Ùn tắc tại sân bay

Ùn tắc tại sân bay
Mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất phải tiếp nhận hơn 400 lần máy bay cất /hạ cánh, nên gây quá tải ở các khâu. Sân bay Nội Bài cũng quá tải.
Ùn tắc tại sân bay ảnh 1
Ngoài hành khách, lượng người đến sân bay Tân Sơn Nhất đón người thân đã tăng mạnh trong vài ngày qua. Ảnh: P.DŨNG

Cách đây vài ngày, hoạt động vận tải hàng không đã bắt đầu căng thẳng nhưng phải đến hôm nay (11-2, tức 28 âm lịch) mức độ căng thẳng mới lên cao điểm.

Thông thường, các hãng hàng không yêu cầu hành khách có mặt ở sân bay ít nhất một giờ trước khi khởi hành, nhưng hiện nay các hãng phải khuyến cáo hành khách phải có mặt trước ít nhất 2 giờ 30 phút. Dù vậy, tình trạng ùn tắc tại sân bay vào một số thời điểm vẫn không thể tránh khỏi.

Chen nhau làm thủ tục

Theo dự đoán, tình trạng quá tải diễn ra ở sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp trước Tết và lặp lại ở sân bay Nội Bài từ mùng 4 Tết cho đến rằm tháng giêng.

Ông Phan Ngọc Linh, Trưởng Trung tâm Kiểm soát khai thác sân bay Tân Sơn Nhất, cho biết gần một tuần nay, hoạt động của sân bay bắt đầu căng thẳng. Do gần trung tâm TP nên hành khách thường đến sân bay Tân Sơn Nhất lúc chuyến bay sắp khởi hành.

Cộng vào đó, do tần suất bay tăng cao, một số chuyến bị chậm so với lịch khởi hành nên có thời điểm bị ùn tắc cục bộ khi làm thủ tục trước chuyến bay.

Lịch bay Tết Canh Dần của các hãng hàng không tăng từ 50% đến 200% tùy từng đường bay. Trên đường trục chính Hà Nội – TPHCM, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JP) bay 11 chuyến/ngày mỗi chiều, Vietnam Airlines (VNA) bay hơn 20 chuyến/ngày mỗi chiều.

Theo Cảng vụ hàng không miền Nam, thông thường, mỗi ngày, sân bay Tân Sơn Nhất tiếp nhận từ 280 đến nhiều nhất là 350 lượt cất/hạ cánh. Nhưng trong dịp Tết này, số lượt máy bay cất/hạ cánh tăng lên hơn 400 nên lượng khách thông qua hai đầu sân bay tăng mạnh, gây tình trạng quá tải ở tất cả các khâu.

Đã xảy ra chuyện dở khóc, dở cười khi hành khách chờ lấy hành lý. Một chuyến bay của JP từ TPHCM đi Hải Phòng trong ngày 9-2, đã phải chở người đi trước, hành lý được san bớt cho chuyến bay bay sau đến... Hà Nội. Vì vậy, khi khách đã có mặt ở sân bay Cát Bi (Hải Phòng), hành lý của mình lại đến Hà Nội rồi mới được chuyển về Hải Phòng bằng ô tô.

Tình huống này chắc chỉ xảy ra vào dịp Tết.

Giảm tải cho Nội Bài

Do chỉ có một nhà ga (T1) phục vụ chung cả cho chuyến bay nội địa và quốc tế nên dự báo tình trạng quá tải tại sân bay Nội Bài có thể căng thẳng hơn so với Tân Sơn Nhất.

Theo các phương án giảm tải cho Nội Bài, VNA sẽ được bố trí thêm 10 quầy làm thủ tục cho chuyến bay nội địa tại khu vực tầng 2 của nhà ga.

VNA cũng tính đến phương án phối hợp với hải quan và cảng vụ cho phép hãng sử dụng chung quầy làm thủ tục bay quốc tế cho cả chuyến bay nội địa trong những thời điểm không có chuyến bay quốc tế đến/đi. Theo các phương án này, năng lực làm thủ tục trước chuyến bay của VNA sẽ tăng gấp đôi.

Đối với JP, toàn bộ quầy làm thủ tục của hãng ở tầng 2 sẽ được chuyển xuống khu vực riêng ở tầng 1 của nhà ga hành khách. Như vậy, không những cả VNA và JP đều được tăng thêm quầy phục vụ mà hành khách của hai hãng không đi “lẫn” vào khu vực của nhau, giảm bớt tình trạng lộn xộn.

Hiện nay, VNA đã đưa vào thử nghiệm cho hành khách tự làm thủ tục check in để giảm tải cho sân bay. Tuy nhiên, ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng Trung tâm Kiểm soát khai thác sân bay Nội Bài, cho biết mỗi ngày, mới chỉ có khoảng 40-50 hành khách tự làm thủ tục check in. Kết thúc giai đoạn thử nghiệm, VNA mới công bố rộng rãi để triển khai rộng hơn.

Mở đường bay thẳng Hà Nội - Rangoon (Myanmar)

Theo thông tin từ VNA, hãng này sẽ mở đường bay thẳng giữa Hà Nội và Rangoon (Myanmar) từ ngày 2-3, với tần suất 4 chuyến/tuần bằng máy bay Fokker 70. Giá vé khuyến mãi trong thời điểm khai trương đường bay là 4.620.000  đồng, áp dụng cho khách lẻ khởi hành từ ngày 2-3 đến ngày 31-3 và xuất vé từ ngày 10-2. Dự kiến hãng sẽ tăng tần suất đường bay này lên 5 chuyến/tuần bằng máy bay Airbus 320 từ lịch bay mùa đông 2010.

Theo Tô Hà
Người lao động

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.