Ứng phó với việc cầu Gianh bị đe dọa sau sự cố tàu chìm

Cầu Gianh và sơ đồ vị trí tàu chìm. Ảnh: H.N
Cầu Gianh và sơ đồ vị trí tàu chìm. Ảnh: H.N
TP - Tàu Huy Hoàng 26 chở 800 tấn xi măng đã đâm và bị đắm ngay tại trụ cầu số 4 của cầu Gianh trong trận lũ lụt hồi đầu tháng 10, đang đe dọa sự an toàn của chiếc cầu này. Đến nay, đã gần 2 tháng trôi qua chiếc tàu vẫn chưa được trục vớt.

>>  Cầu Gianh bị đe dọa

Cầu Gianh và sơ đồ vị trí tàu chìm. Ảnh: H.N
Cầu Gianh và sơ đồ vị trí tàu chìm. Ảnh: H.N.

Điệp khúc không biết

Trước những cảnh báo khẩn cấp về độ an toàn của cầu Gianh mà các nhà chuyên môn đưa ra, chúng tôi đến những cơ quan hữu trách để tìm hiểu thêm về nguyên nhân và mức độ tác động của vụ chìm tàu đến cầu Gianh, cũng như kế hoạch trục vớt, tuy nhiên chỉ nhận được câu trả lời: không biết hoặc không thể nói.

Ông Trần Văn Luận - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình cho rằng: Cầu Gianh thuộc quản lý của Tổng cục Đường bộ, còn sông Gianh thuộc quyền quản lý của Cục Đường thủy nội địa nên Sở GTVT Quảng Bình không có trách nhiệm về vụ chìm tàu. “Tôi không thể nói gì trong vụ việc này. Cho đến thời điểm này tôi vẫn chưa biết chính xác sự việc như thế nào. Nếu mà cầu Gianh thuộc chúng tôi quản lý thì chắc chắn chúng tôi đã vào cuộc và trục vớt con tàu rồi” - ông Luận nói.

Về độ an toàn của cầu Gianh, ông Luận khẳng định: “Chắc chắn cầu Gianh sẽ có ảnh hưởng sau vụ chìm tàu, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng đến đâu thì cần có cơ quan chuyên môn thẩm định. Theo tôi, nếu tàu đâm vào trụ cầu sau đó mới chìm thì ảnh hưởng sẽ rất nghiêm trọng, còn nếu tàu chìm trước rồi trôi vướng vào trụ cầu thì mức độ nhẹ hơn”.

Ông Luận cho biết thêm: Các nhà chuyên môn khi thiết kế cầu họ đã tính toán độ chịu lực của trụ cầu và tác động của dòng chảy. Một chiếc tàu nặng cả ngàn tấn, án ngữ ngay trụ cầu thì chắc chắn nằm ngoài sự tính toán khi thiết kế. Việc chậm trục vớt sẽ ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của cầu Gianh. Sự xói lở cục bộ ở trụ cầu số 4 là khó tránh khỏi.

Ông Đặng Văn Hoàng - Giám đốc Cty Cổ phần Quản lý và Xây dựng Đường bộ 494, cho biết: Cầu Gianh thuộc đơn vị của ông quản lí và khai thác. Sau vụ tai nạn chìm tàu, công ty đã nhận được nhiều văn bản chỉ đạo từ các bộ ngành liên quan. Tuy nhiên công ty của ông cũng chỉ dừng ở mức viết văn bản báo cáo hằng ngày lên cấp trên và gửi công văn đốc thúc chủ tàu trục vớt.

Khi được hỏi về tình trạng của cầu Gianh hiện nay ra sao, ông Hoàng nói: “Công ty không đủ năng lực để thẩm định, vấn đề này phải có cơ quan chuyên môn”. Tuy nhiên, ông Hoàng lại khẳng định cầu Gianh không hề hấn gì sau vụ va chạm và chìm tàu. “Bằng mắt thường cũng thấy là không có vấn đề gì, chúng tôi đã chụp ảnh và chuyển ra Tổng cục Đường bộ rồi. Còn việc có xói lở ở trụ cầu hay không thì không thể biết vì chưa ai lặn xuống đó để kiểm tra” - ông Hoàng nói.

