Ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: 6 vấn đề cốt lõi

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu ở ĐBSCL. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Ngày 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Thủ tướng chỉ ra các Thách thức lớn đối với ĐBSCL, đó là biến đổi khí hậu, nước dâng; khai thác và chuyển nguồn nước, thượng nguồn sông Mêkong sang lưu vực sông khác; các hoạt động kinh tế cường độ cao, gây ra hiện tượng sạt lở ngày càng nghiêm trọng; môi trường suy thoái, ô nhiễm nước nặng nề; chất lượng nguồn nhân lực thấp. “Các thách thức này không phải là dự báo mà là hiện hữu. Phải giữ được đất, nước và giữ được người thì mới gọi là thành công trong việc chống chọi với thiên nhiên”, Thủ tướng nói.

Nền kinh tế thông minh

Thủ tướng chỉ ra rằng, tầm nhìn mới về phát triển ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, mà là nền kinh tế thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Phải xây dựng ĐBSCL từ vùng trũng của giáo dục và khoa học công nghệ thành thung lũng của sáng tạo từ nền nông nghiệp đa chức năng, ứng dụng mạnh công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến vào nông nghiệp để thích ứng môi trường nhiễm mặn, thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp điều kiện mới. Trong đó lấy phát triển bền vững và hiệu quả làm  tiêu chí, không chạy theo sản lượng lúa. 

Thủ tướng nêu 3 quan điểm phát triển. Một là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng chuyển hóa thách thức, thành cơ hội. Bảo đảm cuộc sống người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa. Thứ hai, đổi mới tư duy phát triển cổ điển chủ yếu sản xuất lúa sang tư duy kinh tế nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao, chú trọng công nghệ chế biến và bổ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp. “Lương thực không phải là chống đói mà lương thực phải là dinh dưỡng, phòng bệnh và chữa bệnh với những thương hiệu nổi tiếng. Vì vậy ĐBSCL phải có thương hiệu nông sản nổi tiếng”,Thủ tướng nói. 

Thứ ba là quan điểm phát triển tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng tự nhiên, thuận tự nhiên là chính, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm sống chung với lũ, với mặn. 

Thủ tướng cho biết, mô hình phát triển ĐBSCL trong thời gian tới là lấy con người làm trung tâm. Việc khai thác, sử dụng nguồn nước trên thượng nguồn, việc chuyển đổi mô hình phát triển không chỉ nâng cao về kinh tế mà còn bảo tồn văn hóa dân tộc và đa dạng sinh thái. Cần coi nước lợ là nguồn lực của tài nguyên. Việc chuyển đổi đa dạng sinh học phải đảm bảo hài hòa về đất, nước, đa dạng sinh học về văn hóa, kế thừa thành tựu, giá trị tri thức bản địa. Tập trung ưu tiên các công trình thúc đẩy toàn vùng.

Ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: 6 vấn đề cốt lõi ảnh 1
Ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL: 6 vấn đề cốt lõi ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: T.Vũ, Hòa Hội

Giảm diện tích lúa

Thủ tướng yêu cầu tổ chức khai thác tài nguyên dựa trên đặc trưng của ĐBSCL, tạo không gian trữ nước vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản tạo chuỗi giá trị của vùng, phát triển du lịch miệt vườn, sinh thái gắn với khu bảo tồn thiên nhiên. 

Khắc phục nhanh hiện tượng quản lý nhà nước chồng chéo nhưng thiếu phối hợp, chậm ban hành cơ chế phát triển vùng.

Chọn cây sử dụng ít nước, không giữ diện tích trồng lúa như hiện nay, cần xen canh mô hình lúa, cá, tôm để giảm bớt sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại theo hướng liên kết vùng, hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Quy hoạch vùng nông nghiệp đảm bảo sản xuất lúa chất lượng cao, sử dụng ít nước, ít phát thải khí nhà kính, những vùng nuôi trồng thủy sản được thủy lợi hóa và vùng rừng ngập mặn, rừng tràm vốn có, nghiên cứu chuyển hướng chiến lược sản phẩm nông nghiệp chủ lực là lúa - thủy sản – cây trồng, thay bằng thủy sản - cây trồng và lúa. “Dứt khoát giảm diện tích lúa 3 vụ, không chọn cây trồng sử dụng quá nhiều nước ngọt nhưng giá trị thương mại thấp. Trong quá trình chọn lựa cây con cần có doanh nghiệp tham gia từ đầu vì họ là người sau cùng đầu tư sản xuất nguyên liệu để cung cấp thị trường”- Thủ tướng nói.

Nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp cũng đề xuất những giải pháp, mô hình phát triển kinh tế tại ĐBSCL. GS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cho rằng, cần phải xem biến đổi khí hậu và nước mặn như một cơ hội. Tại các vùng ven biển, cần đầu tư phát triển các cây, con ít sử dụng nước ngọt và chịu được nước lợ. Ví dụ, nuôi tôm thay trồng lúa, trồng các cây chịu được nước mặn hoặc khô hạn, đặc biệt là dừa và lúa mạch. 

