Phiên họp thứ 6 UBTV Quốc hội:

Tuyển người tài khó, sa thải công chức yếu kém còn khó hơn

Tuyển người tài khó, sa thải công chức yếu kém còn khó hơn
TP- Đó là những ý kiến được nhiều ĐB Quốc hội để cập đến xung quanh Dự án Luật Công vụ - phiên họp thứ 6 UBTV Quốc hội sáng qua, 28/2.

“Cần tách bộ máy sự nghiệp ra khỏi thành phần công chức vì từ trước tới nay tất cả các khâu tuyển dụng, quản lý đều rất vướng”- Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói.

Cũng theo ông Thi, việc tuyển công chức, ví như tuyển giảng viên đại học, không thể chỉ căn cứ vào mấy bài thi rồi lấy đỗ từ cao xuống thấp. Làm như thế là cứng nhắc. Thay vì tuyển được người chuyên môn giỏi, sẽ chỉ tuyển được công chức hành chính. Đáng nhẽ phải cho thử việc mới có đánh giá được đầy đủ, đằng này theo quy định chỉ tuyển được những “anh học thuộc lòng”!

Ông Hà Văn Hiền-Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng: “Thi tuyển hiện có nhiều bất cập, không đạt yêu cầu, kết quả không lấy được cán bộ như mong muốn”. Ông Hiền cũng ủng hộ việc bổ sung thêm hình thức kỷ luật “giáng chức” vào dự Luật, hình thức này thức đã có và nên luật hoá để thực thi dễ dàng hơn.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng bộ máy của ta hiện nay không năng động, quá “cứng”, rất khó thay đổi. Người đã vào được rồi thì chẳng bao giờ phải “ra”, trừ khi bị kỷ luật hay tự mình xin “ra”! Kết quả, người giỏi thì không có chỗ để vào bộ máy Nhà nước còn người kém cũng không thể cho “ra” được”!

Dự thảo Luật cần hướng đến việc điều chỉnh bộ máy sao cho đáp ứng được nhu cầu công vụ năng động hơn, trong đó có việc tuyển chọn, hoặc thay đổi công chức trong bộ máy.

Người có BHYT không khám bệnh bằng BHYT!

Đó là vấn đề nhiều đại biểu đặt ra tại phiên thảo luận cho ý kiến về Dự án Luật Bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo dự thảo, có hai loại đối tượng tham gia BHYT là đối tượng bắt buộc và tự nguyện. Với đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, dự luật mở rộng tới 24 loại đối tượng, trong đó có cả trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên. Mức đóng bảo hiểm sẽ tăng lên là 6% tiền lương, tiền công hoặc trợ cấp.

“Quỹ BHYT đang lỗ, mức chi cho việc khám chữa bệnh quá thấp, nên chất lượng khám chữa bệnh ngày càng kém. Vì vậy người có BHYT không tha thiết, không muốn khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT”- Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách phàn nàn.

Ông Hiển cho rằng có thể xem xét cho người có BHYT được khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở khác nhau, chứ không nên quy định chỉ được khám chữa tại một nơi nhất định. Ngoài ra, nếu tăng mức đóng BHYT lên 6% như dự luật thì ngân sách có ảnh hưởng không, bởi số người hưởng lương ngân sách thuộc diện bắt buộc đóng BHYT là rất lớn”.

Cùng lo lắng về điều này, ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban Dân Nguyện của Quốc hội đặt câu hỏi: “Với 24 đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, phải làm rõ hàng năm ngân sách phải chi bao nhiêu cho BHYT?”.

Ông Vượng cũng cho rằng, phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thẻ BHYT có giá trị thực sự, vì hiện nay nhiều người có thẻ, được nhà nước đóng BHYT nhưng lại không khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT!

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thuận Chủ nhiệm UBPL của Quốc hội cho rằng quy định trẻ em dưới 6 tuổi phải đóng BHYT là không hợp lý, bởi Luật cũng đã quy định đó là đối tượng được khám chữa bệnh miễn phí.

Có ý kiến cho rằng quy định học sinh sinh viên bắt buộc phải đóng BHYT sẽ gây khó khăn cho nhiều gia đình ở vùng nông thôn, trong khi đó điều kiẹn để đảm bảo việc bắt buộc là gì lại chưa rõ. 

MỚI - NÓNG