ƯCV ĐBQH : Xác minh cả tài sản ở nước ngoài

ƯCV ĐBQH : Xác minh cả tài sản ở nước ngoài
TP - Đối với nghi vấn về tài sản của ứng cử viên ở nước ngoài, chúng tôi hoàn toàn có thể liên hệ với Đại sứ quán hoặc các cơ quan chức năng bản địa để xác minh. Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội Lê Quang Bình cho biết.
ƯCV ĐBQH : Xác minh cả tài sản ở nước ngoài ảnh 1
Ông Lê Quang Bình

Trong số các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI, 3 thành viên được giới thiệu ứng cử vào Quốc hội khóa XII có ông Lê Quang Bình.

Ông Bình cũng là người sẽ phụ trách một trong những công việc được coi là “nóng” nhất mỗi kỳ bầu cử Quốc hội, đó là chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử. Gặp gỡ với Tiền phong Chủ nhật, ông Lê Quang Bình nói:

Tiểu ban chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử do tôi là Trưởng Tiểu ban, từ khi chưa có kế hoạch công tác đã... nhận được rất nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo (KN,TC) do công dân gửi đến.

Tuy nhiên theo kế hoạch công tác, kể từ 21/3 là ngày bắt đầu giai đoạn Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu QH ở T.Ư và địa phương, Tiểu ban mới chính thức bắt đầu xác minh và trả lời các vụ việc mà cử tri nêu lên đối với người ứng cử.

Xác minh cả những tài sản ở nước ngoài của ứng cử viên

Việc kê khai tài sản của các ứng cử viên đang được các cử tri hết sức quan tâm. Mới đây, chính Đại biểu Quốc hội khóa XI Nguyễn Đình Lộc đã phát biểu với báo giới rằng thực tế có nhiều cán bộ có tài sản, vàng, đôla, euro gửi ở nước ngoài, thậm chí có cán bộ sở hữu cả trang trại ở New Zealand... Vậy khi có KN, TC về vấn đề nêu trên thì sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

Khai trương trang web về bầu cử Quốc hội khóa XII

Trang tin điện tử chính thức của Hội đồng Bầu cử đại biểu Quốc hội (QH) khóa XII đã khai trương sáng qua (10/3). Địa chỉ của trang web này là: www.baucukhoa12.quochoi.vn.

Tại trang web này, người truy cập sẽ tìm được các tài liệu hướng dẫn, chỉ đạo bầu cử của ban chỉ đạo bầu cử, cùng danh sách thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử, các thông tin liên quan đến việc hướng dẫn kê khai hồ sơ ứng cử, các tài liệu, thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử như Luật Bầu cử ĐBQH, kế hoạch triển khai bầu cử, các mốc thời gian tiến hành bầu cử...

Trước đó, tại cuộc họp của Hội đồng Bầu cử, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu triển khai việc giám sát bầu cử, chú ý giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử, đẩy mạnh tuyên truyền, tạo không khí sôi động trong cả nước.

Theo thông tin mới nhất mà tôi nhận được vào tối 9/3, thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký để ban hành Nghị định về minh bạch tài sản thu nhập.

Như vậy, các ứng cử viên phải dựa vào các quy định pháp luật, nhất là vào Nghị định nói trên để kê khai tài sản của mình. Nguyên tắc là việc kê khai phải trung thực. Trong trường hợp công dân phát hiện thấy ứng cử viên nào đó kê khai không trung thực và có đơn tố cáo, chúng tôi sẽ chỉ đạo xác minh, làm rõ.

Nếu cần thiết, Tiểu ban sẽ huy động lực lượng đi xác minh. Nếu phát hiện thấy dấu hiệu ứng cử viên có khối tài sản quá lớn mà không rõ nguồn gốc, kể cả tài sản trong nước hay ngoài nước, thì sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để đề nghị dừng việc đưa ứng cử viên đó vào danh sách bầu cử.

Đối với nghi vấn về tài sản của ứng cử viên ở nước ngoài, chúng tôi hoàn toàn có thể liên hệ với Đại sứ quán hoặc các cơ quan chức năng bản địa để xác minh.

