Uẩn khúc quanh vụ cô gái bị hổ vồ mất cánh tay

Chị Trần Thị Yến khẳng định mình không phải là nhân viên của Khu du lịch sinh thái Trại Bò. Ảnh: Phạm Hòa.
Chị Trần Thị Yến khẳng định mình không phải là nhân viên của Khu du lịch sinh thái Trại Bò. Ảnh: Phạm Hòa.
Theo Ban quản lý Khu du lịch Trại Bò, nạn nhân bị hổ vồ đứt lìa cánh tay là nhân viên hợp đồng. Chị Yến thì phủ nhận và cho biết gia đình bị ép nhận đền bù 140 triệu đồng.

Theo ông Lê Cao Bính, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, đơn vị đã gửi công văn đề nghị UBND huyện Diễn Châu và các ban ngành thành lập đoàn kiểm tra Khu du lịch sinh thái Trại Bò (đóng tại xã Diễn Lâm).

Ông Bính cho hay, sau khi xảy ra việc hổ cắn đứt cánh tay nạn nhân Trần Thị Yến, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nhận được báo cáo của khu du lịch.

Trong đó ghi rõ, chị Yến là nhân viên hợp đồng ở Trại Bò. Ngày 23/8, trong quá trình chăm sóc hổ, không may tai nạn lao động xảy ra. Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu.

Đến thời điểm hiện tại, chị Yến đang trong quá trình hồi phục sức khỏe, có thể xuất viện trong một vài ngày tới.

"Chúng tôi đã gửi công văn yêu cầu UBND huyện Diễn Châu và các cơ quan liên quan thành lập đoàn kiểm tra Khu du lịch sinh thái Trại Bò. Sau khi có kết quả, đoàn kiểm tra sẽ gửi báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý", ông Bính nói.

Cũng theo vị Chi cục trưởng, hiện chưa có chế tài nào quy định về việc xử lý nhân viên bị hổ cắn đứt tay. Vì thế, cần chờ kết quả báo cáo đầy đủ về mức độ vi phạm.

Trao đổi trực tiếp với chị Trần Thị Yến, chị này khẳng định mình "không phải là nhân viên của Khu du lịch sinh thái Trại Bò".

“Nếu ông Hải nói tôi là nhân viên của khu du lịch thì hợp đồng ở đâu? Nói miệng như vậy thì ai cũng nói được”, thiếu phụ này khẳng định.

Uẩn khúc quanh vụ cô gái bị hổ vồ mất cánh tay ảnh 1

Hổ trắng nuôi trong khu chuồng của Khu du lịch sinh thái Trại Bò. Ảnh: Phạm Hòa.

Theo lời nạn nhân, sáng 23/8, vợ chồng chị và 4 gia đình khác ở xã Nghĩa Hợp, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) tổ chức đi tham quan Khu du lịch sinh thái Trại Bò bằng xe du lịch 24 chỗ.

Sau khi mua vé vào tham quan, đi được khoảng 20 phút thì đoàn đến khu chuồng nuôi hổ trắng. Lúc này mọi người ngồi tại một gốc cây cạnh đó để nghỉ ngơi do nắng nóng.

“Vì tò mò, tôi ra phía sau khu chuồng hổ đứng gần sát ngó vào để xem con hổ cho rõ hơn. Tuy nhiên, chưa kịp nhìn thấy thì bất ngờ một con hổ lao tới cào mạnh vào tay rồi kéo tôi vào trong. Sau đó tôi ngất xỉu và không biết gì. Đến lúc tỉnh dậy thì thấy mình đã nằm trong viện”, chị Yến kể.

Cũng theo lời thiếu phụ này, sau tai nạn, đại diện Khu du lịch Trại Bò đề nghị phía gia đình chị ký vào bản hợp đồng lao động nhưng gia đình không đồng ý. Một ngày sau, người của khu du lịch vào bệnh viện thỏa thuận đền bù tiền.

"Lúc đầu chúng tôi từ chối nhưng họ nói nếu không nhận thì sau này sẽ không có gì nữa. Đại diện gia đình buộc phải nhận 140 triệu đồng", chị Yến nói.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Trại Bò, cho biết, nạn nhân Trần Thị Yến là nhân viên của khu du lịch nhưng chưa có hợp đồng lao động.

“Việc vì sao chị này lại nói là khách du lịch thì tôi không rõ”, ông Hải nói.

Thượng tá Trần Văn Khang, Phó trưởng công an huyện Diễn Châu cho hay, công an đã tiếp nhận thông tin nhưng chưa có hướng xử lý.

Theo thượng tá Khang, đại diện Khu du lịch sinh thái Trại Bò khẳng định vụ việc chỉ là tai nạn lao động. Ban quản lý cơ sở này đang thương lượng với nạn nhân để có đền bù thỏa đáng. Vì thế, công an chưa vào cuộc.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".