Tuyên truyền, giáo dục tốt về chủ quyền biển đảo

Ông Bùi Sỹ Lợi
Ông Bùi Sỹ Lợi
TP - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi trả lời phỏng vấn của Tiền Phong về việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

> Trung Quốc đang kéo lùi lịch sử lập pháp quốc tế

Ông Lợi nói: Cử tri và nhân dân Việt Nam trong nước và bà con Việt kiều ở nước ngoài đều coi việc giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là hết sức thiêng liêng, là mong mỏi của toàn dân Việt Nam. Phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục để mọi người dân hiểu rõ lịch sử Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.

Thưa ông, thời gian qua cử tri đã bày tỏ trách nhiệm đối với công tác bảo vệ, giữ vững chủ quyền của đất nước, nhất là đối với biển đảo, như thế nào?

Cử tri và nhân dân có những tâm tư, thể hiện nguyện vọng như vậy là tất yếu. Dân tộc ta đã đấu tranh hàng ngàn năm để giữ nước.

Bây giờ trước những tranh chấp, đe dọa chủ quyền đối với Biển Đông thì suy nghĩ của người dân là rất đáng trân trọng, mỗi chúng ta cũng đều có suy nghĩ như vậy.

Trước tình hình đó, chúng ta phải làm sao để người dân hết sức bình tĩnh, kiên định với đường lối đấu tranh của mình, đồng thời phải có biện pháp mềm dẻo.

Phải nói việc giữ chủ quyền biển đảo của ta có những thuận lợi. Đó là ta có công lý, được cộng đồng thế giới đồng tình ủng hộ. Cho nên phương châm của Việt Nam là kiên định, kiên trì theo con đường ngoại giao, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu được các căn cứ khoa học, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; không nên nóng vội, có hành động quá khích. Chúng ta tôn trọng tinh thần 16 chữ trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

Hiện nay có rất nhiều nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân thế giới, nhân dân Việt Nam cả trong và ngoài nước đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa, bảo vệ chủ quyền của chúng ta.

Thời gian qua, Trung Quốc có những chính sách, hành động ngang ngược thực hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông, thậm chí bắt giữ ngư dân Việt Nam. Vậy chúng ta cần có biện pháp gì để bảo vệ ngư dân của mình trên biển?

Chúng ta phải tăng cường các biện pháp bảo vệ người dân, nhất là ngư dân trên biển. Phải tăng cường các lực lượng để canh phòng, giữ gìn biển đảo. Đồng thời, khi xảy ra các hành động vi phạm của Trung Quốc thì chúng ta phải có tiếng nói mạnh mẽ, có những tuyên bố để thế giới đồng tình ủng hộ Việt Nam.

Còn về mặt nhà nước, Quốc hội ủng hộ tăng cường lực lượng quân đội, hải quân và các lực lượng khác để có đủ khả năng bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Cần giải quyết những tranh chấp trên tinh thần của luật pháp quốc tế. Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển là khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông.

Khi thông qua Luật Biển, Việt Nam đã xuất phát từ nguyên lý của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

ĐBQH Cao Sỹ Kiêm:

Cần tỏ thái độ rõ hơn

“Có thể nói Trung Quốc có nhiều trò, họ muốn đẩy vào sự việc đã rồi. Trước tình hình đó, trả lời cử tri của Bộ Quốc phòng, Ngoại giao… là một thông điệp của chúng ta đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Đó cũng là thông điệp cho thấy rõ đất nước đang có tình hình như vậy, để có bước chuẩn bị tiếp theo. Nhưng đối với những sự việc xảy ra, cách giải quyết như thế nào thì chúng ta còn phải tiếp tục có biện pháp cụ thể”.

Nguyễn Tuấn
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.