Với đơn thư KN, TC nặc danh, nhưng có nhiều thông tin đáng lưu ý thì có được Tiểu ban xem xét, giải quyết?

Chúng tôi không xem xét, giải quyết các đơn thư KN, TC nặc danh, tuy nhiên có thể để nghiên cứu. Bản thân tôi đã nhận được nhiều đơn thư KN, TC không có danh, sau khi nghiên cứu nếu thấy cần thiết thì tôi có chuyển đơn thư đó cho các đồng chí có trách nhiệm.

Không có phân biệt trong giải quyết KN, TC giữa các ứng cử viên

Được biết Tiểu ban đã được chia thành 2 nhóm, trong đó 1 nhóm sẽ chuyên chỉ đạo giải quyết các đơn thư KN, TC đối với những ứng cử viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Vì sao có sự phân chia đó và liệu có sự phân biệt nào không trong việc giải quyết KN,TC đối với các ứng cử viên?

Xuất phát từ tình hình thực tế là trong số các ứng cử viên, có một bộ phận là cán bộ, đảng viên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Do đó, trong Tiểu ban đã thành lập 1 nhóm do Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra T.Ư Đảng Phạm Thị Hòe phụ trách, để chỉ đạo giải quyết và phối hợp với các cơ quan hữu quan xem xét, kết luận các đơn thư KN, TC có liên quan đến những cán bộ ở diện nêu trên.

Hoàn toàn không có phân biệt, hay là sự khác nhau trong chỉ đạo giải quyết đơn thư KN, TC về các ứng cử viên. Có khác chăng là với các ứng cử viên là đảng viên, thì bên cạnh việc căn cứ vào các quy định của luật pháp, còn phải căn cứ trên các quy định của Đảng.

Như ông nói, trong số các ứng cử viên có một bộ phận là cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Vậy trong trường hợp công dân tố cáo một  ứng cử viên nằm trong bộ phận đó, thì có được biết kết luận của cơ quan chức năng về đơn tố cáo của mình?

Người tố cáo được quyền biết kết luận của cơ quan chức năng về đơn tố cáo của mình. Thông thường, trong trường hợp có KN, TC đối với diện cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, chúng tôi sẽ báo lên Hội đồng bầu cử T.Ư và sẽ cử người đi xác minh, làm rõ.

Đúng thì bảo vệ, sai thì xử lý

Có ý kiến cho rằng trong bầu cử QH, những ứng cử viên “có dư luận”, có đơn thư KN, TC thì rất dễ bị “treo lại”,  đồng nghĩa với việc bị loại ra khỏi danh sách cuối cùng?

Nếu có đơn thư KN, TC dù phức tạp đến bao nhiêu, cũng phải xác minh làm rõ để bảo vệ chân lý. Tuy nhiên, ở đây có vấn đề là theo quy định thì đến hết ngày 10/5 sẽ ngưng việc tiếp nhận, xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị mới về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.

Có nhiều công dân ra tự ứng cử đại biểu Quốc hội là điều đáng mừng

Tham gia qua 2 khóa QH (khóa X và XI), tôi thấy các hoạt động của QH đang ngày càng đi vào thực chất hơn. So với QH khóa X thì QH khóa XI đã tránh được nhiều cái hình thức, ban hành nhiều bộ luật hơn, giám sát tối cao tốt hơn, dân chủ hơn...

Dĩ nhiên, so với yêu cầu của nhân dân thì QH cần phải phấn đấu rất nhiều. Tiến tới bầu cử QH khóa XII, hàng ngày qua các phương tiện thông tin đại chúng, có thể nhận thấy không khí dân chủ trong cuộc bầu cử này đang được phát huy mạnh mẽ.

Một trong những minh chứng cho điều đó là đã có nhiều công dân ra ứng cử tự do vào QH, đặc biệt là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đó là điều rất đáng mừng.

Vấn đề quan trọng là các ứng cử viên phải đảm bảo tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân, bên cạnh đó có “2 tiêu chuẩn” mặc dù không được luật định nhưng tôi rất tâm đắc là đại biểu QH phải “có tâm và có tầm”.