Huy động nguồn lực

Tại hội nghị, nhiều tổ chức, định chế tài chính tỏ ý ủng hộ, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển ĐBSCL. Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Eric Sidgwick, ADB có thể hỗ trợ Việt Nam 3 trong 6 vấn đề trọng tâm, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra, đó là tham gia xây dựng quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL, quản lý nguồn nước và huy động nguồn tài chính đầu tư phát triển. “ADB luôn sẵn sàng giúp cải thiện sinh kế cho gần 20 triệu dân ĐBSCL bằng những gói hỗ trợ công trình và phi công trình”- ông nói.

Đại sứ Úc Craig Chittick cho biết Úc đã đầu tư vào khu vực ĐBSCL trên 500 triệu USD. “Chúng tôi muốn đẩy mạnh hơn việc hợp tác với Việt Nam” - Đại sứ nói. 

Bà Nienke Trooster - Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam cho biết, khoảng 10 năm trước, Hà Lan bắt đầu triển khai Chương trình Đồng bằng Hà Lan với hai mục tiêu là bảo vệ Hà Lan an toàn trước mọi cơn lũ và cung cấp đủ nước sạch cho hiện tại và tương lai. Hà Lan khẳng định đây là chương trình thực sự hiệu quả. Theo bà Nienke Trooster, một trong những kinh nghiệm quý chính là luật hóa và cần có cơ cấu tài chính riêng cho chiến lược đồng bằng.

Ông Hermen Bort, Giám đốc Văn phòng Ủy ban Đồng bằng, Cao ủy Đồng bằng Hà Lan nói, ĐBSCL có nét tương đồng với đồng bằng Hà Lan là chịu đựng nước biển dâng, sụt lún, thiếu nước và xâm nhập mặn. Theo ông Hermen Bort, nếu hành động như thông thường sẽ không mang lại các kết quả mong muốn vì sự bền vững thịnh vượng lâu dài. Ông cho rằng cốt lõi là phải điều chỉnh thực tế sử dụng đất, các hệ thống sản xuất nông nghiệp và cơ sở hạ tầng liên quan.

Thủ tướng nêu 6 vấn đề trọng tâm của ĐBSCL

Một là, xác định rõ tất cả thách thức mang tính sống còn mà ĐBSCL đang đối mặt và phải vượt qua trong thời gian tới, trong đó cần có đầy đủ căn cứ khoa học, thực tiễn khách quan, có tính đến các kịch bản biến đổi khí hậu và những tác động từ bên ngoài. 

Hai là, trên cơ sở nhận định về các xu thế, thách thức và cơ hội, cần chỉ ra quan điểm chỉ đạo đối với việc định hình chuyển đổi mô hình phát triển, đặc biệt liên quan đến việc sắp xếp quy hoạch lại không gian lãnh thổ cho các tiểu vùng kinh tế sinh thái như nước mặn, nước ngọt, nước lợ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lao động, kết cấu hạ tầng, định hướng đầu tư, bảo đảm sự phát triển tổng thể, kết nối trong toàn vùng, kết nối với TPHCM, vùng kinh tế trọng điểm phía nam, bảo tồn những giá trị cơ bản, cốt lõi của vùng ĐBSCL.

Ba là, cần xác định đâu là các nhóm giải pháp cấp bách, chiến lược lâu dài, các chương trình, đề án, nhiệm vụ ưu tiên cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, các xu thế biến đổi chính, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính tổng thể, đồng bộ, kém hiệu quả như vừa qua.

Bốn là, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, tạo đột phá trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là về đất đai, thuế, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển nhân lực, phát triển thị trường, khuyến khích hỗ trợ sự thu hút, sự tham gia tích cực của người dân, của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tinh thần là cái gì tư nhân làm được thì khuyến khích tư nhân bỏ tiền của ra làm, cùng với một số hạ tầng, công trình mà chúng ta thấy bức xúc mà Nhà nước đảm nhận.

Đồng thời phải huy động được sự tham gia hiệu quả của các đối tác quốc tế, đặc biệt là tăng cường sự hợp tác trong tiểu vùng sông Mekong cũng như gắn kết với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu ở Việt Nam với khu vực và toàn cầu cũng như có giải pháp để tận dụng được những thành quả của cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp lần thứ tư để ứng dụng vào mô hình chuyển đổi cho vùng ĐBSCL.

Năm là, cơ chế điều phối tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát, đánh giá đủ mạnh và hiệu quả để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo dõi, giám sát quá trình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Sáu là, về phương pháp làm việc, Thủ tướng nêu rõ cần phát huy dân chủ, nói thẳng, nói thật, kể cả có tiếng nói ngược lại đối với một số quan điểm chỉ đạo của Chính phủ để cùng hợp tác để phát triển.

MỚI - NÓNG
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
Tỉnh ủy Tuyên Quang công bố quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Việt - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ chức vụ Giám đốc Sở Nội vụ và kiêm nhiệm Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Tiến - Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy giữ chức vụ Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh.
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.