Ước nguyện cuối chưa thành

Ước nguyện cuối chưa thành
TP - Bà Nguyễn Thị Hồng người thứ 2 trong đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC) vừa từ Mỹ trở về đã từ trần lúc 10 giờ 45 phút ngày 20/7.

>> Nhân chứng thứ hai của vụ kiện da cam/điôxin VN qua đời

Ước nguyện cuối chưa thành ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Hồng (ngồi trên xe đẩy) trong thời gian dự phiên tòa trên đất Mỹ - Ảnh: Tuổi trẻ

Trước bà Hồng, một thành viên khác trong đoàn là ông Nguyễn Văn Quý đã mất tại Hải Phòng vào ngày 7/7...

Hơn nửa đời người bị bệnh tật do di chứng của chất độc da cam (CĐDC) đeo đẳng gia đình bà Hồng đã khánh kiệt. Trong không khí đau buồn của lễ tang, chồng bà - ông Đỗ Minh Trí nghẹn ngào nói:

“Từ nước Mỹ trở về, vợ tôi  muốn được kể lại cho bà con nghe về sự đồng cảm của nhân dân Mỹ đối với 3 triệu nạn nhân CĐDC mà quân đội của họ đã để lại trên đất nước Việt Nam nhỏ bé hiền hoà này.

Nhiều người Mỹ đã bật khóc khi nghe vợ tôi  nói, khi nhìn thân thể bị tàn phá của bà ấy. Nhưng vợ tôi chưa kịp thực hiện ước nguyện của mình thì bị bệnh tật đã quật ngã!”.

Ngày ấy, trong cánh rừng bạt ngàn của chiến khu Mã Đà, cô y tá Nguyễn Thị Hồng rực rỡ như cánh hoa mai, mỗi lần cô xuất hiện các chiến sĩ đứng lên, họ chỉnh trang y phục, như chuẩn bị hành quân, ai cũng muốn được cô để mắt đến.

Nhưng cô yêu Đỗ Minh Trí cận vệ của cha mình. Tình yêu trong thời chiến tranh say đắm, hai người tỏ tình qua ánh mắt.

Hiểu được tấm lòng của đôi trẻ, đồng chí Nguyễn Văn Nguyên, bí danh là Năm Hòa, Phó Chủ tịch khu Đông Nam Bộ làm lễ cưới cho con gái và người cận vệ tin cẩn của mình.

Đám cưới thời chiến, tổ chức đơn sơ trong niềm vui đồng đội. Mọi người đến dự thưởng thức chè vối, lương khô.

Khi cuộc vui chưa tàn thì tiếng máy bay gầm rú. Mọi người tản xuống chiến hào, nhưng lần này máy bay không thả bom mà thả thứ bột màu mờ đục phủ kín núi rừng.

Ngày đó, chưa ai ý thức được tác hại của thứ chất độc hủy diệt này, có anh bộ đội còn tếu: “Chúng nó thả khói màu mừng đám cưới”. Hậu quả trút lên đầu cô dâu trẻ trong rừng ngay sau những ngày cưới, ba lần hư thai.

Nguyễn Thị Hồng đã khóc hết nước mắt nhưng vẫn hiên ngang lao vào cuộc chiến. Cũng may sau đó, ba đứa con lần lượt ra đời đều khỏe mạnh, đến đứa thứ tư mới sinh ra môi đỏ như đoá hồng, ông bà đặt tên là Đỗ Thị Hồng Nhung.

Thế nhưng, cô bé lớn lên mang trong mình di chứng CĐDC, với thần kinh không ổn định.

Sau ngày đất nước thống nhất, họ sống giản dị trong căn nhà nhỏ ở thành phố Biên Hoà. Từ năm 1977, bà Hồng thường bị những cơn đau hành hạ, của cải trong nhà lần lượt ra đi.

Khi bác sĩ báo tin lá lách của bà đã hoại tử, gia đình cắn răng bán căn nhà để cứu bà và từ đó họ chỉ sống bằng đồng lương ít ỏi của ông và sự giúp đỡ của đoàn thể, xã hội và bạn bè.

Nhưng cái chất độc quỷ quái ấy không buông tha bà, lần lượt nội tạng của bà bị phá hủy, bà chết dần chết mòn trong đau đớn.

Đến năm 1990, phái đoàn bác sĩ Mỹ xác định bà bị nhiễm CĐDC, bà mới nhớ lại cái làn bụi mờ trong những ngày chiến đấu trong chiến khu.

Bắt đầu ý thức nỗi đau của hàng triệu đồng bào, bà dành những tháng ngày còn lại góp chút sức tàn xoa dịu nỗi đau của cộng đồng. Bà tham gia công tác xã hội, tham gia Hội Phụ nữ, Hội nạn nhân chất độc da cam…

Một việc làm đầy ý nghĩa những ngày cuối đời là đã tham gia phiên tranh tụng ngày 18/6/2007 trên đất Mỹ. Lê thân hình bệnh tật, đôi chân hoại tử, như bằng chứng sống nói chuyện với những người dân của nước Mỹ và đón nhận sự ủng hộ của họ.

Ông Trí còn nhớ trước ngày lên đường đi Mỹ, bà nói với ông như lời trăng trối: “Tôi biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa, dù rất đau đớn tôi cũng phải đi, đi cho thế giới thấy sau đó chết cũng yên lòng”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.