thống kê, cụ thể là công khai các số liệu các kỳ họp, các thông số để người dân dễ dàng tiếp cận khi xây dựng các dự án cũng như xây dựng nhà”, Thứ trưởng Hùng nói.

Thực tế, một doanh nghiệp vừa mới bàn giao nhà ở tại khu vực quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ, nói là cắt giảm thời gian nghiệm thu còn 10-20 ngày so với trước nhưng doanh nghiệp bị cơ quan chức năng “hành lên hành xuống” mới đủ các thủ tục về công tác nghiệm thu. Lãnh đạo doanh nghiệp này bức xúc: “Họ kiểm tra nghiệm thu bảo chưa đủ điều kiện nước thải đầu ra nên chưa cho phép bàn giao nhà. Điều này vô lý bởi nếu như không bàn giao cho dân vào ở thì lấy đâu ra nước thải để kiểm nghiệm đủ điều kiện nghiệm thu trong khi doanh nghiệp đã có đầy đủ hệ thống xử lý nước thải theo quy định của nhà nước. Kiến nghị qua lại công tác nghiệm thu vẫn mất đến cả tháng”.

​Tuyên chiến với “rừng” thủ tục hành chính: Quan trọng là người thực thi! ảnh 1

Bộ Xây dựng cho rằng đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản “than” vẫn bị “hành”. 

Hàng chục thủ tục thuế, hải quan bị cắt bỏ

Đầu tháng 10/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 104 về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc chức năng Bộ Tài chính theo đề xuất của bộ này. Theo đó, Bộ Tài chính đơn giản hóa với 91 thủ tục hành chính (chiếm 50% tổng số thủ tục hành chính rà soát).

Trao đổi với báo chí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Đại Trí cho biết, những năm qua, ngành thuế đã triển khai rất nhiều dịch vụ điện tử hỗ trợ doanh nghiệp. Áp dụng dịch vụ điện tử để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp của cán bộ thuế với doanh nghiệp. Ông Trí dẫn chứng dịch vụ khai và nộp thuế điện tử, tới nay đã có 99,8% số doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng, 98,7% doanh nghiệp đăng ký sử dụng nộp thuế điện tử.

Đặc biệt, với việc triển khai cho các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, theo ông Trí, doanh nghiệp giảm được rất nhiều thủ tục so với dùng hóa đơn giấy.

Doanh nghiệp ô tô kêu tốn kém chi phí

Sau khi Chính phủ ra Nghị định 116 ngày 17/10 quy định các điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) lập tức gửi đơn kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Các liên doanh lắp ráp xe trong nước thuộc VAMA cho rằng, một số quy định trong nghị định này sẽ khiến doanh nghiệp phải tốn kém thêm hàng trăm triệu đồng cho việc kiểm tra từng lô xe nhập khẩu, kéo dài thời gian thông quan và lãng phí chi phí của xã hội.

Ngoài ra, quy định về yêu cầu chiều dài đường thử xe tối thiểu 800m, VAMA cho rằng các doanh nghiệp hiện tại được xây dựng từ trước khi nghị định này ra đời nên khó đáp ứng, nếu đầu tư mở rộng cơ sở vật chất sẽ thêm tốn kém. Bên cạnh đó, yêu cầu cung cấp Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở nước ngoài cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Theo VAMA, một số nước áp dụng chính sách các nhà sản xuất tự chứng nhận hoặc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể cấp giấy. “Vướng mắc trong việc thực hiện các quy định mới của Nghị định 116 trong thời gian quá ngắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khách hàng, đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước” , VAMA phân tích.

Tuấn Nguyễn

MỚI - NÓNG