Về trách nhiệm trục vớt con tàu, ông Hoàng cho rằng đây là trách nhiệm của chủ tàu chứ không phải trách nhiệm của cơ quan quản lý.

Vì sao chưa trục vớt?

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì có 2 nguyên nhân chính khiến việc trục vớt chậm trễ: Ngoài việc các đơn vị có năng lực trục vớt chào giá quá cao (2 - 2,8 tỷ đồng), chủ tàu còn muốn tạm ứng tiền bảo hiểm để lấy kinh phí trục vớt, song công ty bảo hiểm không đồng ý.

Ông Hoàng Tuấn Sơn - Trưởng VP đại diện Cty Bảo hiểm Dầu khí Bắc Trung bộ (PVI BTB) tại Quảng Bình cho biết, phía bảo hiểm không thể đồng ý với chủ tàu phương án tạm ứng tiền bảo hiểm được. Về nguyên tắc, sau khi trục vớt, cơ quan giám định độc lập sẽ xác định mức độ thiệt hại, nếu con tàu sửa chữa được thì có thể sẽ phải đưa đi sửa chữa, qua đó phát sinh thêm chi phí vận chuyển... và hai bên tiếp tục ngồi lại với nhau để thống nhất.

Ngoài ra, ngay thông tin cơ bản nhất về con tàu như trọng tải và khối lượng thực chở cũng rất mù mờ. Trong nhiều văn bản của các bên liên quan, khi thì cho rằng tàu chỉ có trọng tải 800 tấn mà chở lên 820 tấn xi măng, có văn bản còn cho rằng tàu chở 850 tấn, rồi trọng tải của tàu là 845 tấn... Điều này cũng khiến phía bảo hiểm nghi ngờ về sự cố của con tàu.

Ngay sau khi tàu đắm, PVI BTB đã thuê công ty giám định độc lập kiểm tra, giám định, song đến nay vẫn chưa có kết luận.

Ông Nguyễn Quốc Tường - Trưởng phòng CSGT CA Quảng Bình, cho rằng: Do đây là vụ tai nạn xảy ra trong bão lụt mà không phải là tai nạn giao thông đường thủy thông thường nên CSGT không vào cuộc.

Ra tối hậu thư yêu cầu trục vớt tàu chìm

Chiều 26-11, người phát ngôn Bộ GTVT cho biết, đã ra tối hậu thư buộc chủ tàu Huy Hoàng 26 phải trục vớt. Theo đó, trong cuộc họp diễn ra ngày 25-11, Thứ trưởng GTVT Trương Tấn Viên đã chỉ đạo Cục Đường thuỷ nội địa phối hợp với Sở GTVT Quảng Bình đặt ra một thời hạn hợp lý yêu cầu đơn vị chủ quản tàu Huy Hoàng 26 phải trục vớt để đảm bảo an toàn cho cầu Gianh.

Nếu đến hạn quy định, đơn vị sở hữu tàu Huy Hoàng 26 không thực hiện, Bộ GTVT sẽ thông qua Cục Đường thuỷ nội địa và Sở GTVT Quảng Bình cưỡng chế trục vớt con tàu đắm này. Chi phí thực hiện sẽ dùng tiền ngân sách nhà nước, sau đó sẽ gửi giấy báo nợ tới đơn vị sử hữu tàu Huy Hoàng 26.

"Trường hợp, đơn vị sở hữu Huy Hoàng 26 không chịu trả nợ, Bộ GTVT sẽ thực hiện các bước cần thiết theo đúng quy định của pháp luật để xử lý", ông Công nói.

Chiều cùng ngày, một quan chức thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng nhận định rằng, sở dĩ chủ tàu Huy Hoàng 26 chưa chịu vớt tàu chìm vì còn dây dưa với phía bảo hiểm. "Tuy nhiên, chúng tôi không quan tâm tới việc bảo hiểm thế nào mà chỉ tính tới an toàn của cây cầu", vị quan chức này nói. Vị này cũng cho biết, nếu để như tình trạng hiện nay, nước lũ lên cao sẽ rất nguy hiểm cho cầu Gianh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG