Giám đốc Tramoc Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải:

Ưu tiên giao thông công cộng là chìa khoá giảm ùn tắc

Với hạ tầng đồng bộ và tập trung nhiều loại hình VTCC đường Nguyễn Trãi đủ điều kiện để tổ chức thành một tuyến giao thông kiểu mẫu. Ảnh: Trọng Đảng.
Với hạ tầng đồng bộ và tập trung nhiều loại hình VTCC đường Nguyễn Trãi đủ điều kiện để tổ chức thành một tuyến giao thông kiểu mẫu. Ảnh: Trọng Đảng.
TP - Lâu nay việc tổ chức giao thông tại Hà Nội chỉ chú trọng đến việc giảm ùn tắc cục bộ. Ðể phát triển giao thông mang tính bền vững và phù hợp hơn với chủ trương của thành phố, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) cho rằng, trong các giải pháp tổ chức giao thông, cơ quan chức năng cần ưu tiên hơn nữa cho hoạt động của giao thông công cộng (GTCC).

Xe buýt cần có đường ưu tiên

Từ thực tế khảo sát, nghiên cứu hoạt động của GTCC ở một số thành phố phát triển, ông có đánh giá và đề xuất giải pháp gì cho tổ chức GTCC Thủ đô?

Tại nhiều đô thị trên thế giới, làn đường dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt là khá phổ biến. Xin đơn cử, tại Nhật Bản, Thủ đô Tokyo có diện tích nhỏ hơn Hà Nội nhưng dân số đông hơn Hà Nội rất nhiều, tuy nhiên việc đi lại của người dân Tokyo (Nhật Bản) đang diễn ra rất thuận lợi, ít xảy ra ùn tắc kéo dài. GTCC của Tokyo đã có nhiều loại hình, như đường sắt trên cao, dưới thấp và tàu điện ngầm, nhưng sau hàng chục năm phát triển, đến nay cùng với hệ thống đường sắt đô thị rất phát triển, xe buýt tại Tokyo vẫn đóng vai trò là loại hình quan trọng trong vận tải công cộng. Cũng như Hà Nội, tại khu vực lõi đô thị, nhiều tuyến đường của Tokyo cũng có mặt cắt nhỏ bé, tuy nhiên xe buýt vẫn hoạt động tốt vì có làn đường dành riêng. Việc cho xe buýt chạy theo làn riêng cũng được thực hiện khá phổ biến ở nhiều đô thị của nhiều quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc…

Hà Nội cũng đã triển khai một số giải pháp ưu tiên cho xe buýt trong tổ chức giao thông, trong đó có tổ chức làn riêng cho xe buýt tại trục đường Nguyễn Trãi, Yên Phụ và hành lang BRT. Sau 1 năm Hà Nội vận hành, tuyến buýt nhanh BRT đầu tiên Kim Mã - Yên Nghĩa đã cho thấy một thực tế, với lộ trình dài 14,7 km, buýt BRT vận hành trên đường ưu tiên chỉ hết từ 30 đến 40 phút/lượt, trong khi đó vào giờ cao điểm, nếu đi xe ô tô cá nhân, lộ trình này hết 40 đến 60 phút, xe buýt thường thì còn mất nhiều thời gian hơn. Tỷ lệ lượt xe xuất bến đúng giờ của BRT cũng đạt trung bình 98%. Điều đặc biệt hơn, trong khi nhiều tuyến buýt truyền thống trong những năm qua đang bị chững lại về sản lượng nhưng buýt BRT lại luôn tăng, riêng vé tháng đang dẫn đầu toàn mạng buýt với mức tăng trên 3 % so với kế hoạch. Đối tượng hành khách đi lại bằng xe buýt trên BRT cũng có sự thay đổi bước ngoặc khi có đến 55,7% hành khách là người đi làm (cán bộ, công chức...), trong khi các tuyến buýt thường, đối tượng hành khách là học sinh, sinh viên thường chiếm tới 90%. Do có hành trình, thời gian đi lại ổn định và nhanh hơn ô tô cá nhân, buýt thường nên số lượng hành khách đi buýt BRT, sau 1 năm hoạt động đã đạt 4,9 triệu lượt, trung bình là 40 hành khách/lượt, sản lượng thuộc hàng “top” đối với những tuyến buýt mới mở.

Từ hiệu quả của tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được chạy trên đường ưu tiên, với hạ tầng đang có, tôi thấy rằng, thành phố có thể bố trí thêm các làn ưu tiên cho xe buýt trên nhiều tuyến đường có đủ điều kiện. Với mặt cắt từ 3 đến 4 làn xe mỗi bên và hạ tầng giao thông đã khá hoàn thiện, hiện các tuyến đường như Nguyễn Trãi đi Hà Đông, Vành đai 3, Giải Phóng, Nguyễn Văn Cừ… có đủ điều kiện để bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt, với tuyến đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông là khôi phục lại.

Ưu tiên giao thông công cộng là chìa khoá giảm ùn tắc ảnh 1 Giám đốc Tramoc Nguyễn Hoàng Hải.

Ðủ điều kiện tổ chức tuyến giao thông kiểu mẫu

Trong điều kiện hạ tầng giao thông Hà Nội hiện nay, theo ông làm thế nào để nâng cao năng lực của xe buýt, cùng với đó là tổ chức giao thông có làn đường ưu tiên?

Ngoài rút ngắn thời gian chuyến đi, nâng cao khả năng vận hành, việc tổ chức giao thông theo hướng bố trí làn đường ưu tiên cho xe buýt cũng là một trong những giải pháp hạn chế xe cá nhân. Bản chất của đường ưu tiên là tách xe buýt khỏi các làn đường hỗn hợp, làm giảm xung đột để tăng tốc độ lưu thông của phương tiện chạy trên làn ưu tiên. Với xe buýt, khi được hoạt động trên các làn đường này, sẽ xóa được “căn bệnh” trầm kha lâu nay khiến dịch vụ xe buýt kém hấp dẫn là trễ giờ, bỏ lượt, bỏ điểm dừng (bỏ khách) vì ùn tắc.

Trong các tuyến đường có thể tổ chức đường ưu tiên cho xe buýt được nêu trên, tôi thấy rằng nên chọn tuyến đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông để thực hiện trước hay nói đúng hơn là khôi phục lại (các năm đầu 2000 tuyến đường này đã có làn ưu tiên cho xe buýt-PV). Với mặt đường rộng mỗi bên 4 làn xe, hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện đồng bộ, đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông đang là trục giao thông duy nhất của Hà Nội tập trung đầy đủ các loại hình vận tải công cộng văn minh, hiện đại nhất, trong đó có xe buýt thường, buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị (ĐSĐT) - tuyến Cát Linh - Hà Đông chuẩn bị vận hành từ tháng 9/2018. Với hạ tầng và các loại hình phương tiện như vậy, tuyến đường Nguyễn Trãi đi Hà Đông có đủ điều kiện để tổ chức thành trục giao thông kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội và cũng là cả nước. Cụ thể, các loại hình vận tải công cộng trên đường sẽ được phân vai hoạt động, nếu như ĐSĐT, BRT có chức năng vận chuyển khối lớn trên trục chính, thì buýt thường sẽ đóng vai trò kết nối, gom khách... Để mỗi loại hình hoạt động đúng chức năng, hiệu quả cũng cần xem xét khôi phục lại đường ưu tiên cho xe buýt nhằm giúp buýt thường kết nối hợp lý, chính xác với biểu đồ, tần suất hoạt động của BRT và ĐSĐT.

“Nắn” lộ trình buýt để đón ÐSÐT

Cuối năm nay tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông sẽ lăn bánh, Tramoc đã có những phương án gì giúp ĐSĐT hoạt động hiệu quả?

Chuẩn bị cho ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, Tramoc vừa xây dựng xong phương án điều chỉnh nhiều tuyến buýt chạy dọc hai bên hành lang. Tại đây hiện đang có tổng cộng 34 tuyến buýt hoạt động, các tuyến buýt này chiếm khoảng 30% số lượng tuyến của toàn mạng lưới xe buýt Hà Nội. Với tuyến QL6 đoạn từ bến xe Yên Nghĩa đến Ngã Tư Sở có nhiều tuyến buýt chạy trùng với tuyến ĐSĐT nhất, gồm 5 tuyến, gồm: 01, 02, 21A, 27, 33. Do có lượng hành khách lớn, tần suất hoạt động cao, nên các tuyến buýt này rất quan trọng của mạng lưới xe buýt Hà Nội.

Từ kế hoạch vận hành của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông vào tháng 10 năm 2018 và vận hành chính thức vào tháng 12 cùng năm, để tránh tình trạng xe buýt chạy trùng tuyến với ĐSĐT nhưng vẫn đảm bảo được vai trò gom khách cho ĐSĐT, Tramoc đã đưa ra phương án điều chỉnh lộ trình 34 tuyến buýt đang hoạt động dọc hành lang tuyến ĐSĐT. Cụ thể, phương án trên sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, gồm: giai đoạn 1: Điều chỉnh 50% lượt xe của các tuyến buýt có lộ trình trùng với tuyến ĐSĐT số 2A đoạn từ Ngã Tư Sở tới bến xe Yên Nghĩa (dài 9km); với 50% lượt xe còn lại vẫn duy trì hoạt động theo lộ trình cũ để hạn chế xáo trộn với hành khách. Giai đoạn 2: điều chỉnh cắt bỏ toàn bộ các lượt xe trùng lộ trình với tuyến ĐSĐT số 2A và gộp vào các tuyến đã điều chỉnh trong giai đoạn 1. Cùng với đó, để hành khách dễ dàng tiếp cận các nhà ga, trên dọc hành trình của tuyến ĐSĐT, Tramoc cũng lên phương án kết nối các tuyến buýt với ĐSĐT bằng việc, sẽ lắp đặt các điểm dừng xe buýt gần nhất với các cầu thang nhà ga để hành khách dễ dàng tiếp cận.

Trân trọng cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.