Như vậy, với tất cả những đơn thư KN, TC được gửi trước thời hạn cuối cùng, chúng tôi sẽ chỉ đạo để có kết luận kịp thời, với tinh thần đúng thì bảo vệ, sai thì xử lý, dứt khoát không để tình trạng đúng sai lẫn lộn.

Kể từ sau ngày 10/5, toàn bộ hồ sơ về KN, TC chưa được giải quyết đối với những người đã trúng cử sẽ được gửi đến Ủy ban Thường vụ khóa mới.

Thực tế, vừa qua có trường hợp tướng Cao Ngọc Oánh, mặc dù trước đó có dư luận liên quan đến việc “chạy án”, nhưng sau đó lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát đã khẳng định tướng Oánh không liên quan đến việc chạy án trong vụ PMU 18, thưa ông?

Có thể nói trường hợp như vừa nêu là rất cá biệt. Tuy nhiên, qua đó có thể thấy việc xác minh “dư luận” cũng như giải quyết đơn thư KN, TC nhiều khi rất phức tạp.

Điều đó càng đòi hỏi Tiểu ban phải làm việc khách quan, chính xác trong việc kết luận các đơn thư KN, TC để không ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị của các ứng cử viên.

Ông có thể khẳng định là Tiểu ban sẽ không có sai sót nào?

Chúng tôi sẽ cố gắng hết mức và huy động tối đa các lực lượng liên quan để thực hiện công việc của mình. Tuy nhiên, rất khó để khẳng định rằng sẽ làm đúng 100%.

Thông thường 20% ứng cử viên bị KN, TC

Thưa ông, qua các kỳ bầu cử QH khóa trước, số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ ứng cử viên bị KN, TC là bao nhiêu? Các đơn thư KN, TC đúng có tỷ lệ bao nhiêu?

Ông Trần Quốc Thuận xin ứng cử ĐBQH

Trao đổi với phóng viên Tiền phong chiều qua (10/3), ông Trần Quốc Thuận, Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội cho biết ông đã có đơn gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng xin được ứng cử Đại biểu Quốc hội trong đợt bầu cử Quốc hội khoá XII này.

Ông Trần Quốc Thuận sinh năm 1948, là cán bộ diện Ban Bí thư T.Ư Đảng quản lý. Nếu được chấp thuận, ông sẽ ứng cử tại TPHCM.

Thông thường có khoảng 20% (trên dưới 100 người) ứng cử viên bị KN, TC và khoảng 25% đơn thư KN, TC là đúng, 30% đơn thư KN, TC là vừa đúng vừa sai. Từ 30 - 40% đơn thư KN, TC là hoàn toàn sai.

Vậy các đơn thư KN, TC chủ yếu tập trung vào những vấn đề nào?

Những kỳ bầu cử QH gần đây, đơn thư khiếu nại tập trung vào việc lập danh sách những người ứng cử, việc đưa người này, đưa người khác vào hoặc ra khỏi danh sách, rồi khiếu nại về kết quả bầu cử, trình tự thủ tục bầu cử... Về đơn thư tố cáo, chủ yếu là tố cáo về tham nhũng, không trung thực trong kê khai lý lịch...

Cá nhân ông có sẵn sàng tiếp công dân đến KN, TC về bầu cử?

Việc tiếp công dân đến KN, TC liên quan đến bầu cử do Vụ Dân nguyện Văn phòng QH đảm nhiệm.

Địa điểm tiếp công dân tại số 1 Mai Xuân Thưởng, Hà Nội (điện thoại: 08044920) và 210 Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (điện thoại: 080 83037).

Ngoài ra, công dân có thể trực tiếp đưa đơn thư KN,TC tại Ủy ban bầu cử và Ban bầu cử ở từng địa phương. Về cá nhân tôi, với trách nhiệm là Trưởng Tiểu ban, trong các trường hợp thực sự cần thiết sẽ sẵn sàng tiếp công dân.

Xin cảm ơn ông.

Võ Văn Thành
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.